Huy động vốn tín dụng (tín dụng chính thức)

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 103 - 106)

THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VỐN ĐỂ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG NÔNG THÔN TỈNH BẮC NINH

3.2.2.2.Huy động vốn tín dụng (tín dụng chính thức)

Tỉnh Bắc Ninh xác định nguồn vốn tín dụng trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn là quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng NTM, đáp ứng nhu cầu về phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Nguồn vốn tín dụng được huy động cho kết cấu hạ tầng nông thôn thông qua kênh tín dụng đầu tư phát triển nhà nước và tín dụng thương mại. Vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước được thực hiện thông qua Chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, hạ tầng cơ sở nuôi trồng thủy sản và hạ tầng cơ sở làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009 - 2015. Nguồn vốn này khá đa dạng, bao gồm: nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi, nguồn vốn huy động và vốn nhận ủy thác.

Vốn tín dụng thương mại cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn được thực hiện thông qua chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ, là một trong 8 lĩnh vực

cho vay ưu đãi gồm: (i) cho vay các chi phí sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; (ii) cho vay phát triển ngành nghề tại nông thôn; (iii) cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn; (iv) cho vay chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; (v) cho vay để kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; (vi) cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; (vii) cho vay tiêu dùng nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn; (viii) cho vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ. Ngoài ra, một phần nguồn vốn huy động từ tín dụng cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn Bắc Ninh được thực hiện thông qua hoạt động vay vốn của các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Mạng lưới ngân hàng, tổ chức tín dụng tại Bắc Ninh gồm có Chi nhánh ngân hàng Nhà nước, 10 ngân hàng thương mại Nhà nước, 21 ngân hàng thương mại cổ phần, 1 ngân hàng Chính sách xã hội, 1 ngân hàng Hợp tác xã, 1 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 1 Ngân hàng Phát triển, 26 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và 1 tổ chức tài chính vi mô, với hơn 1000 điểm giao dịch, gồm cả các điểm giao dịch tự động ATM, POS (296 máy ATM, 1.699 máy POS) trải rộng khắp các trung tâm huyện lỵ, khu công nghiệp, khu tập trung dân cư và vùng nông thôn; phát hành được 784.913 thẻ ATM và thực hiện trả lương qua tài khoản cho hơn 540.000 cá nhân, tổ chức. Bắc Ninh là tỉnh có mật độ ngân hàng khá dày, chỉ đứng sau các thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời cũng là tỉnh duy nhất có mạng lưới ngân hàng mà ở mỗi huyện, thị đều có từ 5 đơn vị ngân hàng khác nhau hoạt động [71].

Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các ngân hàng đã tăng cường đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cho các thành phần kinh tế, đối tượng chính sách, trong đó chú trọng đầu tư vốn cho phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng NTM, các chương trình trọng điểm của tỉnh,... Tổng dư nợ tín dụng năm 2019 đạt 80.800 tỷ đồng, gồm dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở 123,6 tỷ đồng; cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với dư nợ 22,7 tỷ đồng; cho vay phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM với dư nợ đạt 21.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên là 7-9%/năm; lĩnh vực sản xuất,

kinh doanh khác ở mức 9-11,5%/năm. Riêng đối với một số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có phương án kinh doanh tốt và tạo được uy tín còn được ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ từ 6,5 -7%/năm. Ngoài việc giảm mạnh các mức lãi suất cho vay mới, các ngân hàng đã xem xét điều chỉnh giảm lãi suất của các khoản cho vay trước đây về dưới 13% năm. Các ngân hàng cũng chủ động rà soát, đánh giá lại khả năng trả nợ của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ vốn vay, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, giãn thời gian trả nợ... [77].

Đơn vị tính: triệu đồng

Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ báo cáo [75], [76], [77]

Hình 3.4. Nguồn vốn tín dụng cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn Bắc Ninh

Vì thế, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện những chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án xây dựng cơ bản ở nông thôn, cụ thể như hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào dự án nước từ 40% đến 100% lãi suất vay ngân hàng trong thời hạn 5 - 10 năm. Tổng vốn tín dụng huy động cho KCHT nông thôn giai đoạn 2011 là 254 tỷ đồng, năm 2012 là 188 tỷ đồng, năm 2014 giảm mạnh còn 50 tỷ đồng. [Hình 3.4]

Nguyên nhân nguồn vốn suy giảm trong giai đoạn 2011 - 2014 là do thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” (ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012), Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” (ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013) khiến cho các ngân hàng phải tập trung cơ cấu lại và xử lý các khoản cho vay của doanh nghiệp.

Giai đoạn 2016-2019, mức dư nợ tín dụng cho vay dành cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn đã tăng rất cao, đạt 1.195,6 tỷ đổng, gần gấp 3 lần dư nợ cho vay của giai đoạn 2011 - 2014. Năm 2016, dư nợ tín dụng cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn là 267,7 tỷ đồng; năm 2017, mức dư nợ tín dụng đạt 291 tỷ đồng; năm 2018, dư nợ tín dụng đạt 317,3 tỷ đồng và năm 2019 dư nợ tín dụng cho KCHT nông thôn tỉnh Bắc Ninh đạt 320 tỷ đồng [Hình 3.4].

Ngoài nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn Bắc Ninh cũng được huy động một phần từ các quỹ tín dụng. Các doanh nghiệp tham gia các dự án xây dựng cơ bản ở nông thôn cũng vay vốn từ các quỹ tín dụng song giá trị khoản vay thấp, thời hạn vay ngắn từ 1 - 3 năm, chủ yếu là trang trải tạm thời trong thời gian chờ cấp bổ sung vốn hay quyết toán các công trình. Tỷ lệ nguồn vốn từ quỹ tín dụng cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn chỉ chiếm 5-7% tổng dư nợ cho vay của quỹ, trung bình khoảng gần 670 tỷ giai đoạn 2011- 2019. Nguyên nhân là do lãi suất vay vốn của Quỹ tín dụng cao hơn lãi suất vay ngân hàng, cao hơn nhiều lần so với vay theo các chương trình hỗ trợ hạ tầng nông thôn của tỉnh Bắc Ninh [77].

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 103 - 106)