Cơ sở pháp lý bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại được hiểu là những nền tảng được xây dựng từ các văn bản pháp luật để hình thành nên các quy định nhằm xác định điều kiện bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại, công nhận quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu; từ đó xác định hành vi vi phạm và sự tác động của pháp luật đến hành vi bất hợp pháp này.
Như đã phân tích tại mục 2.3.1.2 của Luận án, hình ảnh tổng thể thương mại có thể được bảo hộ theo pháp luật nhãn hiệu và cạnh tranh không lành mạnh. Cả hai nội dung này đều được quy định trong Đạo luật Lanham của Hoa Kỳ. Cơ sở pháp lý để chủ sở hữu có thể bảo hộ tài sản trí tuệ của mình, bao gồm:
2.3.2.1 Bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại theo cơ chế pháp luật nhãn hiệu
Hình ảnh tổng thể thương mại và nhãn hiệu đều có chung mục đích là chỉ dẫn nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ. Do vậy, trên thực tế Hoa Kỳ cho phép bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại theo cơ chế pháp luật nhãn hiệu. Căn cứ theo Điều 15 U.S.C. § 1051 Đạo luật Lanham: “Chủ sở hữu nhãn hiệu được sử dụng trong thương mại có thể yêu cầu đăng ký nhãn hiệu của mình trên sổ đăng ký chính…”114 và Điều 15 U.S.C § 1052: ”Không một nhãn hiệu nào sử dụng trên hàng hóa của người nộp đơn
có thể đã có sự phân biệt với hàng hóa của những người khác bị từ chối đăng ký trên
sổ đăng ký chính…”115 trừ khi nó thuộc trường hợp cấm của pháp luật (như: vi phạm
đạo đức, lừa dối, gây sai lệch về thể chế, tín ngưỡng, chứa quốc kì, quốc huy…). Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đồng ý nhận hồ sơ bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại theo Điều 15 U.S.C § 1052 (2) cho sản phẩm và Điều 15 U.S.C § 1053 (3) cho dịch vụ116.
114 15 U.S.C. § 1051: “The owner of a trademark used in commerce may request registration of its trademark on the principal register…”.
115 15 U.S.C. § 1052: “No trademark by which the goods of the applicant may be distinguished from the goods of others shall be refused registration on the principal register on account of its nature…”.
Để được bảo hộ theo cơ chế này, chủ sở hữu hình ảnh tổng thể thương mại cần phải chủ động nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Dấu hiệu nộp đơn cần được xem xét, đánh giá dựa trên các điều kiện bảo hộ:
- Dấu hiệu đăng ký bảo hộ phải có sự phân biệt; - Dấu hiệu mang tính phi chức năng;
- Dấu hiệu không có khả năng gây nhầm lẫn với các dấu hiệu đã được pháp luật bảo hộ khác;
- Dấu hiệu không thuộc trường hợp vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội. Nếu hình ảnh tổng thể thương mại đáp ứng đủ các điều kiện kể trên thì sẽ đương nhiên được bảo hộ như là một nhãn hiệu. Sau khi, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ thì chủ sở hữu của hình ảnh tổng thể thương mại cũng có những quyền và lợi ích hợp pháp giống như sở hữu nhãn hiệu, với thời hạn bảo hộ là không xác định. Việc đăng ký sẽ được xem là bằng chứng xác thực đối với hiệu lực của dấu hiệu cũng như quyền độc quyền của người đăng ký đối với việc sử dụng dấu hiệu liên quan đến hàng hoá hoặc dịch vụ đã chỉ định117.
2.3.2.2 Bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại theo cơ chế pháp luật cạnh tranh không
lành mạnh
Trong hệ thống Common Law vẫn công nhận sự bảo hộ đối với hình ảnh tổng thể thương mại chưa đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật cạnh tranh không lành mạnh118. Cơ sở pháp lý để áp dụng là theo quy định tại Điều 43 (a) (1) (A) Đạo luật Lanham (15 U.S.C. § 1125(a) (1) (A)): “Bất
kỳ người nào có liên quan đến hàng hóa hoặc dịch vụ trong thương mại sử dụng bất kỳ từ, thuật ngữ, tên, ký hiệu hoặc thiết bị, hoặc sự kết hợp của các yếu tố trên, gây chỉ định sai về nguồn gốc, mô tả sai hoặc sai về đại diện… có thể gây nhầm lẫn; hiểu lầm hoặc lừa dối về sự liên kết, kết nối của người đó với người khác về nguồn gốc, tài trợ hoặc phê duyệt hàng hóa, dịch vụ… sẽ phải chịu trách nhiệm trong một vụ
117 Amy B. Cohen (2010), ‘Following the direction of traffix: trade dress law and functionality revisited’. IDEA - The intellectual property law review, 50(4), 593-694.
118 Thomas S. O'Connor (2014), ‘Trade dress: the increasing importance of an ancient yet new form of intellectual property protection’, Journal of Business Research (67), 303-306.
kiện dân sự bởi bất kỳ ai tin rằng mình đang hoặc có khả năng bị thiệt hại bởi hành động đó”.
Theo quy định này, bất kì dấu hiệu nào đang được sử dụng với chức năng là xác định nguồn gốc sản phẩm (bao gồm nhãn hiệu và hình ảnh tổng thể thương mại) sẽ được pháp luật bảo hộ khỏi việc sử dụng bất hợp pháp bởi chủ thể khác, nhằm gây ra sự nhầm lẫn cho khách hàng, đang hoặc có khả năng bị thiệt hại bởi hành vi ấy. Như vậy, nội dung điều luật không yêu cầu dấu hiệu của nguyên đơn đã đăng ký bảo hộ hay chưa, chỉ cần chứng minh họ đang sử dụng trong kinh doanh các chỉ dẫn thương mại này, nhằm phân biệt hàng hoá, dịch vụ của họ với chủ thể khác.
Thông thường, việc bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại theo quy định này là tình huống bị động với doanh nghiệp, chỉ phát sinh khi dấu hiệu bảo hộ bị vi phạm bởi những dấu hiệu tương tự có khả năng gây nhầm lẫn cho khách hàng về nguồn gốc của sản phẩm. Nếu muốn được pháp luật bảo hộ trong trường hợp này thì trước hết chủ sở hữu dấu hiệu cần phải chứng minh:
- Dấu hiệu đã được sử dụng liên tục trong một khoảng thời gian (05 năm), và - Dấu hiệu phải đáp ứng điều kiện bảo hộ như trong trường hợp nộp đơn thông thường. Bao gồm:
+ Dấu hiệu có sự phân biệt,
+ Dấu hiệu mang tính phi chức năng,
+ Dấu hiệu không gây nhầm lẫn với các dấu hiệu đã được bảo hộ khác, + Dấu hiệu không thuộc trường hợp vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội. Như vậy, theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, các dấu hiệu cấu thành hình ảnh tổng thể thương mại sẽ được pháp luật bảo hộ dù là dấu hiệu đó đã đăng ký hay chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu dấu hiệu đó thoả mãn các điều kiện luật định (nội dung này sẽ được phân tích rõ hơn trong Chương 3 của Luận án). Các quy định trong pháp luật nhãn hiệu và pháp luật cạnh tranh tranh không lành mạnh luôn hỗ trợ nhau trong việc bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong nội dung của Chương 2, Luận án đã hệ thống cơ sở lý luận liên quan đến khái niệm, phân loại, chức năng của hình ảnh tổng thể thương mại. Theo đó, hình ảnh tổng thể thương mại là tập hợp các dấu hiệu bên ngoài của sản phẩm, có chức năng chỉ nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ và như là một cam kết của một doanh nghiệp cụ thể đảm bảo về chất lượng hàng hoá, dịch vụ. Hình ảnh tổng thể thương mại có nguồn gốc từ quy định nhãn hiệu và là một quy định ra đời từ thực tiễn xét xử tại các toà án Hoa Kỳ. Tuy nhiên, dấu hiệu cấu thành hình ảnh tổng thể thương mại thì mở rộng hơn và đa dạng hơn so với nhãn hiệu, bao gồm những dấu hiệu truyền thống (nhìn thấy bằng mắt thường) và những dấu hiệu phi truyền thống (âm thanh, mùi hương…). Hình ảnh tổng thể thương mại tuy là một đối tượng mới trong pháp luật SHTT nhưng cũng có một số điểm tương đồng và khác biệt với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả,… Trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, quốc gia đầu tiên có quy định về hình ảnh tổng thể thương mại đã ghi nhận sự bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại thông qua các quy định về nhãn hiệu và cạnh tranh không lành mạnh.
CHƯƠNG 3 ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ HÌNH ẢNH TỔNG THỂ THƯƠNG MẠI – QUY ĐỊNH VÀ THỰC TIỄN PHÁP LUẬT TẠI HOA KỲ, VIỆT NAM
Theo hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, hình ảnh tổng thể thương mại có thể được bảo hộ khi nộp hồ sơ đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bảo hộ thông qua quá trình sử dụng, nếu thoả mãn các điều kiện sau: (i) dấu hiệu phải có khả năng phân biệt; (ii) dấu hiệu mang tính phi chức năng; (iii) dấu hiệu không có khả năng gây nhầm lẫn với các dấu hiệu được bảo hộ khác; (iv) dấu hiệu không thuộc trường hợp cấm của pháp luật. Trong nội dung của Chương 3, NCS sẽ phân tích các quy định và thực tiễn pháp luật về điều kiện bảo hộ này tại Hoa Kỳ, đồng thời cũng sẽ dẫn chiếu so sánh các quy định tương đương trong pháp luật Việt Nam.