7. Kết cấu luận văn
1.3.5. Đưa văn hóa doanh nghiệp vào các hoạt động của doanh nghiệp
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ về các giá trị cốt lõi, việc biến từng nhận thức riêng rẽ thành những hành động chung cũng là một quá trình khó khăn, phức tạp của tổ chức. Bởi mỗi người được đào tạo, rèn luyện trong một môi trường văn hoá khác nhau, tập hợp lại trong một môi trường mới với những giá trị, niềm tin, lý tưởng chung, cần phải có thời gian để từng người điều chỉnh. Nhận thức và nói ra là một chuyện, còn thực hiện lại là một vấn đề khác hoàn toàn. Con người Việt Nam chịu khó, lam làm, nhưng có điểm xấu là rất bảo thủ. Phải có những quy định, chế tài để quy định những hành vi ứng xử của nhân viên với tổ chức, với công việc, với khách hàng đối tác…để tìm ra những người phù hợp với tổ chức.
Để chứng tỏ sự đúng đắn của những giá trị đó, điều quan trọng là đưa được lý luận vào thực tiễn. Phải đưa được các phương châm hành động từ những giá trị cốt lõi vào hành động thực tiễn. Nói là làm phải trùng khít, phải đi đôi với nhau. Doanh nghiệp cần lồng ghép các giá trị cốt lõi vào quá trình xây dựng các nội quy, quy chế, quy định trên cơ sở các văn bản pháp quy của Nhà nước ban hành và triển khai áp dụng đảm bảo chặt chẽ, phù hợp (Nội quy lao động; Quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động, Định mức lao động; Quy chế trả lương, thưởng; Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động; tổ chức Hội nghị người lao động tại các cấp, tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc…) và thực hiện triệt để. Phải thực thi những phương châm ấy theo đúng tinh thần và tư tưởng của nó. Ví dụ, khi phát động phong trào Sáng kiến ý tưởng với phương châm “ghi nhận từ những ý tưởng nhỏ nhất”, doanh nghiệp nhất định phải làm đúng, ghi nhận, tôn vinh từ những ý tưởng đơn giản nhất. Mọi người sẽ thấy
mình được tôn trọng, ý kiến của mình có mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Và hơn thế, nhận thức và hành động văn hoá của doanh nghiệp trùng khít nhau, chính là sự ánh xạ đúng đắn những giá trị đó vào đời sống, chứng tỏ sự đúng đắn của nó.
Để đưa những triết lý đó vào đời sống sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải kiên trì thực hiện theo đúng mục tiêu, lý tưởng của nó.
Phải ánh xạ, đưa triết lý của doanh nghiệp vào ngay trong việc sáng tạo ra sản phẩm, trong các hoạt động quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, thông qua những đóng góp của doanh nghiệp cho cộng đồng, xã hội. Phải gắn chặt việc tạo ra sản phẩm và tổ chức kinh doanh; ngoài việc mang về doanh thu, lợi nhuận, doanh nghiệp cần xác định sản phẩm đó dành cho ai, hướng tới tầng lớp khách hàng nào, có đóng góp gì cho an sinh xã hội, cộng đồng…
Doanh nghiệp phải coi triết lý kinh doanh, tầm nhìn thương hiệu như một
bệ đỡ tư tưởng vững chắc cho mọi hoạt động, ánh xạ vào trong từng kế hoạch, từng hành động, trong phát triển sản phẩm mới, chương trình ISO 9000, chương trình phát triển nguồn nhân lực, trong các hoạt động sinh hoạt tập thể, văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao…
Ví dụ, Tôn Hoa sen, doanh nghiệp đang rất thành công tại Việt Nam với triết lý kinh doanh “Trung thực – Cộng đồng – Phát triển”, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc khẳng định: “Tiền bạc chỉ là phương tiện, đức mới là cứu cánh, vì vậy tôi mang đức đến cho mọi người”. Chữ Tâm của Tôn Hoa sen không dừng lại ở lời nói của ông Chủ tịch, mà nhờ sự kiên trì của lãnh đạo, nó đã được chuyển tải đến sâu rộng trong toàn thể cán bộ, nhân viên, thành phương châm hành động của mỗi người. Hệ thống bán lẻ đã được xây dựng quy mô hàng đầu Việt Nam với trên 80 chi nhánh khắp đất nước, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Số tiền làm từ thiện, tài trợ hàng chục tỷ mỗi năm, đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chụp giật, phi văn hoá, tất yếu những triết lý kinh doanh mà doanh nghiệp đưa ra sẽ là những giá trị ảo, không mang lại lợi ích cho xã hội, và chắc chắn, cán bộ nhân viên cũng sẽ “tự diễn biến”, chụp giật và phi văn hoá theo hành vi của tổ chức.