Pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp

Một phần của tài liệu 22.-Luận-án-Pháp-luật-về-mua-lại-và-sáp-nhập-ngân-hàng-thương-mại-ở-Việt-Nam-hiện-nay (Trang 40 - 42)

Kết luận chương

2.1.2. Pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp

2.1.2.1. Khái niệm pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp

Theo lý luận chung về nhà nước và pháp luật, pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội [23, tr.42]. Khi thực hiện mua lại, sáp nhập, có nhiều quan hệ xã hội phát sinh cần được pháp luật điều chỉnh. Xem xét hành vi mua lại, sáp nhập dưới mỗi góc độ khác nhau thì hoạt động mua lại, sáp nhập sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật phù hợp với quan hệ xã hội cần điều chỉnh.

Ở Nhật Bản, pháp luật điều chỉnh về hợp nhất, sáp nhập và mua lại công ty bao gồm những bộ luật, luật cơ bản như Bộ luật thương mại, Luật chứng khoán và thị trường chứng khoán, Luật chống độc quyền tư nhân và duy trì cạnh tranh lành mạnh, Luật về ngoại hối và ngoại thương. Còn ở Cộng hòa Liên bang Đức, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Bộ luật thương mại, Luật sáp nhập và mua bán cổ phần chi phối trên thị trường chứng khoán, Luật chống hạn chế cạnh tranh, Luật công ty cổ phần... Là một quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, pháp luật của Đức còn phải đảm bảo sự hài hòa với các quy định của Liên minh châu Âu về mua bán doanh nghiệp [1, tr.49]. Pháp luật Singapore điều chỉnh về mua lại, hợp nhất, sáp nhập và bởi nhiều quy định của Luật công ty. Singapore không có luật chống độc quyền, nhưng trong một số ngành như viễn thông, bưu chính, ngành dịch vụ công có những quy định về chống độc quyền. Ngoài ra, khi mua lại, hợp nhất, sáp nhập còn chịu sự điều chỉnh hoặc liên quan đến pháp luật về lao động, thuế, sở hữu trí tuệ... [59, tr. 71-74].

ỞViệt Nam, điều chỉnh hoạt động mua lại, sáp nhập được quy định tại nhiều văn bản pháp luật. Pháp luật về dân sự, thương mại liên quan đến các quy định điều chỉnh hợp đồng mua lại, sáp nhập; pháp luật doanh nghiệp quy định sáp nhập như là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp; pháp luật cạnh tranh quy định mua lại, sáp nhập như là hình thức tập trung kinh tế thuộc nhóm các hành vi hạn chế cạnh tranh; pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định đối với quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và các quyền khác khi thực hiện mua lại, sáp nhập buộc phải tuân thủ; pháp luật về tài chính điều tiết việc xây dựng phương án chuyển giao tài sản, tài chính, thuế; pháp luật về lao động quy định đối với việc xây dựng phương án sử dụng lao động khi mua lại, sáp nhập... Ngoài ra, hoạt động mua lại, sáp nhập còn phải tuân theo các thoả

thuận, hiệp ước song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết hay tham gia. Từ những lập luận và tìm hiểu pháp luật của một số quốc gia nêu trên, pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp được hiểu là tổng hợp các quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện mua lại, sáp nhập doanh nghiệp.

2.1.2.2. Nội dung pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp

Pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp cần đáp ứng vai trò là điều kiện khung pháp lý để một giao dịch mua lại, sáp nhập được diễn ra trên thực tế và an toàn. Theo đó, pháp luật về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp bao gồm các nội dung chính sau đây:

Thứ nhất, xác định nguyên tắc pháp lý khi thực hiện mua lại, sáp nhập. Để đạt được những mục tiêu quản lý của nhà nước và đáp ứng quyền tự do kinh doanh của tổ chức và cá nhân, pháp luật đề ra những nguyên tắc pháp lý cho quá trình mua lại, sáp nhập. Các nguyên tắc chính được xác định bao gồm: nguyên tắc tự nguyện; nguyên tắc thỏa thuận; nguyên tắc bảo vệ người lao động, khách hàng; nguyên tắc bảo mật thông tin; nguyên tắc cung cấp thông tin.

Thứ hai, xác định tiêu chuẩn, điều kiện mua lại, sáp nhập. Tùy thuộc vào những ngành nghề mà pháp luật quy định về điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh khi đáp ứng những điều kiện này và phải bảo đảm duy trì những điều kiện đó trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Từ những yêu cầu về quản lý kinh tế, xã hội và những ngành, nghề cụ thể mà pháp luật đặt ra những tiêu chuẩn, điều kiện khi mua lại, sáp nhập. Trên thực tế, một số ngành nghề được quy định về tiêu chuẩn, điều kiện mua lại, sáp nhập rất ngặt nghèo như trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng.

Thứ ba, xác định trình tự, thủ tục mua lại, sáp nhập. Khi mua lại, sáp nhập, các bên phải thực hiện các trình tự, thủ tục mua lại, sáp nhập do pháp luật quy định. Từ góc độ điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh, doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan thì phải tuân theo quy định về các thủ tục như kiểm soát tập trung kinh tế, thông qua quyết định mua lại, sáp nhập, đăng ký chuyển quyền sở hữu tài sản, đăng ký kinh doanh...

Thứ tư, xác định hệ quả pháp lý khi mua lại, sáp nhập. Khi các sự kiện pháp lý xảy ra có thể để lại những hệ quả pháp lý và việc giải quyết các hệ quả đó được

dựa theo các căn cứ pháp luật. Hệ quả pháp lý có thể phát sinh hoặc không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xảy ra sự kiện pháp lý. Khi thực hiện giao dịch mua lại, sáp nhập, pháp luật xác định tư cách pháp lý của doanh nghiệp sau khi mua lại, sáp nhập; xác định trách nhiệm pháp lý về tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các bên thực hiện mua lại, sáp nhập và các nội dung khác có liên quan.

Thứ năm, xác định giải quyết tranh chấp phát sinh khi mua lại, sáp nhập.

Các tranh chấp phát sinh khi thực hiện mua lại, sáp nhập được hiểu là sự bất đồng, mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh giữa các bên liên quan. Khi thực hiện mua lại, sáp nhập, nhiều nội dung có thể phát sinh tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến việc chuyển giao tài sản, tài chính, sử dụng thương hiệu, sử dụng lao động... Ngoài việc xác định, nhận diện những nội dung tranh chấp để đưa ra những quy định giải quyết tranh chấp, pháp luật còn xác định cơ chế để giải quyết tranh chấp giữa các bên.

Bên cạnh việc xác định các nội dung điều chỉnh chủ yếu của pháp luật về mua lại, sáp nhập đối với doanh nghiệp, pháp luật cũng quy định việc định giá doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, chuyển giao quyền sở hữu... khi thực hiện mua lại, sáp nhập.

Một phần của tài liệu 22.-Luận-án-Pháp-luật-về-mua-lại-và-sáp-nhập-ngân-hàng-thương-mại-ở-Việt-Nam-hiện-nay (Trang 40 - 42)