Kính thưa Đoàn chủ tịch, Kính thưa Quốc hội,
Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Tôi đánh giá cao Báo cáo tổng kết của Chính phủ về 9 kết quả đạt được kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2011-2015, nhất là trong kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo được các cân đối lớn. Trong đó, chúng ta đã cải thiện cán cân vãng lai, cán cân thương mại từ nhập siêu trên 10% kim ngạch xuất khẩu, đến nay chỉ còn 2%. Chúng ta đã có 3 năm xuất siêu, đây là thành công rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, chúng ta đã thẳng thắn nhìn ra được 9 điểm tồn tại cần khắc phục, tôi tập trung vào 3 điểm sau:
Thứ nhất, về bội chi ngân sách luôn ở điểm cao, nợ công tăng nhanh và áp lực trả nợ ngày càng khó khăn. Chỉ riêng năm 2015, kế hoạch vay nợ đã lên đến 436 ngàn tỷ đồng. Trong đó kế hoạch phát hành trái phiếu là 250 ngàn tỷ đồng, ngân sách nhà nước đã trở thành đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp trong việc huy động vốn. Việc giảm lãi suất ngân hàng lại càng khó khăn thêm. Vấn đề về nợ Chính phủ 50,3% vượt trần, tôi nghĩ Chính phủ cần giải thích rõ hơn cho cử tri.
Thứ hai, hiệu quả trong quản lý nhà nước về xã hội, tài nguyên, môi trường, quản lý quy hoạch đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân và môi trường kinh doanh.
Thứ ba, doanh nghiệp trong nước giải thể, ngừng hoạt động với số lượng ngày càng tăng, mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký cũng nhiều. Năm 2010 chúng ta có 40.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, đến cuối năm 2015 có đến 71.391 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.
Về các giải pháp để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2016 và những năm tiếp theo, Chính phủ cần đặt các giải pháp trong 2 bối cảnh, đó là hội nhập ngày càng sâu rộng và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Nền kinh tế nước ta với độ mở rất lớn, thuộc tốp đầu của thế giới, giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là 328 tỷ đôla, tương đương với 170% giá trị tổng sản phẩm quốc nội. Vì vậy, nền kinh tế nước ta rất dễ bị tổn thương bởi những biến động của kinh tế - xã hội thế giới. Năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016 tình hình kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, kinh tế các nước lớn tiếp tục khó khăn, nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là khu vực sử dụng đồng Euro, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm. Gần đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu phải hạ lãi suất tái cấp vốn xuống 0%, Ngân hàng Trung ương Nhật hạ lãi suất chiết khấu xuống -0,1%. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm, nền kinh tế của Brazin và Nga thì suy thoái. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thời tiết El Nino đã có nhiều tác động đến kinh
tế - xã hội của thế giới, hạn hán cháy rừng tại Đông Nam Á, lũ lụt xảy ra tại châu Mỹ Latinh, nắng nóng kỷ lục tại Nam Á.
Riêng ở nước ta các đợt rét đậm, rét hại xảy ra đầu năm tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tình hình xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đã tác động tiêu cực đến nền nông nghiệp và đời sống nhân dân. Đây là nguyên nhân chính làm cho tốc độ tổng sản phẩm quốc nội quý I năm 2016 tăng chậm lại và chỉ tăng 5,46%, trong khi quý I năm 2016 kinh tế tăng trưởng 6,12%. Riêng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản thì âm 1,23% so với cùng kỳ. Nhấn mạnh điểm này để thấy việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2016 là 6,7% là một thử thách lớn cho Chính phủ nhiệm kỳ mới. Tôi đồng ý cơ bản 8 giải pháp Chính phủ đã nêu nhưng xin được bàn luận thêm.
Thứ nhất, chúng ta cần tiếp tục kiên định mục tiêu ưu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn nữa. Trong điều hành bộ máy Chính phủ cần tiếp tục phối hợp đồng bộ và thống nhất trong hành động cũng như cung cấp thông tin ra ngoài xã hội, lạm phát năm nay đang tăng trở lại và có thể tăng cao trong thời gian tới. Vì vậy, việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, nước, dịch vụ y tế, chúng ta cần hết sức thận trọng, tránh tình trạng điều chỉnh thiếu phối hợp giữa các bộ, ngành, điều chỉnh dồn dập sẽ gây lạm phát tâm lý.
Thứ hai, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài cần tiếp tục giám sát thận trọng kết hợp với chính sách tài khóa thắt chặt, bội chi ngân sách kéo về dưới 4% tổng sản phẩm quốc nội. Tôi đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các khoản vay ODA, chúng ta chỉ ưu tiên cho các dự án cấp thiết chứ không phải cần thiết, hạn chế việc cấp phát, tăng vay và trả nợ nâng cao trách nhiệm của các địa phương và Hội đồng nhân dân các cấp. Tiếp tục cải cách hành chính theo hướng tinh gọn bộ máy và hiệu quả nên có bộ phận hỗ trợ dịch vụ công miễn phí để hỗ trợ nhân dân và hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ ba, tiếp tục rà soát cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch và công bằng. Hiện nay, do tính chất hội nhập sâu rộng nên cạnh tranh giữa các quốc gia hết sức khốc liệt. Các nước cũng đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tốt nhất nên việc thăng hạng ở nước ta là hết sức khó khăn. Chính phủ cần chú ý giải pháp góp phần tăng năng suất lao động. Bên cạnh yếu tố môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức sản xuất quản trị nhân lực thì yếu tố đổi mới, máy móc thiết bị công nghệ hiện đại là rất quan trọng. Nhưng doanh nghiệp nước ta đầu tư cho khoa học - công nghệ còn hạn chế. Vì vậy, Chính phủ trong thời gian tới cần có gói hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn này. Xin cảm ơn Quốc hội.