đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong quá trình phát triển của DNNN trong kinh tế thị trường, một bộ phận DNNN được CPH. Cổ phần hoá DNNN là việc chuyển doanh nghiệp mà CSH là Nhà nước (doanh nghiệp đơn sở hữu) thành công ty cổ phần (doanh nghiệp đa sở hữu). Ở Việt Nam, CPH DNNN được bắt đầu triển khai từ năm 1992 nhằm thực hiện các mục tiêu: Chuyển một phần sở hữu Nhà nước sang sở hữu hỗn hợp; huy động vốn của toàn xã hội; tạo điều kiện để người lao động trở thành người chủ thực sự trong doanh nghiệp; thay đổi phương thức quản lý trong doanh nghiệp. Theo đó đã áp dụng hình thức HĐQT đại diện cho các CSH đối với các công ty cổ phần quốc doanh hoặc liên doanh.
Nhà nước với tư cách là CSH của một lượng vốn khổng lồ được đầu tư vào nhiều doanh nghiệp không thể trực tiếp thực hiện đầy đủ quyền của CSH mà buộc phải phân chia, ủy quyền cho các chủ thể nhất định trong thực hiện sở hữu nhà nước về vốn thông qua cơ chế đại diện, tức là Nhà nước phải giao cho các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện các quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước tại doanh nghiệp. Các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền này chính là đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp. Bằng pháp luật, CSH nhà nước quy định phân công, phân cấp cho các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của mình, tức là sẽ có nhiều cấp độ đại diện CSH nhà nước, mỗi cấp độ chủ thể được phân công, phân cấp thực hiện những quyền hạn, trách nhiệm khác nhau.
Như vậy, đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp là các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao thẩm quyền thực hiện các quyền hạn và trách nhiệm của CSH là Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nhà nước thực hiện quyền của CSH doanh nghiệp có vốn nhà nước thông qua cơ chế đại diện.
2.1.3. Khái niệm cơ chế đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp doanh nghiệp
Cho đến nay đã có nhiều quan niệm về cơ chế. Từ "cơ chế" là chuyển ngữ của từ mécanisme của phương Tây. Theo Từ điển Le Petit Larousse (1999) giảng nghĩa "mécanisme" là "cách thức hoạt động của một tập hợp các yếu tố
phụ thuộc vào nhau". Theo Từ điển Tiếng Việt phổ thông (Tái bản lần thứ nhất, có sửa chữa và bổ sung) của Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Phương Đông, Hà Nội 2002: Cơ chế là Cách thức theo đó một quá trình thực hiện [137]. Các tác giả của cuốn Đại từ điển Tiếng Việt cũng cho rằng Cơ chế là cách thức sắp xếp tổ chức để làm đường hướng, cơ sở theo đó mà thực hiện. Theo cuốn Sổ tay về phát triển, thương mại, “Cơ chế là một phương thức, một hệ thống các yếu tố làm cơ sở, đường hướng cho sự vận động của một sự vật hay hiện tượng” [97]. Theo cuốn Các nước đang phát triển với cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới- World Trade Organization: Cơ chế là hệ thống các mối quan hệ hữu cơ, liên quan đến cách thức tổ chức, hoạt động, cách thức tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng. Cơ chế là một quá trình, một hệ thống, là tổng thể các yếu tố tạo nên sự hoạt động của sự vật, hiện tượng [123].
Tuy cách tiếp cận về phương diện từ điển học cũng như phương diện khoa học của các nhà khoa học không hoàn toàn giống nhau, nhưng có thể nhận thấy các quan điểm này đều chỉ ra hai yếu tố cơ bản tạo thành cơ chế. Đó là: yếu tố tổ chức (cơ cấu) và yếu tố hoạt động (vận hành). Yếu tố tổ chức đề cập đến các thành viên (chủ thể) tham gia, cách thức hình thành tổ chức (cơ cấu) và cách thức tổ chức hệ thống nội tại. Yếu tố hoạt động thể hiện mối quan hệ tác động qua lại giữa các thành viên (sự phân công và hợp tác giữa các thành viên) trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ của tổ chức; nguyên tắc vận hành của cơ chế và nội dung hoạt động của nó. Khái niệm “cơ chế” dù ở nghĩa chung nhất, hay được vận dụng ở cấp độ vĩ mô đều có một điểm chung là nhằm hoàn thành công việc ở trong một hệ thống hoặc một tổ chức. Trong hệ thống đó, các bộ phận cấu thành tham gia vào “cơ chế” ở các mức độ khác nhau tuỳ theo khả năng và trách nhiệm của chúng. Điều đó có nghĩa là các bộ phận của hệ thống hoặc tổ chức đều liên quan đến “cơ chế” của nó và cùng thực hiện những quy định của “cơ chế”.
Để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, vốn nhà nước được bảo tồn, phát triển, không bị thất thoát, lãng phí đòi hỏi phải có cơ chế quy định quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng và giao cho tổ chức, cá nhân
thích hợp. Không có một mô hình thống nhất về cơ chế thực hiện quyền của CSH nhà nước, kể cả các nước có điều kiện chính trị, kinh tế, địa lý gần giống nhau. Xu thế chung của các nước hiện nay là chuyển các DNNN hoạt động theo chế độ công ty. Xu thế này thể hiện ở việc tách bạch, phân chia quyền sở hữu giữa CSH nhà nước với người quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để tránh trường hợp các nhà quản lý chuyên nghiệp đi ngược lại mục tiêu đầu tư của CSH nhà nước, các nước đều cố gắng áp dụng và hoàn thiện chế độ quản trị doanh nghiệp. Đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp thường có các quyền cơ bản sau: (i) Quyết định về hình thành, tổ chức lại và định đoạt doanh nghiệp, như: thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn (cổ phần) cho tổ chức, cá nhân khác; giải thể doanh ngiệp; đề nghị phá sản doanh nghiệp. (ii) Quyết định mục tiêu, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư, tài chính của doanh nghiệp. (iii) Quyết định mô hình tổ chức quản lý; bổ nhiệm nhân sự cao cấp của doanh nghiệp. (iv) Quyết định các chỉ tiêu cơ bản về hoạt động của doanh nghiệp làm cơ sở khen thưởng, kỷ luật bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp. (v) Kiểm tra, giám sát thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được giao. (vi) Thụ hưởng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Để bảo đảm thống nhất sự quản lý của CSH nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn bộ khu vực DNNN, Nhà nước phải thực hiện những trách nhiệm đối với toàn bộ khu vực DNNN, như: (i) Tổ chức xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển khu vực DNNN bao gồm thành lập mới, sắp xếp tái cơ cấu DNNN trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn và trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân. (ii) Quy định chế độ và thẩm quyền quyết định cấp vốn đầu tư ban đầu và đầu tư bổ sung tăng vốn điều lệ hoặc chuyển nhượng phần vốn, cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp; chế độ và thẩm quyền quyết định các dự án đầu tư, hợp đồng thuộc thẩm quyền của CSH. (iii) Quy định chế độ tài chính doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn Nhà nước và các chức danh khác thuộc thẩm quyền quyết định của CSH Nhà nước.
Cách thức thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước trong các doanh nghiệp
- Nhà nước sử dụng quyền lực để can thiệp và điều chỉnh đối với quá trình hình thành, hoạt động và chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp. Việc can thiệp và điều chỉnh của Nhà nước được thực hiện bằng công cụ pháp luật (ban hành quy định pháp luật và tổ chức thực hiện); chính sách (ban hành chính sách và tổ chức thực hiện); chiến lược, quy hoạch và kế hoạch (ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện); bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước (thực hiện hay ứng xử của công chức, viên chức Nhà nước).
- Ban hành, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về doanh nghiệp và văn bản pháp luật có liên quan.
- Xây dựng, ban hành và giám sát việc thực thi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương.
- Xây dựng, ban hành và giám sát thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật trong ngành, lĩnh vực, địa phương.
- Tổ chức, hướng dẫn đăng ký kinh doanh bảo đảm thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch định hướng phát triển kinh tế- xã hội.
- Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao đạo đức kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; phẩm chất đạo đức, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp; đào tạo và xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề.
- Thực hiện chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp theo định hướng và mục tiêu của chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.
- Kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, của cá nhân và tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.
Cách thức thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp
- Quản lý việc sắp xếp, chuyển đổi DNNN, như chương trình sắp xếp, chuyển đổi; tiêu chí phân loại, sắp xếp; công tác CPH và các hình thức chuyển
đổi sở hữu khác; chuyển đổi DNNN sang mô hình tổ chức, hoạt động khác (công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế).
- Quản lý hệ thống bộ máy quản lý, giám sát DNNN; bao gồm các cơ quan, tổ chức được giao quyền đại diện CSH phần vốn Nhà nước tại DNNN.
- Quản lý đối với cán bộ quản lý DNNN; gồm những nhóm cán bộ: (1) cán bộ đại diện cho CSH Nhà nước, được các cơ quan đại diện CSH quyết định bổ nhiệm hoặc ủy quyền đại diện tại các DNNN như thành viên HĐTV, kiểm soát viên (đối với công ty TNHH một thành viên); những người được để cử và bầu vào chức danh quản lý, điều hành chủ chốt của DNNN là công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên; người đại diện vốn Nhà nước tại các DNNN là công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên; (2) cán bộ quản lý chủ chốt và cán bộ khác chịu trách nhiệm quản lý, điều hành, phối hợp hoạt động của các bộ phận trong DNNN và đại diện cho DNNN trong quan hệ với bên ngoài doanh nghiệp.
- Nội dung quản lý đối với cán bộ quản lý DNNN tập trung vào các vấn đề tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, chế độ trách nhiệm của đối tượng cán bộ đại diện CSH Nhà nước; vấn đề đánh giá kết quả hoạt động quản lý của cán bộ quản lý chủ chốt của DNNN; quản lý chế độ lương và các chế độ khác đối với ván bộ quản lý chủ chốt nêu trên của DNNN.
- Quản lý hoạt động của DNNN, tập trung vào quản lý việc thực hiện mục tiêu của CSH Nhà nước và các hoạt động tài chính của DNNN; quản lý hoạt động đầu tư, kết quả và hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNN; quản lý việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích của DNNN.
Từ những phân tích trên đây về sở hữu nhà nước; đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, về DNNN, về cơ chế, về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước và đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp có thể đưa ra khái niệm về Cơ chế đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp như sau:
Cơ chế đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp là phương thức thực hiện gián tiếp sở hữu nhà nước đối với các nguồn vốn mà nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thông qua tổng thể những quan hệ kinh tế và pháp lý
giữa nhà nước với tư cách là CSH và các chủ thể đại diện CSH vốn nhà nước trong doanh nghiệp nhằm thực hiện hiệu quả sở hữu nhà nước và thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đại diện CSH vốn nhà nước trong các DNNN, bảo đảm các DNNN hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện vai trò kinh tế của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Với khái niệm nêu trên, cơ chế đại diện CSH vốn nhà nước trong các doanh nghiệp có vai trò như sau: