Đối với Ngân hàng nhà nước

Một phần của tài liệu Luận án Tran Viet Hung (Trang 154 - 157)

- Nâng cao vai trò định hướng trong quản lý và tư vấn cho các NHTM: Thông qua việc thường xuyên tổng hợp, phân tích thông tin thị trường, đưa ra các nhận định và dự báo khách quan, mang tính khoa học, đặc biệt là liên quan đến hoạt động tín dụng để các NHTM có cơ sở tham khảo, định hướng trong việc hoạch định chính sách tín dụng của mình sao cho vừa đảm bảo phát triển hợp lý, vừa phòng

ngừa được rủi ro. Tiếp tục hoàn thiện quy chế cho vay, đảm bảo tiền vay trên cơ sở bảo đảm an toàn cho hoạt động tín dụng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các NHTM, quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các NHTM về việc tuân thủ quy chế cho vay và bảo đảm tiền vay, hạn chế bớt các thủ tục pháp lý phức tạp, gây khó khăn cho các NHTM. NHNN cần phối hợp với các bộ ngành có liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thủ tục phát mãi tài sản. Nên có những hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của TCTD, của cơ quan Công an, của Chính quyền cơ sở, của Sở Tài nguyên Môi trường làm cơ sở pháp lý để đi đến ban hành thông tư liên ngành hướng dẫn thêm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đẩy nhanh tiến độ, cụ thể hóa từng công việc trong thi hành án.

Hiện nay, xử lý nợ xấu là một trong những nội dung quan trọng trong đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. NHNN thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan và NHTM triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu. NHNN và chính phủ cần hướng dẫn và triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu như: bán nợ xấu có tài sản đảm bảo cho công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính. Xóa nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của DN vay; các khoản nợ xấu phát sinh do thực hiện cho vay theo chỉ đạo hoặc chủ trương, chính sách của Chính phủ mà không có tài sản đảm bảo và không có khả năng thu hồi sẽ được Chính phủ xóa nợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; bán nợ xấu cho các DN không phải NHTM, công ty mua bán nợ tư nhân và công ty mua bán nợ của các NHTM. Đối với một số khoản vay thế chấp bằng bất động sản, công trình hoàn thành, hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được, Chính phủ xem xét mua lại các bất động sản đó để phục vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước. NHNN thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia thuộc NHNN để phối hợp với DATC của Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của các NHTM.

- Chống cạnh tranh không lành mạnh: Với sự mở rộng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các NHTM, NHNN đã giải phóng tính sáng tạo và chủ động của các ngân hàng trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tranh giành khách hàng vay vốn giữa các ngân hàng như cho vay để hoàn trả các khoản vay của các ngân hàng khác, hạ thấp các tiêu chuẩn, điều kiện vay vốn dẫn đến nguy cơ RRTD tăng cao. Do đó NHNN cần có sự kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả những hoạt động kinh doanh của các NHTM, đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn.

- Ứng dụng các nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng hữu hiệu: Trong thực thi chức năng của một cơ quan quản lý nhà nước và giám sát thị trường, hoàn thiện phương pháp kiểm soát và kiểm toán nội bộ trong các TCTD và hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Hệ thống giám sát ngân hàng được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng phân tích tình hình tài chính và phát triển hệ thống cảnh báo sớm những tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh nói chung và cấp tín dụng nói riêng, thực hiện các cảnh báo sớm cho các NHTM, đảm bảo thị trường phát triển bền vững.

- Ban hành Thông tư mới về Phân loại nợ và trích lập dự phòng: Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/04/2005 và Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN ngày 25/04/2007 của Thống đốc NHNN quy định về phân loại nợ có một số điểm chưa phù hợp cần xem xét điều chỉnh theo hướng đối với nợ gia hạn cần căn cứ vào thời gian gia hạn và số lần gia hạn để phân loại nợ (hiện nay chỉ căn cứ vào số lần gia hạn, mà không căn cứ vào thời gian gia hạn nên đã đánh đồng và xếp tất cả các khoản nợ gia hạn vào nhóm nợ xấu).

- Hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng của Trung tâm CIC NHNN: Một trong những bộ phận được NHTM sử dụng là Trung tâm thông tin tín dụng CIC. Và một trong những điều kiện cần thiết để thực hiện quản trị rủi ro tín dụng tốt là hệ thống thông tin phải đầy đủ, cập nhật, chính xác. Chất lượng thông tin càng cao thì rủi ro trong kinh doanh tín dụng của các TCTD càng giảm. Vì vậy, việc hoàn thiện hoạt động của CIC là rất cần thiết chẳng hạn như là: thông tin tín dụng phải bao hàm tất cả các thông tin về tình hình vay vốn của khách hàng tại các TCTD, phải có sự phân tích thông tin tổng hợp về khách hàng để lưu ý các NHTM. Bên cạnh đó, cần chủ trọng đổi mới và hiện đại hóa các trang thiết bị, thiết lập hệ thống sao cho việc thu thập cũng như cung cấp thông tin tín dụng được thông suốt, kịp thời. Ngoài ra, NHNN cần phải có chính sách tuyển chọn và đào tạo nhân viên làm công tác quản lý mạng CIC không chỉ am hiểu về công nghệ thông tin như khai thác thông tin qua mạng và các công cụ hỗ trợ khác mà còn phải có khả năng thu thập thông tin, phân tích, tổng hợp và đưa ra những nhận định, cảnh báo thích hợp thay vì những con số báo cáo thống kê khô khan cho các NHTM tham khảo. Hiện nay, các ngân hàng chưa có sự hợp tác tích cực với CIC chủ yếu là do muốn giữ bí mật thông tin về khách hàng để cạnh tranh. Vì vậy, đề xuất NHNN nên có những biện pháp thích hợp để các ngân hàng nhận thức đúng đắn về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc báo cáo và khai thác thông tin tín dụng từ CIC nhằm góp phần ngăn ngừa và hạn chế RRTD. NHNN cần phải có biện pháp khuyến khích và đi dần đến quy định

bắt buộc các NHTM hợp tác, cung cấp thông tin một cách đầy đủ cho trung tâm. Thanh tra NHNN nên kiểm tra việc báo cáo, khai thác thông tin của các ngân hàng, đồng thời có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời đối với những ngân hàng vi phạm.

-Điều chỉnh giới hạn tín dụng đối với khách hàng theo Basel: Nếu theo Thông tư 13/2010/TT-NHNN của NHNN (thay thế cho quyết định số 457 và một số văn bản liên quan của Nhà nước về việc Quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt

động của TCTD” thì gioái hạn tín dụng của TCTD đối với một nhóm khách hàng có liên quan không được vượt quá 60% vốn tự có của TCTD, thì theo Basel, tỷ lệ này chỉ còn ở mức 25%. Mục đích của quy định này là để giảm thiểu RRTD. Do đó:

NHNN từng bước thay đổi tỷ lệ này theo mức tiếp cận với Basel bằng cách quy định thêm những ràng buộc về ngành nghề đầu tư, đối tượng cho vay. Ở những ngành nghề ít rủi ro hoặc nhóm khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, trước mắt có thể vẫn giữ tỷ lệ 60% và điều chỉnh giảm dần để tránh ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NHTM. Ở những ngành nghề đầu tư hoặc những mặt hàng là đối tượng cho vay có nhiều rủi ro, NHNN nên cương quyết điều chỉnh giới hạn cho vay của các ngân hàng về mức tiệm cận với tỷ lệ quy định của Basel.

Đồng thời, NHNN xây dựng và ứng dụng các chuẩn mực quốc tế hiện đại, đặc biệt tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Basel (17 nguyên tắc) trong quản lý nợ xấu có ý nghĩa quan trọng như: (1) tạo điều kiện cho các NHTM tăng khả năng huy động vốn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy kinh tế phát triển; (2) tăng uy tín cho ngân hàng.

Để tăng mức độ an toàn trong việc cấp tín dụng, NHNN phải thiết lập được hệ thống thông tin tín dụng đầy đủ, kịp thời và phổ biến. Yêu cầu đầy đủ được hiểu theo nghĩa đủ về lịch sử tín dụng đối với một khách hàng, đủ về đối tượng khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan, đủ về loại hình cho vay cũng như quy mô vốn vay. Yêu cầu phổ biến đòi hỏi rằng các NHTM đều có quyền và dễ dàng truy cập hệ thống để tra cứu thông tin. Muốn vậy, các NHTM phải có trách nhiệm báo cáo kịp thời những diễn biến tín dụng của ngân hàng mình để NHNN cập nhật vào kho dữ liệu chung, làm cơ sở cung cấp cho toàn hệ thống.

Một phần của tài liệu Luận án Tran Viet Hung (Trang 154 - 157)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w