CHỦ YẾU NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY
Trong “Tâm lý học nhân cách - Một số vấn đề lý luận” của Nguyễn Ngọc Bích đã chỉ ra một số điều kiện để phát triển và bồi dưỡng năng lực của con người. Một là, cần phải chú ý đến sự khác biệt cá nhân về năng lực. Điều này sẽ tạo điều kiện phát triển phong phú và toàn diện các năng lực cho con người trong chừng mực nhất định. Hai là, tạo điều kiện cho trẻ em tham gia vào các hoạt động là cách tốt nhất để hình thành năng lực ở chúng. Ba là, hình thành và phát triển năng lực cho học sinh không tách rời việc giáo dục đạo đức cho chúng. Bốn
là, cần quan tâm đúng mức đến trẻ em có năng khiếu và vấn đề bồi dưỡng nhân
tài cho đất nước. Năm là, cần có phương pháp dạy dỗ đúng đắn để hình thành năng lực và tài năng cho học sinh [2, tr.250, 266-273]. Tuy mới chỉ dừng lại ở việc phát triển năng lực cho đối tượng là trẻ em, học sinh, nhưng cũng gợi mở một số hướng giải quyết cho tác giả luận án khi xây dựng hệ thống phương hướng và giải pháp nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam.
Trong sách “Sự phát triển của cá nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Đoàn Đức Hiếu đã đề xuất các giải pháp để phát triển cá nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong đó, theo tác giả luận án, có một số giải pháp thiết thực có tác dụng thúc đẩy phát triển cá nhân cũng như phát triển năng lực cá nhân con người trong điều kiện mới. Đó là cần phải “quan tâm đến nhu cầu và lợi ích cá nhân”, bởi lợi ích cá nhân là động lực quan trọng nhất “kích thích mọi người đi xây dựng tương lai” và cũng là “điều kiện cho sự thực hiện lợi ích của cộng đồng”. Một giải pháp khác cũng là cần
thiết cho việc phát triển năng lực cá nhân con người đó là cần phải “xây dựng cơ chế đánh giá cá nhân” một cách khách quan, khoa học tránh cào bằng, chủ quan, định kiến trong đánh giá [47, tr.128-170]…
Bài viết “Phát huy năng lực sáng tạo, xây dựng hệ thống đổi mới quốc
gia để hội nhập vào xu thế phát triển kinh tế tri thức toàn cầu” của Đặng Hữu [52] đã chỉ ra những giải pháp cần phải thực hiện để phát huy năng lực sáng tạo của con người nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại. Tác giả nhấn mạnh việc cần phải thiết lập hệ thống đổi mới quốc gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống xã hội để phát triển kinh tế tri thức. Đồng thời, cần phải đẩy mạnh cải cách triệt để nền giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố chi phối nhất đối với năng lực sáng tạo và tốc độ đổi mới. Mặt khác, cần phát triển và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội - động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới và phát triển, tiến vào kinh tế tri thức. Đây là những giải pháp khá hợp lý nhằm phát huy năng lực sáng tạo của con người trong nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa ở nước ta hiện nay.
Trong bài viết “Kích thích năng lực tư duy cho người học” của Bùi Thị Hường [51] đã đưa ra một trong những phương pháp tích cực để khai thác năng lực tiềm ẩn bên trong của người học, đó là phương pháp kích thích năng lực tư duy cho người học. Để kích thích năng lực tư duy, người dạy phải biết tạo nên bốn phương diện trong người học, đó là: 1) Tạo cho người học niềm say mê, hứng thú qua hoạt động học tập. 2) Làm cho người học nhận rõ tương lai của bản thân phụ thuộc có tính chất quyết định vào trình độ học vấn và các tri thức có được qua hoạt động học tập của họ. 3) Tạo ra khả năng biết nỗ lực cá nhân ở người học, khả năng khắc phục những lỗ hổng kiến thức của mình qua hoạt động học tập. 4) Từng bước làm cho người học biết kết quả của nỗ lực cá nhân được biểu hiện thành bước tiến trong trình độ tư duy của chính họ. Muốn kích thích bốn phương diện tinh thần của người học, người dạy cần chú ý tới các điều kiện sau: năng lực người học, năng lực người dạy, nội dung dạy học, môi trường và trình độ văn minh của thời đại.
Bài viết “Xây dựng và phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn lực con người đã trở thành nhân tố quyết định sức mạnh của công cuộc đổi mới ở Việt
Nam hiện nay” của Nguyễn Thế Kiệt [61] đã phân tích tính cấp thiết của việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay. Tác giả đưa ra một số giải pháp để thực hiện thắng lợi công việc lớn lao này: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức; Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; Từng bước hoàn thiện và mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy đảng và nhà nước. Đây cũng là một gợi ý quan trọng cho nghiên cứu sinh.
Bài viết “Tiêu chuẩn công chức và vấn đề năng lực trong quá trình tiếp
tục cải cách công vụ, công chức” của Trần Anh Tuấn [131] đã đề xuất một số ý
kiến về hoàn thiện tiêu chuẩn công chức gắn với yếu tố năng lực, theo hướng chú trọng yếu tố năng lực, trọng dụng người có tài năng, năng lực trong hoạt động công vụ sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tiếp tục đổi mới chế độ công vụ, công chức ở nước ta hiện nay. Những kiến nghị này cũng gợi mở cho tác giả trong việc nghiên cứu, đề xuất phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam.
Công trình “Xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước” của Nguyễn Văn Khánh [59] đã luận giải nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn của việc phát triển nguồn lực trí tuệ Việt Nam. Trong đó, nhiều bài viết đã đưa ra một số quan điểm định hướng, giải pháp nhằm phát huy nguồn lực trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ những giải pháp vĩ mô, vi mô, cho đến những kiến nghị, đề xuất đều nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực trí tuệ, phát triển năng lực trí tuệ con người Việt Nam cả về nguồn lực khoa học công nghệ, cũng như nguồn lực khoa học xã hội trên các mặt như trình độ nhận thức, năng lực tư duy, năng lực sáng tạo...
Cuốn sách “Vai trò của pháp luật trong quá trình hình thành nhân cách” của Nguyễn Đình Đặng Lục đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ “giáo dục và bồi dưỡng kỹ năng sống nhằm hình thành những phẩm chất cá nhân cả về đạo đức và chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển” [67, tr.230]. Bởi, theo tác giả, kỹ năng sống là khái niệm có nội hàm rất rộng, đó là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong quá trình tham gia vào đời sống hàng ngày của cộng
đồng, là những năng lực đáp ứng và những hành vi tích cực giúp cá nhân giải quyết hiệu quả những yêu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày, là khả năng vận dụng những kiến thức thu được vào thực tế… Từ đó, tác giả đưa ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng sống trong giáo dục pháp luật trong quá trình hình thành nhân cách cho con người Việt Nam nói chung và cho thế hệ trẻ nói riêng.
Bài viết “Chất lượng lao động trình độ cao ở Việt Nam: những hạn chế cơ
bản” của Nguyễn Bá Ngọc, Đặng Đỗ Quyên [83] đã chỉ ra quan điểm, phương
hướng phải nâng cao chất lượng lao động trình độ cao ở Việt Nam phải trở thành nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển. Để làm được điều đó, nhóm tác giả đã chỉ ra một số giải pháp cơ bản: 1. Tạo dựng môi trường và vị thế cho lao động trình độ cao hoạt động; 2. Đổi mới giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại; 3. Đổi mới mô hình tăng trưởng, thực sự coi khoa học- công nghệ là quốc sách hàng đầu; 4. Kết nối cung - cầu lao động trình độ cao và quản trị thị trường lao động. Đây là những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng lao động, cũng như nâng cao năng lực làm việc của con người Việt Nam.
Bài viết “Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam
nhằm đáp ứng tốt hơn với yêu cầu của thị trường lao động khi hội nhập AEC”
của Lê Thu Huyền, Nguyễn Thị Hồng Hạnh [56] đã chỉ ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động khi hội nhập. Trong đó, tác giả có đề cập đến một số giải pháp liên quan đến nâng cao năng lực cho người lao động trên các mặt như nâng cao trình độ chuyên môn, tác phong nghề nghiệp, kỹ năng mềm, rèn luyện tay nghề... Chẳng hạn, xây dựng cơ chế để doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động tham gia xây dựng, đánh giá, điều chỉnh chương trình đào tạo, hướng dẫn thực hành, thực tập và đánh giá năng lực người học, hướng tới doanh nghiệp phải là chủ thể đào tạo nghề nghiệp; chuyển chương trình đào tạo từ chủ yếu trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển kỹ năng và năng lực thực hành nghề cho người học; chú trọng đào tạo cơ bản và đào tạo nâng cao kỹ năng mềm, rèn luyện tác phong nghề nghiệp đặc biệt đào tạo kiến thức về ngoại ngữ; v.v..
Ngoài ra, trong một số công trình khác cũng đề xuất các quan điểm và giải pháp nhằm xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, phát triển con người Việt Nam hiện đại một cách toàn diện… Chẳng hạn, sách “Triết học Mác - Lênin về con người
và xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”
của Vũ Thiện Vương [143]; Luận án “Quan điểm của C.Mác về phát triển con
người và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay” của Nguyễn Văn Sơn [103]; Luận án
“Vấn đề phát triển con người toàn diện ở Việt Nam hiện nay” của Phùng Danh Cường [25] v.v.. Đây là những quan điểm định hướng và giải pháp khá cụ thể, gợi mở cho tác giả luận án một số ý tưởng trong việc đưa ra hệ thống những giải pháp phù hợp cho vấn đề của luận án.
Có thể khẳng định, trong những nghiên cứu trên đây chưa có công trình nào đưa ra một hệ thống toàn diện các quan điểm và giải pháp trong việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. Song, từ những lát cát và những góc độ khác nhau, phần nào các công trình này đã đưa ra được một số quan điểm, giải pháp cụ thể nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam ở một số mặt cụ thể của năng lực. Đây chính là những gợi mở cho tác giả luận án trong xây dựng hệ thống một số quan điểm và giải pháp về phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.