Quản lý nguồn vốn huy động tại các ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu Luận án Tran Viet Hung (Trang 63 - 66)

Trong các chính sách điều tiết của NHNN, huy động vốn luôn được quan tâm và có sự giám sát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà Nước và Chính phủ.

Theo quan niệm của các nhà kinh tế học và các nhà Ngân hàng trong tổng nguồn vốn của Ngân hàng ngoài nguồn vốn thuộc chủ sở hữu thì tất cả các nguồn vốn còn lại được coi là nguồn vốn huy động. Như vậy nguồn vốn huy động của các Ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng tới hơn 90% trong tổng nguồn vốn. Vì vậy các hoạt động sử dụng vốn của Ngân hàng tồn tại và phát triển được là nhờ nguồn vốn huy động này.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng thương mại được huy động vốn dưới các hình thức sau:

A. Nhận tiền gửi của các tổ chức, cá nhân và các tổ chức tín dụng khác dưới các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và các loại tiền gửi khác. Phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và giấy tờ có giá khác để huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước khi được Thống đốc

Ngân hàng Nhà nước chấp thuận (cả nội tệ VND và các ngoại tệ chủ yếu là USD, EUR).

Là nguồn vốn mà Ngân hàng huy động được từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân… trong xã hội thông qua quá trình nhận tiền gửi, thanh toán hộ, các khoản cho vay tạo tiền gửi và các nghịệp vụ kinh doanh khác. Bản chất của tài khoản tiền gửi là tài sản thuộc sở hữu của các đối tượng khách hàng khác nhau, ngân hàng chỉ có quyền sử dụng nó để cho vay, chiết khấu, thanh toán… nhưng không có quyền sở hữu, Ngân hàng có trách nhiệm phải hoàn trả đúng hạn cả gốc và lãi hoặc khi khách hàng có nhu cầu rút tiền để sử dụng. Tiền gửi chiếm một tỷ trọng khá lớn trong nguồn vốn huy động của các Ngân hàng thương mại.

-Tiền gửi không kỳ hạn: Đây là các khoản tiền gửi không có kỳ hạn xác định, người gửi tiền có thể rút ra bất kỳ lúc nào tuỳ theo nhu cầu của mình do đó lãi suất của loại tiền gửi này thường thấp hơn so với các loại tiền gửi có kỳ hạn xác định. Lượng tiền gửi không kỳ hạn thường chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng nguồn vốn huy động của Ngân hàng.

-Tiền gửi có kỳ hạn: Đây là loại tiền gửi có sự thõa thuận giữa người gửi tiền và Ngân hàng về số lượng, kỳ hạn và lãi suất của khoản tiền gửi dó. Do có sự xác định rõ ràng về kỳ hạn nên ngân hàng có thể sử dụng để cho vay với thời hạn tương ứng hoặc có thể chuyển đổi một phần tiền gửi ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Ngân hàng trả lãi cho người gửi tiền cao hơn lãi suất của loại tiền gửi không kỳ hạn và tiền giửi thanh toán, ngân hàng đưa ra các kỳ hạn khác nhau như 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng…Mức lãi suất tỷ lệ thuận với kỳ hạn, nếu kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao. Các khách hàng gửi tiền theo loại này thì khi đến hạn sẽ được hoàn trả cả gốc và lãi theo qui định, nếu chưa đến hạn mà khách hàng gửi tiền rút tiền ra trước thì khách hàng chỉ được hưởng lãi suất của tiền gửi không kỳ hạn.

- Trái phiếu: Trái phiếu Ngân hàng thực chất là một giấy nhận nợ của ngân hàng với khách hàng. Phát hành trái phiếu Ngân hàng nhằm tập trung vốn trung và dài hạn để tài trợ cho các dự án lớn theo yêu cầu phát triển trên địa bàn hoặc tập trung vốn tài trợ cho các dự án được Chính phủ chỉ định. Ngân hàng phát hành trái phiếu chủ yếu là để vay hộ khách hàng. Trái phiếu khác kỳ phiếu có mục đích ở chỗ kỳ phiếu có mục đích thường được sử dụng linh hoạt hơn như kỳ phiếu có thể được phát hành ở từng chi nhánh trên cơ sở được sự chấp thuận của Ngân hàng Trung ương với khung lãi suất và thời hạn phát hành riêng biệt. Còn trái phiếu thường được phát hành với qui mô lớn hơn và đồng loạt trong cả hệ thống Ngân hàng.

Như vậy trái phiếu và kỳ phiếu có mục đích đều được Ngân hàng phát hành với mục đích huy động vốn trung và dài hạn và là khoản vay của các ngân hàng trên thị trường. Ngoài ra còn có các hình thức vay khác.

B. Vay vốn của các tổ chức tín dụng khác hoạt động tại Việt Nam và của tổ chức tín dụng nước ngoài. Vay vốn ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tiền gửi mà ngân hàng nhận được là nguồn vốn mà ngân hàng có được một cách thụ động. Trong hoạt động của mình nếu như thiếu vốn thì ngân hàng phải chủ động tìm kiếm vốn để thực hiện các hoạt động của mình. Nguồn vốn mà ngân hàng chủ động tạo nên đó là nguồn vốn vay. Các NHTM đi vay vốn trong một số trường hợp:

Thứ nhất: Vay để đáp ứng nhu cầu khả năng thanh toán của Ngân hàng.

Vì hoạt động chủ yếu và thường xuyên của ngân hàng là nhận tiền gửi với trách nhiệm hoàn trả cho khách hàng khi khách hàng có nhu cầu rút tiền để sử dụng. Do vậy có những trường hợp số tiền dự trữ và số tiền mà ngân hàng nhận được trước đó trong ngày ít hơn số tiền mà khách hàng rút thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền cho khách hàng nghĩa là ngân hàng thiếu tiền trả cho khách hàng. Vậy ngân hàng phải đi vay.

Thứ hai: Vay hộ cho khách hàng

Vì hoạt động cơ bản của ngân hàng là tài trợ cho nền kinh tế nên khi khách hàng có nhu cầu vay vốn ngân hàng và đảm bảo các yêu cầu do ngân hàng đặt ra thì ngân hàng sẽ cho vay. Tuy nhiên với những khách hàng vay với khối lượng lớn, thời hạn dài mà ngân hàng lại không muốn dùng toàn bộ số tiền của mình có để đầu tư cho dự án này (vì rủi ro đem lại có thể rất cao) nhưng ngân hàng cũng không muốn mất khách hàng nên họ thoả thuận với nhau qua đó Ngân hàng thay mặt khách hàng phát hành trái phiếu để thu gom tiền trong nền kinh tế để phục vụ vốn cho dự án. Người ta chỉ phát hành trái phiếu vừa đủ số tiền mà dự án cần dùng và trong một thời hạn bằng thời gian tồn tại của dự án.

Thứ ba: Vay để cho vay

Hầu như toàn bộ số tiền trong lưu thông đã trở thành tiền gửi tại các ngân hàng nghĩa là các ngân hàng chia nhau nắm giữ lượng tiền trong lưu thông. Để tăng lượng tiền gửi của mình các ngân hàng thường tăng lãi suất để thu hút các khoản tiền gửi ở các ngân hàng khác chảy về. Nhưng thực tế khi một ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, để tránh sự chảy vốn các ngân hàng khác cũng đồng loạt tăng lãi suất

lên làm chi phí ngân hàng tăng lên mà lượng tiền gửi lại thay đổi không đáng kể. Do vậy khi thiếu vốn để tài trợ cho các dự án mà ngân hàng cho là có hiệu quả thì Ngân hàng sẽ thực hiện chính sách đi vay. Do tính chất hoạt động không đồng đều giữa các ngân hàng về huy động vốn và sử dụng vốn và vậy những ngân hàng thiếu vốn có thể đi vay ở những ngân hàng còn thừa vốn chưa sử dụng hết hoặc đi vay vốn từ NHNN hoặc các định chế tài chính khác. Mặt khác do ngân hàng dự đoán được sự gia tăng của nhu cầu tín dụng trong tương lai mà nguồn vốn huy động chưa thể đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn trong thời kỳ tới thì ngân hàng thực hiện đi vay vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.

Thứ tư: Vay để giảm chi phí nguồn tiền cho giai đoạn sau.

Vào cuối kỳ hạch toán, nếu các chủ Ngân hàng dự tính được thu nhập của kỳ đó lớn nghĩa là kỳ đó họ phải chịu thuế nhiều. Nếu họ cũng dự tính được kỳ sau họ sẽ có những khoản chi phí lớn thì họ có thể phát hành kỳ phiếu ngắn hạn trả lãi trước nhằm tăng chi phí cho kỳ này và giảm chi phí cho kỳ sau.

Vốn vay từ các tổ chức tín dụng khác trên thị trường liên Ngân hàng và vốn vay từ Ngân hàng Trung ương

Tuỳ theo tình hình hoạt động của ngân hàng trong từng thời kỳ và lý do của các khoản vay của mình mà ngân hàng có những hình thức vay phù hợp. Với các hình thức vay như trên ngân hàng có thể mất rất nhiều thời gian. Đối với mục đích sử dụng ngay như để đảm bảo khả năng thanh khoản cho Ngân hàng thì hai hình thức vay vốn trên không phù hợp. Ngân hàng có thể sử dụng phương thức khác như vay vốn ở các tổ chức tín dụng khác hoặc vay ở NHTW. Thực tế cho thấy hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn thì không đồng đều giữa các Ngân hàng, ở những thời điểm có những ngân hàng thiếu vốn nhưng lại có những ngân hàng tạm thời đang thừa vốn thì các ngân hàng này có thể vay mượn lẫn nhau vì mục đích của cả đôi bên. Hơn nữa các ngân hàng đều làm trung gian thanh toán cho nền kinh tế nên các ngân hàng đều mở tài khoản tiền gửi lẫn nhau và trong những trường hợp ngân hàng nào đó thiếu vốn để thanh toán chi khách hàng của mình thì ngân hàng kia có thể cho vay để ngân hàng đó đảm bảo khả năng thanh toán. Trong những trường hợp cấp bách mà ngân hàng không thể vay được ở các ngân hàng khác thì có thể vay ở NHNN vì NHNN là người cho vay cuối cùng đối với các NHTM.

Một phần của tài liệu Luận án Tran Viet Hung (Trang 63 - 66)