Danh Út Kiên Giang

Một phần của tài liệu BienBan11-6s (Trang 27 - 28)

Kính thưa Quốc hội,

Thưa Bộ trưởng, tôi được Bộ trưởng trả lời bằng văn bản nhưng tôi thấy chưa đầy đủ. Tôi xin chất vấn Bộ trưởng 3 vấn đề như sau:

Một, nhiều năm qua, nhất là có chủ trương của Chính phủ, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương việc xây dựng thương hiệu nông thủy sản Việt Nam nhưng đến nay hầu như việc thực hiện đó rất chậm chạp, cụ thể là gạo. Nếu chưa thực hiện được thì ách tắc ở đâu? do tổ chức, cơ quan nào? trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến đâu? Chúng tôi cho là đây là nguyên nhân hết sức cơ bản để hàng hóa nông sản của Việt Nam khó tiêu thụ và giá trị thấp. Với trách nhiệm của Bộ chủ quản, bộ có giải pháp gì, làm như thế nào để hàng hóa nông sản xây dựng được thương hiệu, nhất là gạo.

Hai, về giải pháp để người trồng lúa có lãi 30%, từ sáng đến giờ, đại biểu đã chất vấn nhiều, chúng tôi xin đặt vấn đề thêm một số vấn đề như sau. Vừa qua và hiện tại các cơ quan chức năng của Chính phủ tính giá thành sản xuất lúa, chúng tôi lấy bình quân khoảng 3.000 đồng/1kg lúa, giao các doanh nghiệp mua 4.000 đồng/1kg lúa và cho là nông dân lãi 30%. Thưa Bộ trưởng, tôi cho rằng cách tính như vậy là chưa đúng, chưa đủ còn nhiều bất cập thể hiện 5 vấn đề như sau:

Một, vì mới tính yếu tố chi phí vật chất, chưa tính đến chi phí từ đất, thuê đất, hoặc mướn đất. Nếu như một người nông dân muốn làm lúa không có đất thì phải đi thuê, thuê bình quân ở nông thôn hiện nay là 12 giạ 1 ha, 120 giạ tương đương tiền thuê đất mất 10 triệu. Như vậy cách tính vừa qua là chưa tính cho vấn đề này.

Hai, cách tính vừa qua là bình quân cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, không tính vùng miền cụ thể kể cả trên địa bàn của tỉnh cũng giá thành khác nhau, cụ thể Kiên Giang giá thành ở vùng tứ giác Long Xuyên khoảng 2.100 đồng 1 kg lúa, giá thành vùng U Minh Thượng khoảng 3.900 đồng 1 kg lúa. Cuối cùng chúng ta bình quân trong cả nước là 4.000 mua là có lãi, chúng tôi cho rằng chưa hợp lý.

Ba, ấn định mua 4.000 đồng là nông dân có lãi, nhưng thực chất doanh nghiệp không mua trực tiếp nông dân mà nông dân bán trực tiếp cho thương lái, thương lái vận chuyển ra khỏi kho, bán cho doanh nghiệp mới thực chất là 4.000. Như vậy là nông dân không được hưởng 4.000 mà chỉ khoảng 3.500, 3.600.

Bốn, tính công của người chủ đất 1 ha 3 tháng trời chỉ 9,5 công, 1 công 80.000 đồng. Trong khi đó làm lúa hơn 3 tháng, tầm 105 ngày thì như vậy tính chưa đầy đủ.

Năm, chưa tính yếu tố thiên tai. Thưa Bộ trưởng như hiện tại dự kiến 1 công đất cần 3 lít xăngdầu để bơm, nhưng thực chất thiên tai cả tháng nay không có nước, người nông dân bơm chục lít 1 công.

Như vậy chưa tính đến 5 yếu tố đó, nếu tính 5 yếu tố đó chỉ một yếu tố vì đất thôi là hiện nay cộng thêm 10 triệu nữa. Theo tính hiện tại là 18 triệu 1 ha, bán được 24 triệu, lãi 7 triệu là lãi 30%, nếu cộng 18 triệu hiện tại với 10 triệu nữa là 28 triệu, bán được 24 triệu, như vậy lỗ 4 triệu, không phải lời 30%. Xin Bộ trưởng cho ý kiến vấn đề này, cách tính trong thời gian sắp tới.

Thứ ba, vấn đề điều hành xuất khẩu gạo đến nay đã rõ, Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải qua 3 kỳ họp Quốc hội mất 2 năm trời, đến nay mới rõ việc quản lý Nhà nước về điều hành xuất khẩu gạo. Như vậy để điều hành xuất khẩu gạo cho đúng pháp luật, tại kỳ họp này Bộ trưởng có trả lời Nghị định xuất khẩu gạo đang trình Chính phủ. Xin thưa chúng tôi nhớ 3 kỳ họp, 3 vị Bộ trưởng nói đang chuẩn bị xây dựng Nghị định điều hành xuất khẩu gạo, kỳ này Bộ trưởng cũng nói đang xây dựng. Tôi đề nghị Bộ trưởng nói chừng nào ban hành được Nghị định xuất khẩu gạo. Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Một phần của tài liệu BienBan11-6s (Trang 27 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(45 trang)
w