Khái quát thực trạng liên kết các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu

Một phần của tài liệu LA Tran Thi Thu Huong (Trang 89 - 92)

3. Kết cấu của luận án

3.2.2. Khái quát thực trạng liên kết các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu

sông Cửu Long

3.2.2.1. Một số kết quả đạt được

Từ năm 2010 đến nay, LKCQĐP vùng ĐBSCL ngày càng trở nên tích cực, bằng chứng là nội dung liên kết ngày càng được mở rộng hơn và kéo theo số lượng thỏa thuận liên kết ngày càng tăng. LKCQĐP vùng ĐBSCL hiện được đánh giá là có bài bản, quy mô và nhiều hoạt động hơn so với vùng KTXH khác. Đây cũng là vùng đi tiên phong trong việc xây dựng các Chương trình liên kết chính thức.

Những năm gần đây, LKCQĐP trong vùng ĐBSCL tỏ ra ngày càng tích cực và lĩnh vực liên kết được mở rộng, toàn diện hơn, chẳng hạn như: phối hợp trong giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế, giao thông, cấp thoát nước, ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải nguy hại, đào tạo nghề, ứng phó biến đổi khí hậu,… Trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, các CQĐP vùng ĐBSCL đã liên kết và triển khai thực hiện quy hoạch về quy mô sản xuất, tổ chức chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và cũng phối hợp nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Các địa phương cũng đồng thời thực hiện liên kết cung cấp nguồn nguyên liệu cho chế biến và hợp tác phát triển thị trường trong và ngoài nước thông qua xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa, kho bãi và thông tin thị trường [2]. Gần đây, các địa phương đã thúc đẩy hợp tác xây dựng các trung tâm giống cây trồng, con vật nuôi và mô hình nông nghiệp công nghệ cao [9]. Liên kết phát triển du lịch trong những năm gần đây giữa các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ và Bạc Liêu cũng đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về lượng du khách ở từng tỉnh, thành phố [38]. Xuất phát từ nhu cầu cần mở rộng nội dung liên kết và chính nhờ hiệu quả liên kết rõ nét trong một số lĩnh vực phát triển kinh tế mà thời gian qua số lượng các thỏa thuận LKCQĐP đã tăng lên ở vùng ĐBSCL.

Trong 5 nội dung LKCQĐP mang tính bắt buộc (theo Nghị định 144 và Quyết định 159), mặc dù một số nội dung vẫn chưa được triển khai một cách nghiêm túc, tuy nhiên LKCQĐP trong việc xây dựng hệ thống thông tin và cung cấp hệ thống thông tin vùng ĐBSCL bước đầu đã được thiết lập. Các dữ liệu thông tin giới thiệu chung về: vùng ĐBSCL, từng địa phương trong vùng, các tuyên bố chung hàng năm của vùng, đặc biệt đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể cam kết thực hiện của các thành viên Ban chỉ đạo MDEC,…đã được đưa lên trang web (http://mdec.vn/). Bên cạnh đó, để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL trong phát triển KTXH, Ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và Ủy ban quốc gia hợp tác quốc tế trình Thủ tướng ban hành Quyết định 388. Quyết định 388 với mục tiêu thành lập MDEC. Đây chính là sân chơi, cầu nối LKCQĐP trong vùng nói riêng và LKV nói chung. MDEC được tổ chức đều đặn mỗi năm một lần từ năm 2010 đến nay. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 593, trong đó có đề cập tới nhiều vấn đề như: nguyên tắc liên kết, nội dung liên kết, hoạt động liên kết,... Như vậy, ngoài việc cả 13 tỉnh/thành vùng ĐBSCL có quyết tâm và có động cơ liên kết mạnh, việc được luật hóa bằng quy chế thí điểm liên kết vùng (theo Quyết định 593) hay việc thành lập MDEC (theo Quyết định 388) đã góp phần tạo dựng và củng cố LKCQĐP vùng ĐBSCL chặt chẽ hơn so với các vùng KTXH khác.

3.2.2.2. Một số hạn chế

Mặc dù, LKCQĐP vùng ĐBSCL thời gian gần đây được đánh giá là tương đối thành công so với một số vùng khác nhờ sự nỗ lực của các CQĐP trong vùng, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của BCĐ Tây Nam Bộ và cơ quan Trung ương. Tuy nhiên, nhìn chung, mức độ LKCQĐP trong vùng ĐBSCL vẫn còn khá khiêm tốn và chỉ mới dừng lại ở những nội dung liên kết đơn giản và chưa có tính chiến lược, lâu dài. Một số nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra những điểm hạn chế trong LKCQĐP vùng ĐBSCL, chẳng hạn như:

Vũ Thành Tự Anh và cộng sự (2012) đã đưa ra nhận xét “các tỉnh trong vùng ĐBSCL vẫn tỏ ra mặn mà trong việc liên kết với thành phố Hồ Chí Minh thậm chí còn hơn so với liên kết giữa các địa phương trong nội vùng”, lý do là “cơ cấu kinh tế và lợi thế so sánh của thành phố Hồ Chí Minh rất khác với các tỉnh ĐBSCL nên việc hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh không bị “đụng hàng”…... các tỉnh ĐBSCL đều có tư duy là liên kết với tỉnh mạnh thì mình dễ được lợi (vì lợi ích chảy xuôi), liên kết với tỉnh yếu thì không được lợi (vì lợi ích không chảy ngược), còn liên kết với tỉnh ngang nhau thì không được gì (vì dễ rơi vào thế cạnh tranh hơn là hợp tác)” [1, tr.83]. Ngay cả khi các CQĐP chú trọng phát triển liên kết với những thành phố lớn, đóng vai trò đầu tàu, trung tâm phát triển của vùng thì những liên kết này chỉ mang tính sự vụ, riêng lẻ chứ chưa thực sự tạo được các mối liên kết mang tính chất vùng.

Báo cáo khảo sát năm 2015 của nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện địa lý nhân văn cũng đã đưa ra kết quả phân tích hiện trạng LKV nói chung và LKCQĐP vùng ĐBSCL trên 2 khía cạnh, đó là: (i) tần suất liên kết và (ii) hiệu quả liên kết. Báo cáo chỉ ra rằng, các liên kết vùng ĐBSCL chủ yếu là liên kết trong lĩnh vực kinh tế (với 65,54% số cán bộ được hỏi), tiếp đến là: liên kết xây dựng cơ sở hạ tầng; liên kết văn hóa xã hội; liên kết quản lý tài nguyên và liên kết phòng tránh thiên tai chiếm tỷ lệ thấp, lần lượt là: 36,94%; 34,46%; 35,81% và 31,31%. Lĩnh vực liên kết được đánh giá thấp nhất hiện nay, chính là liên kết thể chế. Tương tự, lĩnh vực được đánh giá là liên kết có hiệu quả nhất, chính là liên kết trong phát triển kinh tế (chiếm 66% số cán bộ được hỏi); tiếp đến là liên kết văn hóa xã hội (chiếm 48%) và liên kết xây dựng cơ sở hạ tầng (chiếm 36%). Hiệu quả liên kết trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; liên kết phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai BĐKH, cũng như liên kết thể chế có tỷ lệ rất thấp, tương ứng là 33%, 27% và 16%.

Ngoài ra, nghiên cứu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2014) và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2014) cũng cho rằng, mặc dù đã có nhiều thỏa

thuận hợp tác được ký kết giữa các CQĐP trong vùng và lĩnh vực thỏa thuận hợp tác tương đối rộng và mang tính chiến lược, song nhiều nội dung liên kết mới chỉ nằm trên các văn bản hợp tác mà chưa được triển khai trên thực tế hoặc nếu được triển khai thì rất hạn chế. Nhiều thỏa thuận hợp tác chưa phân công hợp tác cụ thể, chưa tính hết yếu tố thị trường và hiệu quả chung từ hợp tác nên dẫn tới phát triển mang tính chủ quan và đầu tư còn trùng lặp, gây lãng phí, giảm sức cạnh tranh của vùng.

Tương tự như các vùng KTXH khác, thực trạng LKCQĐP trong 5 nội dung LKCQĐP mang tính bắt buộc (theo Nghị định 144 và Quyết định 159) ở vùng ĐBSCL cũng chưa thực sự được triển khai một cách hiệu quả, ngoại trừ nội dung liên quan tới xây dựng hệ thống thông tin và cung cấp thông tin vùng. Bên cạnh đó, Quyết định 593 cũng xác định trong giai đoạn thí điểm 2016-2020, ưu tiên LKCQĐP vùng ĐBSCL trong phát triển sản xuất và đầu tư kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên hoạt động liên kết phát triển sản xuất cũng mới trong phạm vi hẹp, mang tính đơn lẻ; và liên kết trong kết cấu hạ tầng thì gần như bỏ ngỏ.

Như vậy, so với các vùng KTXH khác, mặc dù vùng ĐBSCL có ưu thế nổi trội hơn do đã có các văn bản pháp lý chính thức hóa hoạt động LKCQĐP song nhìn chung LKCQĐP vùng ĐBSCL vẫn diễn ra chậm chạp. Hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân như đã được đề cập trong mục 3.1.2, ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác thuộc về nhân tố LKCQĐP trong vùng sẽ được phân tích ở mục 3.3 của Chương này.

Một phần của tài liệu LA Tran Thi Thu Huong (Trang 89 - 92)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(182 trang)
w