Nguyễn Hữu Chính TP Hà Nộ

Một phần của tài liệu BienBan 13-6-2018s (Trang 30 - 32)

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp, Kính thưa Quốc hội,

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng lần này đã có sự tiếp thu cơ bản các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội như quy định về công khai, minh bạch tài sản, xử lý

tài sản, thu nhập kê khai không trung thực. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định của luật có nhiều ý kiến khác nhau, tôi xin có ý kiến như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của luật, theo Chương VIII dự thảo, dự thảo luật lần này được điều chỉnh theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài khu vực nhà nước. Thực tiễn trong thời gian qua, Luật Phòng, chống tham nhũng không quy định phạm vi điều chỉnh ra ngoài khu vực nhà nước mà chỉ điều chỉnh khu vực trong nhà nước, từ đó đã tạo ra nhiều kẽ hở trong công tác quản lý quy định của pháp luật về kiểm tra, kiểm soát tài sản. Như tình trạng chuyển dịch tài sản từ khu vực này sang khu vực khác không phải kê khai tài sản, từ đó dẫn đến công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bị hạn chế, làm giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Do vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài khu vực nhà nước theo tôi là cần thiết trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ mở rộng phạm vi áp dụng đến công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, v.v... Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đây, phạm vi này việc quản lý, kiểm soát tài sản vẫn chưa triệt để. Mặc dù chúng tôi biết trong điều kiện hiện nay nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh ra toàn bộ khu vực ngoài nhà nước sẽ rất khó khăn về nguồn lực phục vụ công tác kiểm soát tài sản. Tuy nhiên, trong tương lai để đảm bảo tính toàn diện và phát huy hết vai trò của pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đến tất cả các tổ chức, pháp nhân, cá nhân trong và ngoài nhà nước.

Thứ hai, về quà tặng, nhận quà tặng. Điều 22 trong dự thảo luật quy định: "Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình". Theo quy định ở trên thì dự thảo mới chỉ cấm người có chức vụ, quyền hạn không được nhận quà tặng của những người liên quan đến công việc do người đó giải quyết hoặc quản lý. Trong thực tiễn có nhiều trường hợp người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn nhận quà tặng của người khác hoặc người đó nhận quà tặng của những người không liên quan đến công việc do mình quản lý nhưng tác động đến người có thẩm quyền giải quyết công việc cho người đưa quà tặng thì dự thảo chưa đề cập và chưa có biện pháp xử lý. Đây là kẽ hở mà theo tôi cần thiết phải sửa đổi, bổ sung điều này cho phù hợp với lý luận và thực tiễn hiện nay.

Thứ ba, về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập tại Điều 32 dự thảo. Dự thảo đã đưa ra hai phương án: Phương án thứ nhất giao cơ quan thanh tra có thẩm quyền kiểm soát tài sản của tất cả các cơ quan. Phương án thứ hai là việc kiểm soát tài sản được giao cho cơ quan thanh tra và các cơ quan khác như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm nhân dân sát tối cao, v.v... Theo tôi, nếu chỉ tập trung nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập của cơ quan thanh tra sẽ dẫn đến phải tăng nguồn lực cho cơ quan thanh tra, trong khi đó Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị từ nay đến năm 2021 phải tinh giản tối thiểu 10% biên chế. Nếu chỉ dùng nguồn lực hiện tại thì việc kiểm soát tài sản thu nhập sẽ không khả thi, không hiệu quả và theo tôi có thể chỉ mang tính hình thức.

Thứ hai, theo cơ cấu của tổ chức Chính phủ thì Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, do vậy nếu để cơ quan này kiểm soát tài sản thu nhập của cơ quan nhà nước cấp trên ở Trung ương như Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì chưa phù hợp.

Thứ ba, trong các cơ quan Trung ương đều có bộ phận chuyên môn có chức năng thanh tra, kiểm tra nắm rõ điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị cấp dưới của mình nên sẽ thuận lợi hơn cơ quan khác trong việc kiểm tra, thu thập của cán bộ cấp dưới.

Bởi ba lý do như trên, tôi xin lựa chọn phương án 2 là giao cho cơ quan thanh tra và các cơ quan khác ở Trung ương thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát tài sản.

Thứ tư, về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực tại Điều 59 dự thảo, dự thảo đưa ra hai phương án, xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, phương án thứ nhất: Yêu cầu cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế. Phương án thứ hai: Xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị phần tài sản thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Thực tế về mặt lý luận, khi pháp luật đã quyết định một chủ thể phải có trách nhiệm kê khai đúng và đầy đủ tài sản thu nhập của mình mà không kê khai hoặc kê khai không trung thực thì chủ thể đó đã vi phạm pháp luật và đó là vi phạm hình sự hoặc vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm pháp luật. Hiện nay thì chỉ quy định hai hình thức, đó là xử lý hình sự và xử lý hành chính. Mặt khác, hành vi kê khai tài sản không đúng, không đầy đủ và không trung thực không phải là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của luật thuế hiện nay. Đối với những người kê khai tài sản không trung thực nhưng đã nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ hoặc khoản thu nhập chưa kê khai thuộc trường hợp miễn thuế theo quy định tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân thì không áp dụng biện pháp thu thuế thu nhập cá nhân như phương án 1. Do vậy, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo phương án 2 là hợp lý hơn kể cả lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, cần nêu rõ căn cứ để xử phạt 45% giá trị tài sản không kê khai là như thế nào.

Ngoài ra, để đảm bảo kỷ cương và sự tôn nghiêm của pháp luật thì ngoài việc xử lý hành chính theo Phương án 2 đối với người phải kê khai tài sản nhưng không kê khai hoặc kê khai không trung thực. Theo tôi cần bổ sung thêm một số biện pháp xử lý khác liên quan đến nhân thân như xử phạt, cảnh cáo, khiển trách, cách chức, hạ bậc lương v.v... Trên đây là ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu BienBan 13-6-2018s (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(47 trang)
w