Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu

Một phần của tài liệu 22.-Luận-án-Pháp-luật-về-mua-lại-và-sáp-nhập-ngân-hàng-thương-mại-ở-Việt-Nam-hiện-nay (Trang 27 - 30)

Nhìn tổng quan, các công trình nghiên cứu thu nhận được có liên quan mật thiết hoặc liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài luận án đã cung cấp cơ sở lý

luận về mua lại, sáp nhập và pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp nói chung và đối với NHTM nói riêng, làm cơ sở cho việc hệ thống hóa những vấn đề lý luận liên quan đến đề tài luận án. Một số nghiên cứu đã giải quyết khái niệm về mua lại, sáp nhập với sự phân tích, so sánh kỹ lưỡng, nghiên cứu công phu, chỉ ra các hình thức mua lại, sáp nhập; các phương thức mua lại, sáp nhập; phân biệt sự khác nhau của mua lại, sáp nhập; vai trò của mua lại, sáp nhập; các yếu tố và điều kiện thúc đẩy hoạt động mua lại, sáp nhập chủ yếu ở cả góc độ kinh tế và pháp luật.

Một số nghiên cứu đề cập đến pháp luật về mua lại, sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng, kinh nghiệm của một số quốc gia trong vấn đề xử lý mua lại, sáp nhập ngân hàng như nguồn lực, thời điểm công bố thông tin, xử lý nợ xấu, cấp vốn, đầu tư vốn, mua lại vốn cổ phần... Theo pháp luật hiện hành, hoạt động mua lại, sáp nhập được điều chỉnh dưới nhiều góc độ phù hợp với các quan hệ xã hội cần điều chỉnh. Luật thực định đã được các tác giả phân tích, viện dẫn. Những quy định đặc thù của pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp, ngân hàng được trình bày, chỉ ra được pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM có sự liên thông với các ngành luật khác, chỉ ra bộ phận cấu thành của pháp luật và phân định thành các nhóm. Một số nghiên cứu đã đánh giá thực trạng pháp luật về mua lại, sáp nhập và hợp nhất ngân hàng như hình thức pháp lý của các văn bản pháp luật, nội dung điều chỉnh của pháp luật hiện hành, đồng thời đưa ra những đánh giá, nhận xét, bình luận về vấn đề nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những hạn chế, bất cập của pháp luật về mua lại, sáp nhập như quy định và điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, có sự chồng chéo của các văn bản pháp luật. Việc quy định phân tán và không cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau đã làm doanh nghiệp nói chung và NHTM nói riêng khó thực hiện khi tiến hành mua lại, sáp nhập. Một số văn bản pháp luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như chưa đồng nhất về khái niệm, cách tính thị phần của TCTD còn chưa hợp lý; còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan trực tiếp đến mua lại, sáp nhập ngân hàng chưa có quy định hoặc có nhưng chưa cụ thể, khó áp dụng như tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục trong trường hợp mua lại, sáp nhập bắt buộc, quy định về định giá, bảo mật, cung cấp thông tin, các nghĩa vụ tài chính, người lao động, thương hiệu, cơ chế giải quyết tranh chấp, xử lý nợ xấu... Các đề xuất, kiến nghị về quan điểm, phương hướng và các giải pháp hoàn thiện pháp luật của các nghiên cứu có sự gắn kết với nội dung nghiên cứu, có sự lý giải thấu đáo và có giá trị tham khảo nhất định để hoàn thiện pháp luật.

Qua việc nghiên cứu tổng quan, tác giả nhận thấy rằng đã có những công trình nghiên cứu về pháp luật mua lại, hợp nhất, sáp nhập đối với NHTM. Tuy nhiên, với những đặc thù riêng của NHTM và hoạt động mua lại, sáp nhập NHTM so với các loại hình doanh nghiệp khác, một số vấn đề cốt lõi về phương diện pháp lý chưa được nghiên cứu, đó là: tiêu chuẩn, điều kiện mua lại, sáp nhập; trình tự, thủ tục mua lại, sáp nhập; hệ quả pháp lý khi mua lại, sáp nhập và giải quyết tranh chấp khi mua lại, sáp nhập. Bên cạnh đó là những vấn đề như định giá ngân hàng, thực hiện lãi suất tiền gửi, lãi suất, phí cấp tín dụng, hợp đồng mua lại, sáp nhập, thực hiện hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn... khi thực hiện mua lại, sáp nhập NHTM cũng cần được nghiên cứu chuyên sâu. Từ các kết quả nghiên cứu đạt được, những nội dung còn bỏ ngỏ và tranh luận, đặt ra những vấn đề để luận án kế thừa kết quả sử dụng, đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu độc lập những nội dung sau:

- Về lý luận, luận án sẽ kế thừa có chọn lọc một số kết quả nghiên cứu về NHTM nhưng làm rõ các đặc điểm của NHTM do có liên quan mật thiết đến hoạt động mua lại, sáp nhập và pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM; làm rõ và sâu sắc hơn một số vấn đề lý luận cơ bản về mua lại, sáp nhập và pháp luật về mua lại, sáp nhập đối với NHTM như là một đối tượng điều chỉnh của pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp nói chung; làm rõ khái niệm, đặc điểm của mua lại, sáp nhập NHTM, pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM; những nội dung lý luận của pháp luật điều chỉnh chủ yếu xác định về tiêu chuẩn, điều kiện; trình tự, thủ tục; hệ quả pháp lý và giải quyết tranh chấp khi thực hiện mua lại, sáp nhập NHTM.

- Về thực tiễn, một số đánh giá thực trạng pháp luật, tình hình thực hiện pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp nói chung và đối với NHTM ở Việt Nam hiện nay được nghiên cứu sử dụng nhưng sẽ được lý giải bởi các vấn đề lý luận mà luận án đã đặt ra đối với thực tiễn trong lĩnh vực này. Luận án sử dụng một số kết quả nghiên cứu về thực trạng pháp luật để đi sâu phân tích và luận giải các quy định của pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động mua lại, sáp nhập NHTM, trong đó tập trung vào các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện; trình tự, thủ tục; hệ quả pháp lý và giải quyết tranh chấp khi thực hiện mua lại, sáp nhập NHTM... Qua đây, tìm ra những hạn chế, các nguyên nhân, phân tích các nguyên nhân của hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp, NHTM, chỉ ra những khoảng trống mà pháp luật cần giải quyết, từ đó làm cơ sở đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM ở Việt Nam.

- Luận án chọn lọc để sử dụng một số đề xuất, kiến nghị hợp lý về phương hướng, các giải pháp hoàn thiện pháp luật trong các nghiên cứu đã thực hiện. Tuy nhiên trên cơ sở nghiên cứu độc lập, luận án cần đưa ra được phương hướng, các giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua lại, sáp nhập NHTM ở Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu của: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hội nhập quốc tế; hoàn thiện khung pháp lý về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp nói chung và đối với NHTM nói riêng; phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Những giải pháp cụ thể cần khắc phục được các hạn chế, bất cập cơ bản của pháp luật hiện hành, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đặt ra, nhất là trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Một phần của tài liệu 22.-Luận-án-Pháp-luật-về-mua-lại-và-sáp-nhập-ngân-hàng-thương-mại-ở-Việt-Nam-hiện-nay (Trang 27 - 30)