Kính thưa Chủ tọa phiên họp, Kính thưa Quốc hội,
Tôi cơ bản đồng tình với Báo cáo đánh giá của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày. Trong 5 năm qua, mặc dù tình hình kinh tế khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động bất lợi đến nước ta nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của nhà nước, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhiệm vụ kinh tế - xã hội đạt được những kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, qua các đợt tiếp xúc cử tri tại địa phương, cử tri và nhân dân còn băn khoăn về một số hạn chế, yếu kém, kéo dài nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, cải cách hành chính còn chậm chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, làm khó cho người dân và doanh nghiệp. Hiệu lực quản lý nhà nước ở các cấp, nhất là tổ chức thực hiện ở một số lĩnh vực như quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng, tài nguyên, khoáng sản, vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Tôi cho rằng một trong các nguyên nhân của hạn chế nêu trên là do công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chưa được thực hiện nghiêm và kịp thời. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra sai phạm ở một số khâu chưa quyết liệt và nghiêm túc.
Về chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tôi đồng tình với 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được đề cập trong dự thảo nghị quyết. Tôi xin được tham gia hai nội dung sau:
Thứ nhất, về chính sách phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách bao phủ nhiều lĩnh vực nhằm phát triển mọi mặt về đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thầnh của người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, vùng dân tộc thiểu số và miền núi phía Bắc vẫn là vùng khó khăn nhất, kết cấu hạ tầng yếu kém, nhất là đường giao thông, cơ sở y tế và giáo dục các thiết chế về văn hóa. Đây cũng là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, nguy cơ tái nghèo cao, chênh lệch giàu nghèo với các vùng khác ngày càng gia tăng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội có những diễn biến phức tạp, đây là thách thức lớn đối với vùng miền núi phía Bắc.
Để thực hiện có hiệu quả quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2020, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo cấp có thẩm quyền rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi. Ưu tiên nguồn lực nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, xem xét sớm đầu tư để hoàn thiện tuyến quốc lộ qua nội tỉnh và liên tỉnh, liên kết các tỉnh trong khu vực để khai thác hiệu quả thế mạnh của các địa phương trong vùng và liên vùng. Đề nghị Chính phủ xem xét ban hành chính sách tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho giai đoạn mới theo hướng tích hợp các chính sách cho vùng dân tộc thiểu số sắp hết hiệu lực, nhưng mục tiêu chưa hoàn thành, chú trọng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực giao thông nông thôn, cơ sở y tế, giáo dục, thủy lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Các chính sách dân tộc cho giai đoạn mới cần được xây dựng theo hướng dài hạn, có tính đến chính sách ngắn hạn để giải quyết các vấn đề bức xúc diễn ra trong thực tiễn.
Thứ hai, về thực hiện các chính sách xã hội, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, Chính phủ đã huy động nguồn lực để tăng mức, mở rộng đối tượng thụ hưởng bảo hiểm chính sách xã hội. Hệ thống chính sách an sinh xã hội ngày càng thể hiện rõ vai trò to lớn đối với sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một số chính sách khi được ban hành chưa bao quát đầy đủ đối tượng thụ hưởng, nguồn lực chưa đảm bảo thực hiện chích sách ban hành như chính sách người có công, nhà ở cho người có công. Nhà nước mới đảm bảo kinh phí để thực hiện khoảng 1/4 tổng số đối tượng được thụ hưởng.
Từ thực tiễn trên, tôi đề nghị Chính phủ khi ban hành chính sách mới cần đảm bảo nguồn lực để thực hiện và sớm bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách chưa hoàn thành mục tiêu. Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi một số quy định, thủ tục thực hiện chính sách người có công để tạo sự đồng thuận trong đối tượng thụ hưởng, nội dung này đã được cử tri nhiều địa phương kiến nghị nhiều lần.
Về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020. Tôi nhất trí với báo cáo kết quả thực hiện và sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 cấp quốc gia. Đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần đề cập đầy đủ hơn về tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý sử dụng đất, kết quả thanh tra, xử lý vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trồng lúa, đề nghị cần đánh giá lại dự báo tác động của biến đổi khí hậu để xác định điều chỉnh quy hoạch
sử dụng đất trồng lúa căn cơ hơn và cần tính đến dự báo dân số trong tương lai để điều chỉnh cho phù hợp.
Về điều chỉnh quy hoạch đất đối với rừng phòng hộ, đề nghị cần căn cứ vào kết quả kiểm kê rừng để đánh giá diện tích rừng phòng hộ trên thực tế, xác định cụ thể khu rừng phòng hộ cần lưu giữ để phòng, chống thiên tai, đặc biệt là rừng dầu nguồn xung yếu. Tuyệt đối không chuyển rừng phòng hộ đầu nguồn sang rừng sản xuất. Để đảm bảo giữ diện tích rừng phòng hộ, đề nghị cần có chính sách để người dân bảo vệ rừng sống ổn định, tăng mức khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng cao hơn mức quy định hiện hành. Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.