Lý thuyết cạnh tranh (Competition Theory)

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật về bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại (Trang 41 - 42)

1.3.1.1 Nội dung lý thuyết:

Cạnh tranh là yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế xã hội. Nhất là trong cùng một ngành, thì sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng cung cấp một loại hàng hoá, dịch vụ càng rõ nét. Cạnh tranh cũng có thể được coi là một quá trình tương tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp và khách hàng35.

Trong kinh tế chính trị học thì cạnh tranh là sự ganh đua về kinh tế giữa những chủ thể trong nền sản xuất hàng hóa nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ hoặc tiêu dùng hàng hóa để từ đó thu được nhiều lợi ích nhất cho mình.

Trong lĩnh vực marketing, lý thuyết về chiến lược cạnh tranh của Michael Porter36 đã xác định hai cách mà một tổ chức có thể đạt được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ của mình: lợi thế chi phí và lợi thế khác biệt.

- Lợi thế về chi phí là khi một doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tương tự như các đối thủ cạnh tranh, nhưng có chi phí thấp hơn.

35Marincean Dan Andrei (2009), ‘Theories of competition’, Economic Sciences Journal, (1), 52-62.

36Michael E. Porter (1980), Competitive Strategy: techniques for analyzing industries and competitors. New York. ISBN: 0-7432-6088-0.

- Lợi thế khác biệt hóa là khi một doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn đối thủ cạnh tranh của mình. Sự khác biệt hóa có thể từ: chất lượng, công dụng, kiểu dáng, đổi mới, dịch vụ đi kèm….

Cạnh tranh có vai trò rất quan trọng và là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất phát triển. Nó buộc người sản xuất phải năng động, nhạy bén, tích cực nâng cao tay nghề, cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ, hoàn thiện tổ chức quản lý để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế.

1.3.1.2 Vận dụng lý thuyết cạnh tranh trong việc nghiên cứu Luận án

Một doanh nghiệp đã đầu tư nhiều thời gian, công sức để sản phẩm, dịch vụ của họ có sự khác biệt (về chất lượng, kỹ thuật, kiểu dáng…) so với các sản phẩm cùng loại khác; hay chịu giảm một phần doanh thu để áp dụng chiến lược chi phí thấp. Khi áp dụng các chiến lược cạnh tranh này, đương nhiên doanh nghiệp muốn giành thị phần và muốn nhiều khách hàng lựa chọn sản phẩm của họ. Do đó, họ sẽ phải đánh dấu sản phẩm của mình bằng những dấu hiệu đặc biệt như nhãn hiệu hay hình ảnh tổng thể thương mại. Thông qua hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khách hàng nhanh chóng nhận ra hàng hoá của doanh nghiệp đó thông qua những dấu hiệu này. Pháp luật bảo hộ các dấu hiệu đặc biệt này cũng chính là bảo hộ sự cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể trên thị trường.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Luật học: Pháp luật về bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại (Trang 41 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)