- Tuy Ninh Bình có những bước phát triển vượt bậc trong du lịch, trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, nhưng so với nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác thì vẫn kém về mọi phương diện. Có thể thấy rõ những năm qua, tỉnh đã có sự chú trọng rất lớn đến công tác nghiên cứu thị trường, tuy nhiên hầu như là tập chung vào thu hút thị trường khách nội địa, vì vậy thị trường khách quốc tế vẫn còn chưa thực sự được quan tâm, đầu tư, nghiên cứu và phát triển
- Công tác nghiên cứu thị trường tuy đã có sự nghiên cứu nhưng cần bổ sung thêm một số yếu tố khác như thu nhập, thời gian của chuyến đi… những yếu tố này cũng góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho nghiên cứu thị trường.
2.3.2.2. Hạn chế của xác định thị trường mục tiêu:
- Khách du lịch thuộc khu vực Đông Nam Á đến với Ninh Bình còn thấp, chỉ chiếm khoảng 4% và đang có xu hướng giảm dần. Đây là một hạn chế đáng lo ngại vì Đông Nam Á là một thị trường lớn, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán với dân tộc Việt Nam ta; các phương tiện đi lại và việc di chuyển giữa Việt Nam và các nước thuộc khu vực Đông Nam Á rất thuận tiện. Tất cả những yếu tố trên đều là điều kiện thuận lợi để thu hút thị trường khách Đông Nam Á đến với du lịch Ninh Bình. Vì vậy tỉnh cần phải có những nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch thích hợp để thu hút thị trường tiềm năng này.
2.3.2.3. Hạn chế trong triển khai các hoạt động marketing
Hoạt động marketing tại điểm đến du lịch Ninh Bình mặc dù đã đạt được nhiều thành công tuy nhiên cũng còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể như sau:
- Việc triển khai các hoạt động marketing du lịch ở Ninh Bình, cụ thể là triển khai phát triển các sản phẩm du lịch còn chưa tạo được sự phát triển đột phá về quy mô, về chất lượng dịch vụ; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có thương hiệu, kinh nghiệm uy tín ở trong nước, quốc tế đầu tư vào du lịch; công tác quảng bá du lịch còn hạn chế...
- Ngành du lịch Ninh Bình vẫn còn chưa chú trọng thật nhiều đến công tác xúc tiến quảng bá đi vào chiều sâu, đến từng thị trường cụ thể, nhất là thị trường khách du lịch quốc tế. Ngoài những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử vốn có thì điểm lớn nhất thu hút khách du lịch là các dịch vụ vui chơi giải trí. Vì vậy, Ninh Bình cần tiếp tục đầu tư chuyên nghiệp từ cơ sở hạ tầng đến đội ngũ quản lý, cung cấp dịch vụ nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững
- Công tác xúc tiến quảng bá, thông tin du lịch đã có nhiều cố gắng nhưng còn thụ động, chưa nhắm đúng thị trường mục tiêu và chưa có chiến lược thu hút rõ nét.
- Hạn chế về sản phẩm du lịch, có sự chồng chéo về sản phẩm giữa khu, điểm du lịch và có sự hạn chế trong hoạt động marketing xúc tiến quảng bá du lịch so với yêu cầu
phát triển.Hoạt động trong cơ chế thị trường, việc xây dựng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù và hoạt động marketing xúc tiến quảng bá du lịch đến các thị trường du lịch trọng điểm là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành công của kinh doanh du lịch. Mặc dù đã ý thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, việc đầu tư cho xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch đặc thù và hoạt động marketing xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều bất cập.
- Một số sản phẩm lưu niệm trong các làng nghề ở Ninh Bình vẫn còn đơn điệu, chậm đổi mới mẫu mã không hấp dẫn du khách. Với bề dày hàng nghìn năm văn hoá, các làng nghề Ninh Bình như gốm, thêu, ren, đá mỹ nghệ, cói mỹ nghệ, v.v.chậm đổi mới về kiểu dáng cũng như hoa văn trên sản phẩm.
- Ninh Bình còn thiếu các khu vui chơi giải trí, mua sắm nhất là các khu vui chơi giải trí, mua sắm về đêm; nhân lực tham gia làm dịch vụ du lịch chưa chuyên nghiệp. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa có các sản phẩm lưu niệm đặc trưng. Do đó, doanh thu từ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và đóng góp còn thấp trong cơ cấu giá trị ngành dịch vụ. Một số chính sách thúc đẩy phát triển du lịch còn bất cập; công tác quản lý Nhà nước về du lịch có mặt còn hạn chế…
- Việc đầu tư để xây dựng một số sản phẩm đặc trưng của du lịch Ninh Bình được xác định trong các quy hoạch tổng thể như du lịch làng quê, du lịch sinh thái với việc khai thác các giá trị của hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới ở Cúc Phương, hệ sinh thái đất ngập nước Vân Long với việc quan sát Voọc quần đùi trắng; du lịch làng nghề, tham quan nhà thờ đá Phát Diệm ở Kim Sơn, du lịch mạo hiểm tại Cúc Phương, v.v. vẫn chưa có được sự quan tâm thỏa đáng.
- Tính liên kết của Ninh Bình với các địa phương phụ cận trong hoạt động du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Với vai trò là một trọng điểm quan trọng trong trung tâm du lịch của vùng du lịch Hà Nội và phụ cận, việc liên kết giữa du lịch Ninh Bình với du lịch các địa phương trong vùng là rất quan trọng. Sự liên kết này không chỉ góp phần thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển mà còn có ý nghĩa đối với hoạt động du lịch các địa phương trong vùng, làm tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch mang tính vùng. Tuy nhiên thời gian qua, du lịch Ninh Bình tuy có sự chủ động tạo ra sự liên kết này nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hết lợi thế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế các dòng khách đến Ninh Bình.
- Những chính sách phát triển du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa đem lại hiệu quả cao nhất đối với những tiềm năng, lợi thế mà tỉnh có được. Bên cạnh đó, các chính sách bước đầu đã tạo cơ hội thuận lợi cho đầu tư phát triển du lịch nhưng chưa có tính ưu tiên đột phá thực sự và chưa đảm bảo tính hệ thống. Sự thiếu đồng bộ về chính
sách, nguồn lực đầu tư hạn chế, xung đột lợi ích liên ngành với du lịch, nhận thức du lịch chưa thích ứng kịp… đang là những rào cản, thách thức đối với phát triển du lịch Ninh Bình.
Nguyên nhân:
- Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do sản phẩm du lịch của tỉnh còn nghèo nàn, trùng lặp, đơn điệu, đa phần vẫn là các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng; hoạt động du lịch còn rời rạc, chưa tìm được điểm chung... thiếu tính liên kết đi ngược với nguyên tắc mỗi khu/điểm du lịch phải có sản phẩm đặc thù. Hạ tầng chưa đồng bộ; cơ chế chính sách về phát triển du lịch thiếu hấp dẫn, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chất lượng cao.
- Các khu du lịch thiếu hướng dẫn viên, thuyết minh viên chuyên nghiệp; trình độ ngoại ngữ, khả năng ứng xử của nhân viên du lịch ở một số khu điểm du lịch yếu; một số doanh nghiệp chưa quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Một số cơ sở kinh doanh du lịch cạnh tranh không lành mạnh: Không niêm yết giá sản phẩm, dịch vụ du lịch; hoặc bán sản phẩm với giá chưa phù hợp chất lượng; công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm ở một số cơ sở còn yếu.
- Những yếu tố về hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất phục vụ du lịch thiếu đồng bộ và hiện đại cùng với lực lượng lao động du lịch phần đông còn thiếu chuyên nghiệp. Hệ thống doanh nghiệp du lịch được hình thành và mở rộng nhưng chưa có doanh nghiệp lữ hành đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh vươn đến các thị trường xa để thu hút khách. - Ninh Bình chưa thực sự khai thác được hết tiềm năng từ thị trường khách quốc tế để đóng góp cho sự phát triển du lịch của tỉnh là do: Cơ sở vật chất kĩ thuật còn hạn chế và ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách; Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, các loại hình dịch vụ bổ sung còn ít; Về cơ chế, chính sách phát triển du lịch vẫn chưa đạt được hiệu quả thực sự, môi trường du lịch còn chưa đảm bảo an ninh an toàn, văn minh, tệ nạn cướp giật, chèo kéo, lừa đảo du khách vẫn là điểm nóng chưa dễ triệt tiêu, tình trạng giao thông vẫn là nỗi lo sợ của du khách quốc tế.
- Về nhân lực du lịch thiếu và yếu từ đội ngũ quản lý, hoạch định chính sách cho tới lao động nghiệp vụ; tư duy chiến lược, tầm nhìn, kiến thức, kỹ năng cơ bản về du lịch còn chắp vá thiếu hệ thống. Đầu tư vào nhân lực chưa thực sự được quan tâm kể cả từ góc độ nhà nước cho tới doanh nghiệp, đặc biệt giáo dục, hướng dẫn cộng đồng làm du lịch chưa được thực hiện bài bản, thường xuyên.
CHƯƠNG 3: ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG MARKETING TẠI ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH NINH BÌNH