Nội dung của hoạt động huy động vốn để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn ở địa bàn cấp tỉnh

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 56 - 59)

Ở ĐỊA BÀN CẤP TỈNH

2.2.2.2. Nội dung của hoạt động huy động vốn để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn ở địa bàn cấp tỉnh

tầng nông thôn ở địa bàn cấp tỉnh

* Lập kế hoạch đầu tư cùng với kế hoạch huy động vốn cho các công trình KCHT nông thôn

Huy động vốn đầu tư phát triển KCHT nông thôn phải luôn đồng hành với các dự án đầu tư. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch huy động vốn cũng được gắn với xây dựng dự án và phê duyệt các dự án đầu tư phát triển KCHT nông thôn.

Trên cơ sở các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của các địa phương, ngành và nhu cầu thực tiễn, chính quyền các cấp với sự giúp việc của cơ quan kế hoạch (ở cấp tỉnh là Sở kế hoạch và Đầu tư) thực hiện công việc xây dựng kế hoạch và lựa chọn các dự án đầu tư phát triển KCHT nông thôn, đảm bảo các quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các quy định liên quan. Với mỗi kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, các cấp chính quyền đồng thời phải lập kế hoạch huy động vốn cho dự án đó, xin ý kiến thường trực HĐND cùng cấp trước khi gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính. Ở cấp tỉnh, UBND tỉnh lập dự toán kế hoạch huy động vốn đầu tư, xin ý kiến thường trực HĐND tỉnh và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định và giao chỉ tiêu kế hoạch vốn cho Bộ Tài chính và tỉnh. Kế hoạch huy động vốn được xây dựng theo những nội dung cơ bản sau:

- Xác định định mức phân bổ cho từng nguồn vốn cụ thể. Đối với từng dự án đầu tư phát triển KCHT nông thôn sẽ có quy mô vốn đầu tư, mục đích sử dụng riêng, các đối tượng hưởng lợi là ai (các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, người dân,...), mức độ hưởng lợi của từng đối tượng, tác động của dự án tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương,... Dựa trên những yếu tố đó, kế hoạch huy động vốn sẽ tính toán mức đóng góp của từng nguồn vốn cho các công trình KCHT nông thôn.

Trong đó, nguồn vốn từ NSNN là quan trọng, đóng vai trò định hướng; các nguồn vốn ngoài ngân sách có thể huy động theo hình thức đóng góp tự nguyện hoặc hình thức kết hợp công - tư (PPP), góp phần giảm bớt gánh nặng về vốn cho NSNN trong quá trình thực hiện các công trình này.

- Phân tích, dự báo những tác động của tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh đến việc thực hiện dự án KCHT nông thôn để xác định khả năng huy động các nguồn vốn. Tình hình vĩ mô bao gồm các yếu tố: tốc độ phát triển kinh tế, chính sách phát triển KT-XH của tỉnh, huyện, thu nhập của người dân, đặc điểm văn hóa vùng miền... ảnh hưởng đến mức đóng góp của các chủ thể ngoài NSNN cho phát triển KCHT nông thôn. Đặc biệt là đối với các nguồn vốn từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thì các yếu tố kinh tế, chính sách, pháp luật thường có ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp nhất.

- Xây dựng các chính sách huy động vốn liên quan. Chính sách huy động vốn bao gồm quy mô, kết cấu các nguồn vốn cần huy động, thời hạn huy động, thời hạn giải ngân nguồn vốn, những ưu đãi đối với từng nguồn vốn… có thể được chính quyền cấp tỉnh và huyện thực hiện nhằm thu hút các nguồn vốn để phát triển KCHT nông thôn.

*Tổ chức thực hiện công tác huy động vốn để phát triển KCHT nông thôn ở địa bàn cấp tỉnh

- Xây dựng chỉ tiêu huy động vốn. Xây dựng các chỉ tiêu huy động vốn để tiến hành phân bố nguồn lực một cách cụ thể; là căn cứ chủ yếu để đánh giá khả năng và trách nhiệm của các cấp chính quyền trong huy động vốn; là căn cứ để đánh giá khả năng thực tiễn của các nguồn vốn.

- Triển khai các hình thức huy động vốn.

Đối với nguồn NSNN, việc huy động vốn để đầu tư phát triển KCHT nông thôn ở các địa phương phải tuân thủ theo cơ chế quản lý NSNN và các văn bản pháp luật có liên quan. Cơ chế quản lý chi NSNN đầu tư phát triển KCHT nông thôn được thể hiện ở việc phân rõ trách nhiệm, quyền hạn cho các cấp chính quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chi NSNN. Ngoài ra, các địa phương có thể tự huy động nguồn lực để đầu tư phát triển KCHT nông thôn thông qua phát hành trái

phiếu chính quyền địa phương hay vay nợ tín dụng nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về vay nợ.

Đối với các nguồn ngoài NSNN, có thể thực hiện theo các hình thức cơ bản như sau:

(i) Thực hiện phân bổ mức đóng góp: Đối với từng dự án đầu tư phát triển KCHT nông thôn, xác định các đối tượng hưởng lợi là ai (các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, người dân,...), mức độ hưởng lợi của từng đối tượng, sau đó họp bàn ở các địa phương với những đối tượng có liên quan để xác định mức phân bổ đóng góp.

(ii) Thực hiện theo hình thức đóng góp tự nguyện: đây là cơ chế đang được áp dụng để không huy động quá sức dân trong quá trình thực hiện đầu tư phát triển KCHT nông thôn, đặc biệt là với các vùng có kinh tế khó khăn, mức sống người dân còn hạn chế. Chính quyền cấp xã thường thành lập một Ban vận động bao gồm đại diện lãnh đạo xã, đại diện đoàn thể chính trị xã hội và lãnh đạo các đơn vị để tiến hành tổ chức và trực tiếp đi vận động đóng góp đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

(iii) Thực hiện theo hình thức kết hợp công - tư (PPP): là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án KCHT, cung cấp dịch

vụ công. Các loại hợp đồng đầu tư theo hình thức PPP như: Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (hợp đồng BOT); Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (hợp đồng BTO); Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT); Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (hợp đồng BOO); Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (hợp đồng BTL); Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao hợp đồng BLT); Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (hợp đồng O&M). Trong đó, hình thức BOT là hình thức được sử dụng phổ biến hơn cả.

*Kiểm tra, giám sát huy động vốn để phát triển KCHT nông thôn

Kiểm tra, giám sát là quá trình đo lường hoạt động và kết quả của hoạt động huy động vốn của cấp có thẩm quyền trên cơ sở các chỉ tiêu đã được xác lập để phát hiện những ưu điểm cũng như tìm ra những hạn chế, từ đó đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhằm đạt được kế hoạch huy động vốn một cách tối ưu. Các nội dung kiểm tra, đánh giá kết quả công tác huy động vốn bao gồm:

- Kiểm tra các kết quả huy động vốn: Qui mô nguồn vốn có đạt được theo kế hoạch hay không? Cơ cấu nguồn vốn có đúng theo tỷ lệ hay không? Chi phí huy động nguồn vốn có phù hợp với tính chất của các công trình KCHT nông thôn được triển khai không?

- Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý trong huy động nguồn vốn: Nguồn vốn huy động có tuân theo các quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các quy định của Chính phủ chưa? Các hình thức huy động vốn ngoài ngân sách có tạo được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp không?

Từ những đánh giá cụ thể trong quá trình kiểm tra kết quả huy động vốn, các cấp chính quyền sẽ rút ra được những kinh nghiệm thực tiễn, đề ra các giải pháp phù hợp với kế hoạch và mục tiêu đã đặt ra.

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w