4.1.2.1. Liên quan giữa đặc điểm chung với suy dinh dưỡng trẻ
-Tuổi và suy dinh dưỡng trẻ em
+ Nhóm tuổi trẻ em và suy dinh dưỡng
Số liệu bảng 3.4 cho thấy, diễn biến của tỷ lệ SDD thể thấp còi trẻ em tăng dần từ nhóm tuổi 0-11 tháng (60,6%) đến nhóm 36-47 tháng (65,5%) và tại bảng 3.5, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân tăng nhanh từ nhóm tuổi 0-
11 tháng (25,2%) sang nhóm 12-23 tháng (34,6%) và đạt đỉnh ở nhóm 36- 47 tháng (43,4%). Đây là hậu quả của việc nuôi dưỡng trẻ còn nhiều hạn chế của các bà mẹ dân tộc thiểu số Bắc Trà My. Tuổi thứ hai trở đi là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của một đứa trẻ vì chúng dần thôi bú mẹ, bắt đầu tập ăn các thức ăn của người lớn và bị đe dọa của các yếu tố môi trường bên ngoài, nhất là các vi sinh vật gây bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa... Tỷ lệ SDD ở các nhóm tuổi nhỏ tăng dần đã cộng dồn lên nhóm tuổi lớn hơn, cho nên nhóm trẻ 36-47 tháng tuổi có tỷ lệ SDD cao nhất. Sang nhóm tuổi thứ 5 (từ 48-59 tháng), tỷ lệ SDD có giảm xuống 37,5%, một phần nhờ nhóm tuổi này đã lớn hơn, tự phục vụ bản thân tốt hơn; mặt khác có thể đây là kết quả của chương trình quốc gia phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và các chương trình kinh tế xã hội của Chính phủ hỗ trợ cho các huyện nghèo đặc biệt khó khăn trên toàn quốc, trong đó có huyện Bắc Trà My [55]. Nghiên cứu của Hoàng Khải Lập và cộng sự tại Thái Nguyên cho thấy kết quả tương tự như chúng tôi, bắt đầu tăng nhanh ở nhóm 12-23 tháng tuổi và duy trì ở mức cao đến khi trẻ được 47 tháng tuổi (33,9%-37,1%) [37]. Kết quả điều tra tại Tam Kỳ, Quảng Nam của Đinh Đạo, Đỗ Thị Hòa năm 2007 đều nhận thấy trẻ em nhóm 0-11 tháng tuổi thấp nhất ở cả nội thị (5,4%), ngoại thị (7,5%) và tăng dần đến nhóm 48-59 tháng tuổi là cao nhất (nội thị 15,0%, ngoại thị 21,8%) [8]. Nguyễn Thị Như Hoa khảo sát tại Yên Thủy, Hòa Bình năm 2011 thấy tỷ lệ SDD có xu hướng tăng theo độ tuổi, đặc biệt thể nhẹ cân và thể gầy còm [15]. Kết quả điều tra của Trần Văn Hà, Phạm Văn Phú, Phạm Duy Tường tại xã Việt Long và Phù Ninh, Sóc Sơn, Hà Nội cũng thấy sự khác biệt SDD theo nhóm tuổi có ý nghĩa thống kê ở cả 2 thể nhẹ cân và thấp còi; trong đó trẻ nhẹ cân cao nhất ở nhóm 48-59 tháng; còn trẻ thấp còi cao nhất ở nhóm 36-
+ Tuổi mẹ và suy dinh dưỡng trẻ em
Kết quả nghiên cứu chưa thấy liên quan có ý nghĩa thống kê giữa nhóm tuổi mẹ với tình trạng dinh dưỡng trẻ em (p>0,05). Nghiên cứu của Hoàng Khải Lập và cộng sự tại Thái Nguyên cũng cho kết quả tương tự [37]. Khảo sát của Lê Phán tại huyện Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa [46]; của Trương Đức Tú tại huyện Dakrong tỉnh Quảng Trị [59] thấy SDDTE ở nhóm bà mẹ từ 35 tuổi trở lên cao hơn có ý nghĩa thống kê so với con của nhóm bà mẹ dưới 35 tuổi.
- Giới tính và suy dinh dưỡng trẻ em
Nghiên cứu của chúng tôi thấy chưa có mối liên quan giữa giới tính trẻ với tình trạng dinh dưỡng của trẻ (p>0,05). Đây cũng là nhận định trong các khảo sát của Nguyễn Thị Hải Anh, Lê Thị Hợp và cộng sự tại tỉnh Lào Cai [1]; của Lê Thị Hợp cùng Berger J. điều tra trẻ em Việt Nam [95] và của Phạm Huy Khôi nghiên cứu tại huyện Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa [32]. Điều tra của Lê Hữu Uyển, Nguyễn Văn Tập cho thấy trẻ nam nhẹ cân 35,7% còn trẻ nữ 32,9%; ngược lại với thấp còi nữ 35,2% cao hơn so với trẻ nam là 31,2% [67].
- Đặc điểm dân tộc và suy dinh dưỡng trẻ em
Bắc Trà My là huyện có 50% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tập trung 90% ở các xã thuộc Chương trình 135 của huyện, gồm 15 dân tộc thiểu số. Trong số đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc Ca Dong (35,0%), Cor (11,0%), Mơ Nông 2,0% và các dân tộc khác chỉ chiếm 2,0% [47]. SDDTE chưa thấy bị chi phối bởi đặc điểm các dân tộc (p>0,05). Kết quả này khác với một số nghiên cứu của các tác giả khác như Lê Hữu Uyển và cộng sự điều tra tại Thanh Hóa, có sự khác nhau về tỷ lệ trẻ nhẹ cân theo dân tộc: Mường 76,6%, Thái 20,2% và Thổ 3,1% [67]; cũng như khảo sát của Trương Đức Tú có SDDTE người Kinh 19,9% so với 50,3% người dân tộc
thiểu số [59]. Báo cáo của UNICEF năm 2009 về SDDTE Việt Nam dưới 5 tuổi ở dân tộc Kinh là 22,2% thấp hơn nhiều so với 38,4% ở các dân tộc khác [126]. Sự khác biệt trong khảo sát của chúng tôi so với các nghiên cứu khác là do mẫu điều tra của Bắc Trà My chỉ tiến hành trên đối tượng dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Mặt khác, điều kiện kinh tế, xã hội, mặt bằng dân trí, cũng như một số tập tục lạc hậu ảnh hưởng đến nuôi dưỡng trẻ ở các dân tộc Ca Dong, Cor và các dân tộc khác cùng chung sống trên địa bàn là không có sự khác nhau đáng kể [9], [47].
- Nơi cư trú và suy dinh dưỡng trẻ em
Nơi cư trú trẻ em chưa có mối liên quan có ý nghĩa với tình trạng dinh dưỡng trẻ (p>0,05). Điều này cũng dễ hiểu bởi điều kiện khó khăn của các xã Chương trình 135 của Bắc Trà My khá tương đồng với nhau cả về tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu kinh tế, điều kiện hạ tầng xã hội như thông tin liên lạc, giao thông, điện nước, mức độ ảnh hưởng của thiên tai... Huyện Bắc Trà My trong những năm qua thường xuyên chịu tác động của lũ lụt, động đất gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân, hư hại nhà cửa, các công trình công cộng như điện, giao thông, thủy lợi, ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến đời sống người dân tại nơi đây. Tác hại của thiên tai lên tình trạng dinh dưỡng trẻ em rất rõ rệt qua khảo sát của Lê Danh Tuyên, Lê Thị Hợp, Nguyễn Hồng Trường tại vùng bị lũ lụt nặng năm 2011: SDDTE thể gầy còm ở Tuyên Hóa 19,2% và Minh Hóa 18,6%, cao gấp 2,5 lần so với cả nước 7,1% (2011). SDD thể nhẹ cân quá cao so với số liệu quốc gia (16,8%) ở Tuyên Hóa 57,7% và Minh Hóa 44,9% [62].
Nhiều nghiên cứu đều cho thấy SDDTE vùng miền núi cao hơn đồng bằng [29], [69], [89]; nông thôn cao hơn thành thị [8], [40], [69]. Điều tra của Nguyễn Công Khẩn và cộng sự giai đoạn 1990-2004 thấy ở cả 3 thể
nhẹ cân, thấp còi và gầy còm khu vực thành phố đều thấp hơn khu vực nông thôn; khu vực miền núi cao cách biệt các khu vực khác [29]. Báo cáo kết quả nghiên cứu của Lê Danh Tuyên, Lê Thị Hợp, Nguyễn Công Khẩn, Hà Huy Khôi thấy tỷ lệ trẻ nhẹ cân, thấp còi, gầy còm tương ứng năm 1990 ở khu vực thành phố (40,6%, 44,4%, 9,2%); vùng nông thôn (47,5%, 60,1%, 14,2%); còn vùng miền núi (54,7%, 61,8%, 16,8%) và tương tự vào năm 2009, ở thành phố (16,5%, 23,2%, 4,8%); vùng nông thôn (23,2%, 34,4%, 7,4%) và vùng miền núi (27,9%, 36,6%, 7,9%) [61]. Ngay trên địa bàn cùng một huyện, nhóm tác giả Trần Văn Hà, Phạm Văn Phú, Phạm Duy Tường cho thấy SDDTE xã Việt Long cao hơn cả 3 thể nhẹ cân, thấp còi, gầy còm tương ứng (19,3%, 36,3%, 7,8%) so với trẻ ở xã Phù Ninh (17,5%, 23,7%, 2,6%), vì Việt Long là xã nghèo, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hơn [13].
- Học vấn mẹ và suy dinh dưỡng trẻ em
Kết quả phân tích đơn biến ở bảng 3.5 có 44,1% SDDTE là con của các bà mẹ mù chữ, cao hơn so với 38,1% SDDTE là con những bà mẹ học vấn tiểu học và 32,2% trẻ SDD ở nhóm bà mẹ có trình độ học vấn trên tiểu học (p<0,01). Tuy nhiên, khi phân tích hồi quy logistic đa biến (bảng 3.10) thấy nhóm tuổi mẹ chưa ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê đến SDDTE (p>0,05). Như vậy, nhóm tuổi mẹ là yếu tố nhiễu trong nghiên cứu của chúng tôi. Nhiều tác giả khác cũng ghi nhận trình độ học vấn mẹ chưa ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê đến SDDTE như khảo sát của Nguyễn Thị Như Hoa ở trẻ em dưới 5 tuổi huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình năm 2011 [15]; của Lê Hữu Uyển, Nguyễn Văn Tập ở trẻ em dưới 5 tuổi dân tộc thiểu số huyện Như Thanh, Thanh Hóa năm 2007 [67] và của Nguyễn Thị Thanh Thuấn, Phạm Văn Phú ở trẻ em dưới 5 tuổi dân tộc Tày tại huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang năm 2009 [58]. Tuy nhiên, ảnh hưởng của trình độ học
vấn mẹ có ý nghĩa thống kê đến tình trạng SDDTE được ghi nhận trong các nghiên cứu khác như của Trương Đức Tú tại huyện Đakrong, Quảng Trị năm 2006 [59]; của Nguyễn Công Khẩn và cộng sự khảo sát tiến triển SDDTE giai đoạn 1990-2004 [30].
- Nghề nghiệp mẹ và suy dinh dưỡng trẻ em
Bảng 3.5 và bảng 3.10 thấy nhóm bà mẹ làm nghề nông có tỷ lệ con bị SDD (39,1%) cao hơn có ý nghĩa thống kê so với tỷ lệ 21,1% trẻ SDD là con của nhóm bà mẹ cán bộ nhân viên. Điều này là do phần lớn các bà mẹ cán bộ nhân viên của Bắc Trà My có trình độ học vấn cao hơn, điều kiện kinh tế gia đình và thời gian chăm sóc con tốt hơn so với các bà mẹ làm nghề nông. Nghiên cứu của Phạm Huy Khôi tại huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa năm 2005 [32] và của Hoàng Thị Liên tại xã Thủy Phù, Thừa Thiên Huế thấy chưa có mối liên quan chặt chẽ giữa nghề nghiệp mẹ với tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em [38].
- Kinh tế gia đình và suy dinh dưỡng trẻ em
Bảng 3.5 thấy có 42,2% trẻ SDD ở các hộ nghèo, cao hơn cách biệt so với 26,9% trẻ SDD thuộc các hộ gia đình đủ ăn hoặc khá giả, p<0,001. Từ trước đến nay, người ta đều thừa nhận đói nghèo là nguyên nhân gốc rễ của SDD [2], [88], [133]. Ảnh hưởng rõ rệt của kinh tế gia đình lên tình trạng dinh dưỡng trẻ cũng đã phản ánh trong nhiều nghiên cứu khác [38], [46], [59]. UNICEF khảo sát thấy SDDTE dưới 5 tuổi của Việt Nam năm 2009 ở các hộ gia đình nghèo nhất nước là 35,3%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 22,6% ở hộ có mức kinh tế trung bình và 14,0% ở các hộ giàu nhất
[126]. Tác giả Alessandra M. và cộng sự khảo sát tại Guatemala năm 2003 thấy tỷ lệ thấp còi trẻ em ở các hộ giàu chỉ 16,0%, trong khi ở các hộ nghèo đến 62,0% [75]. Nghiên cứu của Spencer N. ở Uzbekistan năm 1996 thấy tỷ lệ trẻ nhẹ cân ở gia đình nghèo khổ 25,1%, cao hơn so với 12,9% ở gia
đình khá giả [121]. Khảo sát của Janevic T. và cộng sự năm 2010 thấy trẻ em dân tộc thiểu số sống tập trung ở khu Roma có tỷ lệ trẻ gầy còm cao gấp 3 lần trẻ em ở vùng nông thôn [98]. Điều tra của Tsegaye S. và cộng sự năm 2008 thấy có 43% dân số ở vùng cận Sahara châu Phi sống dưới mức 1 đô la Mỹ một ngày [123] và đây là khu vực có tỷ lệ SDDTE rất cao [120]. UNICEF Nghiên cứu về công bằng trong y tế cho thấy thu nhập dài hạn của hộ gia đình đã lý giải cho đa số các khác biệt về cân nặng theo tuổi và chiều cao theo tuổi thấp, còn dân tộc và các yếu tố khác như trình độ học vấn có vai trò khá nhỏ trong mức chênh lệch quan sát được [127].
4.1.2.2. Liên quan giữa bệnh tật với suy dinh dưỡng trẻ
Kết quả bảng 3.6 thấy trong số 45,7% (548/1200) trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp trong vòng 2 tuần trước thời điểm điều tra có 46,4% SDDTE thể nhẹ cân, cao cách biệt so với nhóm không mắc bệnh chỉ có 28,2% trẻ bị SDD (p<0,001). Nhóm tác giả Phạm Trung Kiên, Lê Thị Nga điều tra trên trẻ em dân tộc Sán Dìu và H’Mông tại 2 xã miền núi phía Bắc Việt Nam với kết quả nhóm trẻ SDD có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cao hơn 3,9 lần nhóm trẻ không SDD (OR=3,91, p<0,05) [34]. Khảo sát của Nguyễn Thị Kiều Phượng tại huyện Gò Dầu tỉnh Tây Ninh năm 2008 thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn hô hấp cấp 57,9% ở nhóm trẻ bị SDD, cao cách biệt so với 34,0% ở nhóm trẻ không SDD [51].
Bảng 3.6 cũng cho thấy có 43,5% SDDTE thể nhẹ cân ở nhóm trẻ sơ sinh nhẹ cân, cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm cân nặng sơ sinh bình thường chỉ có 35,0% trẻ bị SDD (p<0,05); nhưng theo kết quả phân tích hồi quy logistic đa biến ở bảng 3.10 thấy bệnh lý sơ sinh nhẹ cân (214/1200=16,5%) chưa có mối liên quan chặt chẽ với trẻ nhẹ cân; như vậy nó chỉ là yếu tố nhiễu. Nhẹ cân lúc sinh trong khảo sát của Hoàng Thị Liên
tại xã Thủy Phù, Thừa Thiên Huế [38] và Phạm Huy Khôi tại huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa [32] là yếu tố liên quan đến SDDTE.
Bệnh tiêu chảy cấp (471/1200=39,3%) chưa liên quan có ý nghĩa đến tỷ lệ trẻ nhẹ cân (bảng 3.6). Nghiên cứu của Phan Thị Bích Ngọc, Phạm Văn Nhu tại xã Nghĩa An, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi năm 2007 cho thấy những trẻ SDD mắc tiêu chảy 65,2% so với 26,0% ở nhóm trẻ không bị SDD [43]. Điều tra của Trương Đức Tú thấy tiêu chảy liên quan đến 43,9% trẻ nhẹ cân [59].
Bệnh thiếu máu lâm sàng ở bảng 3.6 cũng chưa thấy ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc SDDTE. Tuy nhiên, với tỷ lệ thiếu máu lâm sàng rất cao (685/1200=57,1%) do đặc thù trẻ em dân tộc thiếu số dưới 5 tuổi sống ở miền núi vùng xa, có điều kiện vệ sinh môi trường thấp kém, dễ bị nhiễm các loại giun truyền qua đất, nên rất cần hỗ trợ của dịch vụ y tế như tẩy giun định kỳ và bổ sung sắt, axit folic cho trẻ theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng-Bộ Y tế [2]. Can thiệp phối hợp tẩy giun và bổ sung đa vi chất của Trần Thị Lan có tác dụng hiệp đồng làm giảm tỷ lệ nhẹ cân, thấp còi ở trẻ em 12-36 tháng tuổi người dân tộc Vân Kiều và Pakoh huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị [35]. Theo điều tra của Pasricha và cộng sự qua trên 42.306 trẻ em thấy tỷ lệ thiếu máu cao nhất (47,4%) ở trẻ em trước tuổi đến trường và thiếu sắt được cho là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thiếu máu trên toàn thế giới; cũng như đã chứng minh hiệu quả của bổ sung sắt làm giảm tỷ lệ thiếu máu và cải thiện SDDTE có ý nghĩa thống kê [113]. Báo cáo công tác phòng chống SDDTE dưới 5 tuổi tại huyện Thạch Thông, Bắc Kạn năm 2011 của Trần Văn Tuyến và cộng sự đã nhận định tẩy giun cho trẻ đạt 95,2% đã góp phần giảm SDDTE [63]. Trong số khoảng 8,8 triệu trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới trong năm 2008, do sơ sinh nhẹ cân chiếm 12,0% (1,0 triệu); các bệnh truyền nhiễm gây ra
68,0% (6,0 triệu), với tỷ lệ phần trăm lớn nhất do viêm phổi (18,0%, 1,6 triệu), tiêu chảy (15,0%, 1,3 triệu); [81]. Hơn 1,6 tỷ người trên thế giới bị thiếu máu [110] và khoảng 2 tỷ người bị nhiễm các loại giun truyền qua đất [73]. Những đứa trẻ nhỏ phát triển rất nhanh, đòi hỏi nhu cầu năng lượng nhiều; nguồn dự trữ gần như không có; nó phải trải qua một giai đoạn thích nghi dần với thức ăn của người lớn và còn chịu sự tác động thường xuyên của nhiễm trùng, ký sinh trùng, nhất là ở các nước đang phát triển, do sự nghèo đói, dân trí thấp, môi trường bị ô nhiễm, dẫn tới tồn tại một tỷ lệ cao các bệnh nhiễm trùng và SDD, tạo thành một vòng xoắn khó giải quyết [85 . Điều này càng được thể hiện rõ tại địa phương nghiên cứu [9], [47].
4.1.2.3. Liên quan giữa hành vi nuôi con của bà mẹ với SDDTE
- Liên quan giữa kiến thức nuôi con của bà mẹ với SDDTE
Bảng 3.7 thấy có 2 yếu tố ảnh hưởng đến SDDTE là hiểu biết về 4 nhóm thực phẩm sẵn có và kiến thức chung về nuôi con của các bà mẹ (p<0,001); nhưng nhìn vào bảng 3.10 khi phân tích hồi quy logistic đa biến thì có 4 yếu tố hiểu biết của bà mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến SDDTE: hiểu biết chung, hiểu biết về ăn bổ sung, về chất béo và về nhóm rau quả (p<0,01). Như vậy, hiểu biết về 4 nhóm thực phẩm sẵn có của bà mẹ là yếu