- ALBERT EINSTEIN, nhà Vật lý học
HÃY ĐỂ TƯ DUY TÍCH CỰC HOẠT ĐỘNG
TRẺ EM LÀ MỘT TẤM TOAN TRẮNG
Trẻ con cực kỳ nhạy cảm. Chúng như tấm toan trắng ghi lại nét vẽ của cha mẹ hay người thân. Bức vẽ sẽ tươi đẹp và xán lạn hay tối tăm và lộn xộn, phụ thuộc hoàn toàn vào người cầm cọ. Nhiều em bé khi
lớn lên có những nét tính cách không mong đợi là vì chúng đã được vẽ nên theo cách đó (tất nhiên cũng có ngoại lệ là các em bé bị các khuyết tật di truyền bẩm sinh). Cha mẹ của những em bé có vấn đề về hành vi có thể nghĩ rằng họ đang góp phần tạo nên một công dân tốt bằng cách mắng mỏ và chỉ trích hành vi cư xử của chúng. Thường thì họ sẽ thất bại trong việc nhìn nhận vai trò của mình đối với sự phát triển của con cái. Họ có thể đánh lừa xã hội nhưng cuối cùng sẽ phải chịu hậu quả vì sự ngu muội của mình. Không ai có thể đánh lừa quy luật về nghiệp.
Nếu ta không có thời gian dành cho con cái mình, chúng cũng sẽ không có thời gian cho ta. Nếu ta cư xử vô lí với chúng, chúng cũng sẽ không cư xử có lí với ta. Tính keo kiệt có di truyền của nó. Và nếu như sự ảnh hưởng không thể nhận thấy rõ ràng ở bên ngoài, chắc chắn nó lẩn quất đâu đó bên trong. Khi con bạn đã trưởng thành, chúng sẽ có xu hướng mang chính những nét tiêu cực chúng ta truyền cho chúng vào trong gia đình của mình – ví dụ như những nỗi sợ từ thời ấu thơ vì bị bỏ rơi sẽ thành chứng đa nghi liên quan đến sự phản bội trong hôn nhân – và vòng quay cứ thế tiếp tục.
Chúng ta không được phép nuôi dạy con mình một cách ngu muội mà phải bằng sự minh mẫn và quan tâm đúng đắn. Hãy giữ chúng tránh xa khỏi người tiêu cực ngay từ đầu. Hãy sống tích cực nhất có thể để khuyến khích chúng làm theo và kiềm chế nói lên bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào của mình về chúng hay người khác để dừng việc lan truyền điều xấu. Đừng là một tấm gương xấu bằng cách làm những việc như tọc mạch, hút thuốc, uống rượu… Tốt nhất là không bao giờ bảo đứa trẻ đừng làm việc gì mà hãy bảo chúng nên làm gì. Thay vì bảo chúng, “đừng thi trượt”, thì hãy nói “gắng được điểm tốt nhé”. Thay vì nói “đừng về muộn,” thì hãy nói “về đúng giờ nhé.” Chúng ta đã thảo luận trong chương 3 về lí do vì sao ta lại làm thế. Cũng tương tự như vậy, nói đến phần thưởng chứ không phải hình phạt sẽ mang lại hình ảnh tâm lý tích cực cho đầu óc con trẻ. Cả những nghiên cứu và hiểu biết thông thường đều nói rằng đứa trẻ được lớn lên trong một gia đình tốt đẹp và hạnh phúc sẽ thành những người tích cực và hạnh phúc hơn. Rất hiếm có đứa trẻ nào có tính cách bẩm sinh tốt đẹp có thể ngẩng cao đầu bước ra khỏi một môi trường xấu.