Trong nền kinh tế thị trường, đối tượng của sở hữu không những mang những hình thái hiện vật cụ thể, mà còn mang hình thái giá trị. Từ đó vốn cũng trở thành một trong những đối tượng chủ yếu của sở hữu, trong đó có sở hữu nhà nước, về điều kiện sản xuất, kinh doanh.
Vốn nhà nước là một loại tài sản của CSH nhà nước, vì vậy, CSH vốn nhà nước có đầy đủ các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản này. Tuy nhiên, khác với chủ thể sở hữu tư nhân, nhà nước là chủ thể nhiều cấp độ với lượng vốn sở hữu vô cùng to lớn. Theo sự phát triển của kinh tế thị trường, quy mô, sự phân bố của vốn nhà nước và yêu cầu phải quản lý và sử dụng nguồn vốn nhà nước một cách có hiệu quả nhất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, phục vụ lợi ích của cả cộng đồng các dân tộc đã và đang đòi hỏi phân quyền trong quan hệ sở hữu nhà nước, thực hiện quyền sở hữu vốn của nhà nước gián tiếp thông qua việc nhà nước không những giao quyền chiếm hữu
sử dụng vốn nhà nước cho các chủ thể kinh tế khác, mà cả việc thực hiện quyền CSH vốn nhà nước cũng được giao cho các chủ thể đại diện CSH vốn nhà nước. Với tư cách là CSH vốn nhà nước, Nhà nước sẽ thực hiện quyền sở hữu chi phối các quan hệ tổ chức quản lý, sử dụng chúng như một trong các công cụ để định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Khi trao quyền quản lý và quyền sử dụng cho các chủ thể khác, Nhà nước phải có những quy định rõ ràng để vừa ràng buộc trách nhiệm, vừa tạo động lực sử dụng các yếu tố thuộc sở hữu nhà nước một cách có hiệu quả nhất [126].
Đại diện CSH vốn nhà nước, trong sự khác biệt với CSH, có đầy đủ các quyền chiếm hữu, sử dụng, nhưng chỉ có quyền định đoạt hạn chế theo ủy quyền của CSH. Quyền chiếm hữu là quyền của CSH tự mình nắm giữ, quản lý đối tượng thuộc sở hữu của mình. Quyền sử dụng là quyền của CSH khai thác công dụng và hưởng lợi thu được từ đối tượng sở hữu. Quyền định đoạt là quyền của CSH chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác hoặc từ bỏ quyền sở hữu đối tượng sở hữu.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh [107]. Vốn nhà nước được Nhà nước đầu tư chủ yếu vào DNNN.
Doanh nghiệp nhà nước được quan niệm khác nhau ở mỗi quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, vẫn có thể tìm thấy điểm chung của các nước là dựa vào định nghĩa do Jones đưa ra lần đầu tiên vào năm 1975 ở Hàn Quốc và được Ngân hàng thế giới thừa nhận, đó là: DNNN là các thực thể kinh tế thuộc sở hữu hay thuộc quyền kiểm soát của chính phủ mà phần lớn thu nhập của nó được tạo ra thông qua việc bán các hàng hóa, dịch vụ [96]. Về tên gọi, DNNN có thể được biết tới với những thuật ngữ trong tiếng Anh như Government-owned Corporation, State-owned Company, State-owned Entity, State Enterprise, Publicly owned Corporatiom, Government Business Enterprise, Government
Enterprise, Government Invested Enterprise, Commercial Government Agency... Về địa vị pháp lý, DNNN ở phần lớn các quốc gia đều được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty TNHH theo luật doanh nghiệp chung (hoặc luật công ty) như doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân. Về sở hữu, DNNN được hiểu là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ hoặc nắm giữ quyền chi phối. Doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước bao gồm 3 dạng hình chủ yếu: 1) Doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư toàn bộ vốn hoạt động theo khung khổ pháp lý riêng. 2) Doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư toàn bộ vốn điều lệ hoặc Nhà nước có cổ phần, vốn góp chi phối tổ chức dưới các hình thức công ty hoạt động theo khung khổ pháp lý chung với các công ty khác. 3) Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp không chi phối của Nhà nước.
Ở Việt Nam, thuật ngữ DNNN được sử dụng chính thức lần đầu trong Nghị định số 388/HĐBT, ngày 20/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc ban hành quy chế thành lập và giải thể DNNN [84]. Khái niệm DNNN được hoàn thiện không ngừng trong Luật DNNN năm 1995 [101], Luật DNNN năm 2003 [102], Luật doanh nghiệp năm 2005 [103], Nghị định 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của CSH nhà nước đối với DNNN [31]. Luật doanh nghiệp năm 2014 định nghĩa “DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” [106]. Theo Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) Đảng khóa XII, “DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty TNHH” [11].
Như vậy, ở mỗi giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau, khái niệm DNNN lại có sự thay đổi, phù hợp hơn với thực tiễn. Doanh nghiệp nhà nước nhìn chung không phải một hình thức pháp lý cụ thể, mà là thuật ngữ để chỉ một loại hình doanh nghiệp gắn với vốn nhà nước, trong đó Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH. Khái niệm DNNN được sử dụng trong luận án