Sau khi phân tích chung về tình hình ĐGTHCV của một số Công ty có mô hình tương đương, có thể tổng hợp một số bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho Công ty CITRACO như sau:
Thứ nhất, sử dụng các phương pháp đánh giá khác nhau phù hợp với từng đối tượng và loại hình sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là phương pháp quản trị theo mục tiêu và phương pháp thang đo đánh giá đồ họa, vì sử dụng hai phương pháp này nhìn chung khá hiệu quả và được các doanh nghiệp áp dụng phổ biến.
Thứ hai, nên xây dựng các tiêu chuẩn thể hiện rõ, chi tiết, cụ thể về thành tích thực hiện công việc của người lao động chứ không nên đề cập quá nhiều đến quy tắc, nội quy trong doanh nghiệp hay tham gia phong trào. Nếu xây dựng được đầy đủ cả hai vấn đề này sẽ tốn kém thời gian và trên thực tế rất ít doanh nghiệp làm được điều này.
Thứ ba, các tiêu chí đánh giá nên xét đến cả hai khía cạnh là kết quả thực hiện công việc và năng lực, hành vi của người lao động trong quá trình thực hiện công việc. Từ đó, tổ chức sẽ có nhiều thông tin, cơ sở để đưa ra các quyết định quản trị nhân lực đúng đắn, khách quan.
Thứ tư, việc tính điểm hay bình xét các tiêu chí nên cân bằng cả điểm cộng cho những thành tích và điểm trừ đối với lỗi vi phạm hoặc không hoàn thành công việc. Điều này giúp người lao động thoải mái hơn và không bị ức chế khi làm việc, đồng thời sẽ có quan điểm đúng đắn hơn về mục tiêu của ĐGTHCV là nhìn nhận một cách toàn diện những ưu điểm và hạn chế của người lao động, thay vì chỉ tập trung vào những điểm chưa hoàn thành.
Thứ năm, để thực hiện bài bản và hiệu quả (không mang tính cảm tính và bình bầu) cần xây dựng KPI phù hợp với ngành, sự hậu thuẫn của cấp quản lý và năng lực, bản lĩnh của người đánh giá cùng với sự hỗ trợ của bộ phận nhân sự.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG
NGHIỆP THỦ ĐÔ CITRACO