Nhóm giải pháp của Ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu Luận án Tran Viet Hung (Trang 127 - 131)

4.2.1.1 Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện có hiệu quả hơn nữa các quy định trong cơ chế đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Các quy định an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng

Thực hiện có hiệu quả các quy định an toàn hoạt động của TCTD gồm: tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu để đảm bảo khả năng bù đắp các tổn thất không định trước bằng vốn tự có; tỷ lệ khả năng chi trả để đảm bảo cho ngân hàng có đủ thanh khoản khi xảy ra rủi ro xuất phát từ sự mất cân đối về kỳ hạn, nguồn vốn và sử dụng vốn; giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan để hạn chế rủi ro do việc tập trung tín dụng; giới hạn góp vốn, mua cổ phần để đảm bảo tránh ngân hàng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực phi tài chính.

Quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro để đánh giá chất lượng tài sản “Có”, có bổ sung quản lý, điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư hợp lý; đảm bảo trích lập dự phòng đầy đủ nguồn tài chính để bù đắp các tổn thất, xác định năng lực, mức độ lành mạnh về tài chính của các TCTD.

Quy định về quản lý rủi ro nhằm đưa các các yêu cầu về quản lý các rủi ro chính (rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường) đối với các TCTD, trong đó yêu cầu về tránh nhiệm của bộ máy quản trị, điều hành đối với các rủi ro; quy trình quản lý rủi ro, các công cụ đo lường rủi ro và các biện pháp quản lý rủi ro.

Quy định về quản trị, điều hành gồm các quy định về cơ cấu tổ chức, quyền hạn và trách nhiệm của HĐQT/HĐTV, BKS, Ban điều hành (Tổng giám đốc) của

TCTD để hạn chế sự lạm quyền, tập trung quyền lực quá mức trong việc quản trị, điều hành TCTD. Bên cạnh đó, còn có các quy định về kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ theo các nguyên tắc đảm bảo an toàn, tránh hiện tượng thông tin không cân xứng, xung đột lợi ích và hành vi gây tổn hại cho hoạt động của TCTD.

Các chuẩn mực kế toán nhằm đảm bảo việc hạch toán kế toán, lập báo cáo tài chính phản ánh trung thực tình hình tài chính, chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh của TCTD. Các báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập đáp ứng các điều kiện theo quy định. Bên cạnh đó, quy định về chế độ báo cáo, công khai thông tin nhằm đảm bảo có đầy đủ thông tin, số liệu để phục vụ cho việc thanh tra, giám sát cũng như phân tích hoạt động của các TCTD nói riêng và toàn hệ thống TCTD nói chung.

Thanh tra, giám sát một cách hiệu quả đảm bảo an toàn ở phạm vi vĩ mô (gọi là an toàn vĩ mô – macro prudential) và an toàn ở phạm vi vi mô (gọi là an toàn vi mô – micro prudential) gồm:

Giám sát an toàn vĩ mô nhằm đảm bảo sự an toàn cho toàn hệ thống TCTD, tránh những bất ổn định tài chính, tránh tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế (GDP); theo đó giám sát sự tương tác giữa các TCTD và thị trường; tập trung vào các rủi ro chung toàn hệ thống của TCTD (top-down) theo các biến động kinh tế gây nên sự mất an toàn, đổ vỡ đối với toàn hệ thống TCTD.

Thanh tra, giám sát an toàn vi mô nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động của từng TCTD , bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (gồm người gửi tiền, nhà đầu tư vào TCTD) trên cơ sở kết hợp thanh tra trên cơ sở rủi ro và thanh tra tuân thủ; tập trung vào các rủi ro của từng TCTD (bottom-up).

Đánh giá tổng thể mức độ an toàn hệ thống TCTD trên cơ sở kết hợp giữa giám sát an toàn vĩ mô và giám sát an toàn vi mô. Xây dựng và phát triển hệ thống cảnh báo sớm về mức độ an toàn của toàn hệ thống TCTD nhằm mục đích hỗ trợ thực thi các biện pháp phòng tránh khủng hoảng.

Trong thời gian qua, NHNN đã tiến hành rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới phù hợp với diễn biến của hoạt động ngân hàng tại Việt Nam và thông lệ, chuẩn mực quốc tế, trong đó bao gồm: các quy định về các tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các TCTD ban hành theo Thông tư số 13/2010/TT-NHNN; Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lí rủi ro trong hoạt động ngân hàng của các TCTD ban hành theo Quyết định số

493/2005/QĐ-NHNN (gần đây được thay thế bởi Thông tư số 02/2013/TT-NHNN và sau đó là Thông tư 09/2014/TT-NHNN); Thông tư số 15/2009/TT-NHNN quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn; Quy định về sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD; Hướng dẫn tổ chức, quản trị, điều hành, vốn điều lệ, chuyển nhượng cổ phần, bổ sung, sửa đổi giấy phép, điều lệ của NHTM; Quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với TCTD; Quy định về việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động NHTMCP. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn trong hoạt động của các ngân hàng luôn là mục tiêu hàng đầu được đặt ra từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì vậy, trong thời gian tới, NHNN cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa vai trò của mình trong hoạt động đảm bảo an toàn hệ thống.

Ổn định kinh tế vĩ mô

Trong những năm qua, công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trên cơ sở các nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết số 11, NHNN đã triển khai mạnh mẽ trong công tác điều hành, đảm bảo các chính sách, diễn biến tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước, quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế. Kết quả, lạm phát được kiểm soát, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) được cơ cấu lại và đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, khu vực sản xuất từng bước khôi phục và tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng cao, đáp ứng các nhu cầu về ngoại tệ trong các giao dịch kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đáng chú ý trong công tác điều hành của NHNN, trong thời gian, NHNN cần nâng cao hơn nữa hiệu quả thông qua việc xây dựng, ban hành và triển khai các giải pháp cụ thể.

Các giải pháp tiết giảm tình trạng đô la hóa và vàng hóa, ổn định thị trường ngoại hối cần được NHNN thực hiện nhịp nhàng hơn nữa cùng với các giải pháp điều hành chính sách tỷ giá chủ động, mang tính dẫn dắt thị trường; chính sách đấu thầu vàng đảm bảo sự ổn định của thị trường.

Thực hiện mạnh mẽ các giải pháp giải phóng kênh tín dụng được NHNN thông qua các chương trình tái cấu trúc, giải quyết nợ xấu tồn đọng, hoàn thiện cơ chế quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, thông qua các chương trình tọa đàm xúc tiến đầu tư theo vùng lãnh thổ, theo ngành nghề.

Tăng cường vai trò của thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường liên ngân hàng. Các biện pháp điều hành lãi suất cần có những bước đi thích hợp, đảm bảo

giảm nhanh chóng và hiệu quả mặt bằng lãi suất, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, từng bước hình thành đường cong lãi suất, hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Các giải pháp thiết lập kỷ luật thị trường tiền tệ được thực hiện nghiêm túc trên cơ sở điều hành CSTT gắn kết chặt chẽ với công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo thực thi nghiêm các chính sách của NHNN, qua đó giúp cơ chế truyền tải CSTT được vận hành tốt hơn.

4.2.1.2 Đảm bảo sự đồng bộ và linh hoạt của chính sách tín dụng

Bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các nhiệm vụ trọng tâm tại Chỉ thị 01/CT-NHNN năm 2014 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả và theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ, trong thời gian tới NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Để tiếp nối các thành công trong tương lai, các chính sách tín dụng cần linh hoạt tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Trên cơ sở theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của từng TCTD và toàn hệ thống, NHNN xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cho một số TCTD, chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, lãi suất với khách hàng, ban hành và triển khai kịp thời chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực để mở rộng tín dụng có hiệu quả.

Tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng đề ra, góp phần tháo gỡ khó khãn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tiếp tục triển khai các chương trình gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Cụ thể là: NHNN cần triển khai một cách đồng bộ các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực như hỗ trợ vốn kịp thời cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình cho vay đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách tín dụng phục vụ đánh bắt xa bờ; cho vay đối với chăn nuôi và thủy sản; tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra; tín dụng phục vụ kinh doanh, xuất khẩu, tạm trữ lúa gạo; giảm tổn thất sau thu hoạch đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chính sách tái canh cây cà phê; đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 và Nghị quyết số

61/NQ-CP ngày 21/8/2014 của Chính phủ; khuyến khích DN tham gia vào sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thông tư số 25/2018/TT-NHNN ngày 24/10/2018 V/v sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2015/TT- NHNN ngày 22 tháng 7 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa hoạt động của các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống.

Một phần của tài liệu Luận án Tran Viet Hung (Trang 127 - 131)