Mai Thị Ánh Tuyết An Giang

Một phần của tài liệu BienBan11-6s (Trang 30 - 33)

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phép hỏi Bộ trưởng 2 câu hỏi:

Câu hỏi thứ nhất, quản lý nhà nước về phân bón

Câu hỏi thứ hai, giá thành sản xuất lúa để nông dân lãi được 30%.

Phân bón là vật tư nông nghiệp chiếm 30 - 40% tổng chi phí sản xuất của người nông dân. Hiện nay hiện tượng phân bón giả không đạt chất lượng diễn ra phức tạp, càng ngày càng gây bức xúc cho người nông dân, đặc biệt là cử tri đồng bằng sông Cửu Long nói chung và cử tri tỉnh An Giang nói riêng.

Trong thực tế việc triển khai trách nhiệm cấp phép thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón còn nhiều bất cập. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là vấn đề quản lý nhà nước về phân bón còn nhiều chồng chéo, nghịch lý. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón nhằm bảo hộ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và sử dụng phân bón. Nhưng hiện nay việc cấp phép thành lập doanh nghiệp lại giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư, theo yêu cầu khi cấp phép thành lập doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón phải có khả năng chuyên ngành hoặc tham vấn ý kiến chuyên ngành. Điều kiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón phải có đủ cơ sở vật chất, có đội ngũ kỹ thuật, trang thiết bị, đây là ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện.

Những nội dung này Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn am hiểu, nhưng Bộ Kế hoạch và đầu tư lại là đơn vị cấp phép và kiểm soát điều kiện này rất lỏng lẻo. Sự phối hợp tham vấn chuyên ngành trong cấp phép thành lập doanh

nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón còn mờ nhạt, hình thức. Như vậy cơ quan được giao quản lý nhà nước về phân bón, am hiểu các điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón lại không tham gia hoặc tham gia rất lỏng lẻo trong việc cấp phép thành lập doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón.

Từ thực trạng trên, việc cấp phép hiện nay diễn ra tràn lan dẫn đến ra đời nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn đăng ký. Nhất là trình độ người nông dân hiện nay không có khả năng phân biệt loại phân bón vật tư nông nghiệp nào là chất lượng và sử dụng kỹ thuật từng loại phân bón vật tư nông nghiệp như thế nào. Trong điều kiện cấp phép lỏng lẻo như thế này sẽ không có cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ khả năng tư vấn kỹ thuật cho người nông dân. Vì vậy, với vai trò quản lý Nhà nước được Chính phủ giao xin Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có những biện pháp gì để tháo gỡ sự chồng chéo và bất hợp lý hiện nay để nâng cao quản lý Nhà nước về vấn đề phân bón mà hiện nay Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm?

Câu hỏi thứ hai là về giá thành sản xuất lúa để lãi 30%. Vấn đề này đại biểu Danh Út đã có ý kiến nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh lại để thấy những khó khăn của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong vấn đề này mà chủ trương Chính phủ đã đề ra.

Kính thưa Bộ trưởng, không hẹn lại lên người dân Đồng bằng sông Cửu Long lại khốn đốn vì tiêu thụ lúa và giá thành lúa đầu vào quá cao do chi phí đầu vào tăng lên. Hiện nay lúa tồn kho vụ đông xuân còn rất nhiều, lúa hè thu sớm ngập bồ nhưng không bán được vì thương lái không mua. Hiện nay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch hơn 50 ngàn hécta lúa hè thu sớm và nhiều nơi sẽ tiếp tục thu hoạch lúa hè thu rộ, điều này chẳng những người nông dân phải bán tháo chịu lỗ và người nông dân phải bán để mua phân bón, thuốc trừ sâu chuẩn bị cho vụ tới. Đặc biệt giá thành sản xuất lúa vụ hè thu lên rất cao, tại An Giang giá thành là 3.853 đồng/kg chưa tính tiền thuê đất và các chi phí khác như đại biểu Danh Út vừa có ý kiến.

Ngoài ra vấn đề về thuê đất hiện nay trên 70% diện tích hầu như cho thuê nên chi phí này cấu thành vào rất lớn, và chi phí vận chuyển cũng là một chi phí rất lớn cấu thành vào giá thành. Do đó nếu đạt lợi nhuận 30% giá bán chưa tính các chi phí trên thì hiện nay giá thành phải là 5.000 đồng, trong khi thị trường hiện nay mua cầm chừng từ 4.000 đến 4.100 đồng, thì người nông dân xem như bị thua lỗ nặng. Vì thế chúng ta thấy rằng đời sống người nông dân đã khó càng khó khăn hơn. Vậy Bộ trưởng cho biết trước tình hình như thế thì Bộ trưởng có những giải pháp gì để giúp người nông dân tháo gỡ những khó khăn và có hiệu quả trong sản xuất lúa hiện nay. Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Kính thưa Quốc hội,

Chính phủ giao cho Bộ Công thương chủ trì việc triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham gia. Những gì mà chúng tôi làm đó là hỗ trợ các doanh nghiệp tiến hành việc xúc tiến

thương mại, đặc biệt là tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa có chất lượng. Xây dựng thương hiệu chính là việc duy trì hàng hóa có chất lượng như cam kết có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế và duy trì chất lượng là yếu tố quyết định của việc xây dựng thương hiệu. Về vấn đề tính giá thành, mà đại biểu Danh Út cũng như đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nêu, ở đây Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì hướng dẫn các địa phương tính. Bộ Tài chính có công văn hướng dẫn việc này, các địa phương chủ động tiến hành và có báo cáo tổng hợp về Bộ Tài chính cũng như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để có căn cứ chúng tôi làm việc với Hiệp hội, xác định giá mua. Nhưng báo cáo với Quốc hội, đúng như đại biểu Danh Út nói sản xuất lúa gạo ở ngay phạm vi một tỉnh cũng rất khác nhau, giữa các hộ gia đình cũng có giá thành rất khác nhau. Nhưng thị trường là một và giá trên thị trường là một, chúng ta không thể có giá cho từng hộ gia đình, thậm chí cho từng tỉnh. Giá tốt nhất mà chúng ta có thể đem lại cho bà con nông dân là giá tiệm cận giá thế giới. Chúng ta không thể đặt ra một giá để doanh nghiệp mua có lợi cho tất cả bà con nông dân, nhưng không thể bán hoặc bán lỗ trên thị trường quốc tế, vì nước ta là nước xuất khẩu gạo, vì thế những gì Chính phủ làm và chúng tôi làm như sau.

Thứ nhất, thực hiện các biện pháp để cho giá ở trong nước tiệm cận chứ cũng không thể bao giờ bằng giá thế giới, tiệm cận giá thế giới.

Thứ hai, hỗ trợ nông dân giảm giá thành để có lợi nhuận cao hơn.

Như đại biểu Nguyễn Thị Ánh Tuyết hay đại biểu Danh Út nói là có những yếu tố chưa được tính hết ở trong cách tính giá thành. Tôi xem bảng hướng dẫn của Bộ Tài chính, mặc dù đây là hướng dẫn bước đầu, trong đó có thể tính hầu hết những việc như các đồng chí nêu. Bộ Tài chính hướng dẫn các loại công lao động, có một mục nữa là chi khác, có thể đưa vào đó tất cả, nhưng cuối cùng giá thành đó cũng chỉ là căn cứ để chúng ta xác định, không thể chỉ lấy giá thành rồi nhân lên 30% để nói là doanh nghiệp phải mua bằng giá đó, cũng xin báo cáo với bà con nông dân và Quốc hội như vậy. Chính phủ phấn đấu nỗ lực nhưng chúng ta phải tuân thủ quy luật thị trường chứ không thể áp đặt thị trường. Hiện nay, giá gạo xuất khẩu bình quân là 417đôla/ 1tấn, đó là định hướng chúng ta phải tính đến. Về vấn đề điều hành xuất khẩu gạo, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công thương đã có văn bản trao đổi với chúng tôi lần cuối cách đây 3 tuần. Xin phép Quốc hội để đồng chí Bộ trưởng Bộ Công thương báo cáo với Quốc hội về tình hình trình nghị định này, tôi biết là đã hoàn chỉnh.

Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Đình Xuân ở Tây Ninh, vấn đề vi phạm hành lang thoát lũ trên các dòng sông thì đúng là hiện nay vẫn có tình trạng này xảy ra, đặc biệt là khu vực xung quanh Hà Nội và chúng tôi đã phối hợp với các đồng chí Hà Nội liên tục kiểm tra đôn đốc nhưng mà chắc là chúng tôi cũng xin nhận khuyết điểm và sẽ tiếp tục phải làm quyết liệt hơn.

Về vấn đề cho nước ngoài thuê rừng thì báo cáo với Quốc hội là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng. Bộ tài nguyên môi trường được giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất mà trong trường hợp này là các địa phương được phân cấp và các địa phương cho thuê

đất, chứ không cho thuê rừng. Vì thế nên các địa phương không hỏi ý kiến Bộ nông nghiệp khi cho thuê đất, vì thế chỉ khi mà có ý kiến của dư luận và được Thủ tướng Chính phủ giao thì chúng tôi tiến hành điều tra và có báo cáo với Chính phủ và bây giờ Chính phủ cũng giao cho chúng tôi báo cáo với Quốc hội. Nói là có trách nhiệm không ? rõ ràng là chúng tôi phải có trách nhiệm cùng với các thành viên Chính phủ khác trước các vấn đề có liên quan của đất nước và chúng tôi luôn luôn cảm thấy trách nhiệm của mình. Tuy nhiên cũng không thể làm những việc mà không đúng thẩm quyền, xin báo cáo với Quốc hội như vậy.

Còn về vấn đề mà cho khai thác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì chúng ta có hệ thống luật pháp và nhiệm vụ của Bộ là một cơ quan hành pháp thì chúng tôi luôn luôn bám theo các quy định của luật pháp để hướng dẫn và giám sát các địa phương thực hiện. Còn trong những trường hợp cụ thể như quy định bao nhiêu m3 rừng thì được gọi là rừng nghèo, bao nhiêu m3 thì được gọi là rừng nghèo kiệt, thì có Hội đồng khoa học chứ không phải ý chí chủ quan của Bộ trưởng.

Tất cả những vấn đề này chúng tôi xin đảm bảo với Quốc hội và chúng tôi tiến hành nghiêm túc theo trình tự luật pháp của các quy định của luật pháp, nếu như có điểm gì chúng tôi làm không đúng luật pháp, chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ.

Về vấn đề quản lý nhà nước về phân bón, như tôi đã báo cáo. Theo phân công hiện hành thì Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao quản lý nhà nước, tức là ban hành các cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, định mức và kiểm tra giám sát việc sử dụng tất cả các loại phân bón, nhưng về mặt sản xuất thì chỉ quản lý nhà nước đối với các loại phân không phải là phân vô cơ. Tức là phân hữu cơ như phân chuồng, phân vi sinh, phân xanh v v...còn lại các phân vô cơ như phân lân, kali, hóa học hoặc hỗn hợp do Bộ Công thương quản lý nhà nước và chúng tôi phối hợp.

Vấn đề đăng ký sản xuất, đúng như đại biểu Nguyễn Thị Ánh Tuyết nêu, đúng là vấn đề này giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư và hệ thống kế hoạch đầu tư làm chứ không hẳn là Bộ Kế hoạch và đầu tư. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm phối hợp, nhưng đúng là hiện nay có sự chồng chéo, có những bất hợp lý. Nhưng tôi thấy vấn đề chính ở đây là sự phối hợp, phối hợp giữa ngay các sở ở các địa phương, vì tất cả những việc này thuộc thẩm quyền của các địa phương. Còn ở các Bộ là ban hành cơ chế chính sách và giám sát thực hiện, phần lớn các trường hợp không phải do các Bộ cấp. Tôi thấy cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn, trong đó bản thân chúng tôi cũng xin rút kinh nghiệm để có sự phối hợp một cách chủ động, chặt chẽ hơn để đảm bảo lợi ích của nông dân, của đất nước. Tôi xin hết.

Một phần của tài liệu BienBan11-6s (Trang 30 - 33)