Trước hết, tôi xin gửi một ý kiến của cử tri ở khu vực Chèm nói hành lang thoát lũ của sông Hồng nhiều năm không có lũ nhưng chúng ta đã chủ quan để cho rất nhiều doanh nghiệp lấn chiếm hàng nghìn mét vuông ở khu vực này, gây nguy cơ khi lũ thực sự kéo về. Đề nghị Bộ trưởng quan tâm giải quyết vấn đề, vì đã nhiều năm dư luận đã lên tiếng.
Thứ hai, quay trở lại vấn đề cho người nước ngoài thuê rừng, qua phát biểu của Bộ trưởng, của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng như chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh thấy rõ thực sự Bộ trưởng không nắm được vấn đề. Bộ trưởng là tư lệnh cho lĩnh vực, Bộ trưởng nói rằng chỉ có hơn 300.000 ha dự kiến cho thuê chứ chưa phải cho thuê, nhưng nếu như dư luận không phát hiện kịp thời, đương nhiên việc này sẽ cho thuê. Việc đình chỉ cho thuê là ngoài ý muốn của Bộ trưởng cũng như của các vị đã ký vào giấy này. Đấy là do dư luận lên tiếng, do Quốc hội lên tiếng thì chúng ta mới đình chỉ lại hoạt động này. Và bây giờ Bộ trưởng được giao phụ trách một lĩnh vực, trong đó theo như đồng chí ở Ủy ban quốc phòng và an ninh nói rằng cho thuê gần 400 nghìn ha, có nghĩa bằng diện tích của một tỉnh Tây Ninh mà ở trên vẫn chưa biết thì như vậy trách nhiệm tổng tư lệnh trong quản lý ngành, lĩnh vực của đồng chí tới đâu.
Thứ hai là dự án Vonfram ở Kom Tum thì Bộ trưởng có trả lời rằng đây là thẩm quyền của địa phương và đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy là cấp dưới cũng có trách nhiệm, cấp trên cũng có trách nhiệm còn người đứng giữa là Bộ trưởng là cơ quan tham mưu, là cơ quan cấp trên thì không thấy nói tới vai trò của Bộ trưởng ở đây. Dự án Vonfram này đã lấy mất 1.600 ha rừng đặc dụng và theo như Nghị quyết 66 của Quốc hội về công trình quan trọng quốc gia thì rừng đặc dụng, vườn quốc gia là không được chuyển đổi và nếu chuyển đổi là phải xin phép Quốc hội. Nhưng ở đây đã có một thao tác và thao tác này tương tự như dự án du lịch ở Phú Quốc và nhiều dự án khác, tức là Bộ trưởng đã bật đèn xanh cho địa phương chuyển đổi rừng đặc dụng sang rừng sản xuất và sau đó thì cứ tha hồ chặt mà ngay cả rừng sản xuất trên 1 nghìn ha theo Nghị quyết 66 đang có hiệu lực thì vẫn phải chuyển đổi, vẫn phải xin Quốc hội, nhưng người ta đã bằng cách này, cách khác chuyển đổi rất nhiều lên tới hàng trăm nghìn ha mà không hề xin Quốc hội thì việc làm này là vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết 66 của Quốc hội về công trình quan trọng quốc gia và gây đe dọa cho vấn đề lũ lụt ở hạ nguồn cũng như nhiều vấn đề khác và Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng "rừng là vàng", Quốc hội biết việc này, Quốc hội đã giao cho đồng chí chìa khóa, ổ khóa là gì? Là những nghị quyết, là luật pháp của Quốc hội, kể cả Nghị quyết 66 và các luật khác, đã trao cho đồng chí hàng nghìn cán bộ kiểm lâm được trang bị vũ khí để giữ kho vàng này. Nhưng đồng chí chỉ cho gác ở cổng trước, mở cổng sau, mở cổng ngách để cho kẻ trộm lẻn vào lấy và sau đó không nhìn rõ trách nhiệm của mình, thử hỏi rằng hàng nghìn ha rừng khi giao cho doanh nghiệp này thì họ chặt gỗ trên đó, rừng là rừng nghèo lên đó cũng gần 100 khối gỗ, 100 khối gỗ này đi đâu và ai được hưởng lợi. Chính rằng những kẻ đầu cơ, những kẻ tham nhũng đã được hưởng lợi và một trong những kẻ tham nhũng đó đã bị bắt cách đây mấy ngày. Đồng chí đã ra một quy định rằng rừng dưới 100m3 gỗ là rừng nghèo và kể
cả rừng giàu nằm xen với rừng nghèo thì vẫn được chặt để trồng cao su, đây là quy định căn cứ khoa học nào, căn cứ pháp luật nào nếu đồng chí nói ra được điều này thì tôi cho rằng mới được thỏa đáng, còn nếu không thì chúng ta rất cảm tính và chỉ chạy theo lợi ích của một nhóm nào đã vận động tác động lên các đồng chí và đưa ra những Nghị quyết sai trái.
Đặc biệt các Thông tư hướng dẫn chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su và một số Thông tư hướng dẫn khác, chính Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã bật đèn xanh cho việc phá rừng tự nhiên và kể cả thu hồi đất đã giao cho các tổ chức, cá nhân gồm các đồng bào dân tộc để trồng cao su và không cần bồi thường. Ở đây tôi đã gửi điều này đến Bộ Tư pháp, đồng chí nói không phải không bồi thường mà chỉ bồi thường vốn đầu tư bỏ ra, đây là nội dung của Thông tư 58 về hướng dẫn trồng cao su cũng như Thông tư số 24. Việc này Bộ Tư pháp đã trả lời rằng việc thu hồi rừng không bồi thường là sai nhưng tới giờ này cũng chưa được thu hồi. Tóm lại, căn cứ trên những điều Bộ trưởng đã phát biểu và cũng như qua giám sát thực tế nhiều năm nay tôi nhận thấy Bộ trưởng đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình với tư cách là Bộ trưởng quản lý vấn đề rừng của đất nước và đã gây ra những nguy cơ cho đất nước trong vấn đề phòng, chống thiên tai bão lũ. Tôi đề nghị Bộ trưởng, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội xem xét chỉ số tín nhiệm trong lĩnh vực này. Xin hết