Bài học kinh nghiệm đối với tỉnh Bắc Ninh

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 74 - 78)

Ở ĐỊA BÀN CẤP TỈNH

2.3.3.Bài học kinh nghiệm đối với tỉnh Bắc Ninh

Huy động vốn để phát triển KCHT nông thôn là một tất yếu khách quan trong bối cảnh nhu cầu về KCHT nông thôn ngày càng tăng, nguồn ngân sách nhà nước cho phát triển KCHT bị giới hạn. Chính quyền cấp tỉnh đã xác định vốn từ ngân sách nhà nước cho phát triển KCHT nông thôn là "vốn mồi" để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách; làm tốt công tác quy hoạch KCHT nông thôn theo nguyên tắc đảm bảo công tác quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chủ động, sáng tạo, kết hợp nhiều phương thức để huy động tổng lực các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó tận dụng tối đa các lợi thế so sánh của địa phương và phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa lý, các nguồn lực tự nhiên cũng như phong tục tập quán, tâm lý, đặc trưng văn hóa của người dân. Một số bài học cho tỉnh Bắc Ninh về huy động vốn để phát triển KCHT nông thôn đó là:

Thứ nhất, đa dạng hóa thu hút các nguồn vốn trong đó xác định vốn NSNN mang tính định hướng.

Thực tế phát triển KCHT nông thôn của các quốc gia cho thấy, để tạo lập nguồn vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trước hết Chính phủ các nước đã thực hiện nhất quán chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng KCHT. Do nguồn vốn ngân sách nhà nước là có hạn, lại bị chia nhỏ cho nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nên được xác định là nguồn vốn mang tính định hướng, vốn "mồi" nên ngân sách nhà nước chỉ tập trung đầu tư cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp, hoặc không xã hội hóa được. Thu hút vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước, sự đóng góp của người dân nông thôn và phát triển thị trường tín dụng nông thôn là những kênh huy động chính cho KCHT nông thôn. Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ, công khai, minh bạch nhằm thu hút vốn từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng KCHT với những hình thức phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích toàn xã hội.

Thứ hai, chú trọng quy hoạch KCHT nông thôn làm căn cứ cho kế hoạch huy động vốn.

Đặc biệt chú trọng đến công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có quy hoạch KCHT nông thôn, công khai các quy hoạch, đảm bảo công tác quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Các địa phương cần được biết khả năng đáp ứng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là bao nhiêu để chủ động được nguồn lực, lựa chọn công trình ưu tiên đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển KCHT và lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn. Cần ưu tiên nguồn vốn tập trung đầu tư phát triển KCHT thiết yếu trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống hằng ngày của người dân, có tác dụng thúc đẩy sản xuất và nâng cao đời sống của người dân; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, như đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng, cải tạo đồng ruộng... Đây là cơ sở quan trọng để định hướng đầu tư hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm và cũng là căn cứ để huy động nguồn lực từ nhân dân. Người dân nông thôn là người thụ hưởng lợi

ích trực tiếp từ các công trình hạ tầng nông thôn nên nhu cầu được biết, được làm, được bàn bạc là nhu cầu chính đáng. Đây cũng được coi là biện pháp quan trọng của các quốc gia và một số địa phương trong việc huy động vốn từ nhân dân.

Nâng cao chất lượng lập quy hoạch, các đề án, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn đảm bảo thống nhất và phù hợp với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng chung của cả nước và các địa phương, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch. Làm tốt công tác quy hoạch mới khuyến khích và thu hút tốt các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức và doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, đặc biệt là sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, minh bạch để doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tăng nguồn lực cho KCHT nông thôn.

Thứ ba, chủ động, sáng tạo, kết hợp nhiều phương thức để huy động tổng lực các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn.

Xác định nguồn lực nội tại của chính người dân nông thôn, chủ thể của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là yếu tố quan trọng nên Chính phủ các nước và chính quyền các địa phương thực hiện nhiều biện pháp thu hút sự tham gia của người dân với nhiều hình thức như huy động tiền, đất đai, ngày công lao động, xi măng, sắt, thép,... Sự thành công của phong trào Làng mới ở Hàn Quốc cho thấy, Chính phủ chỉ cần bỏ ra một lượng vốn nhỏ cùng với chính sách thưởng, phạt công bằng đã tạo sự đồng thuận của người dân, khuyến khích người dân chủ động, tích cực tham gia xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn như đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa, các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp… làm thay đổi bộ mặt nông thôn và thay đổi tư duy của người dân nông thôn.

Cần mở rộng quyền tự chủ và phương thức quản lý vốn đầu tư cho các địa phương. Mặt khác, đối tượng sử dụng các công trình hạ tầng nông thôn chủ yếu là nông dân. Do đó, khi đưa các công trình vào vận hành và sử dụng cần phải đảm bảo người dân được thụ hưởng lợi ích từ các công trình này, đồng thời hướng dẫn và có biện pháp hỗ trợ để người dân có thể bảo trì, bảo dưỡng công trình, kéo dài tuổi thọ và công năng sử dụng của các công trình hạ tầng nông thôn.

Cần đa dạng hóa hình thức huy động vốn, như đổi đất lấy KCHT, khai thác giá trị quỹ đất, đánh thuế tài sản đất đai để bổ sung vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Bài học của Trung Quốc cho thấy, áp dụng hình thức đổi đất lấy KCHT, khai thác giá trị quỹ đất vừa giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước vừa có được KCHT đáp ứng nhu cầu của khu vực nông thôn. Nhà nước có thể đứng ra đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để đấu thầu xây dựng công trình theo quy hoạch đã được phê duyệt. Với nguồn vốn thu được, Nhà nước tiếp tục dành cho đầu tư KCHT ở những khu vực không áp dụng được hình thức này. Đồng thời, chuyển các nguồn thu từ giao, cho thuê đất sang đấu giá quyền sử dụng đất và đánh thuế tài sản nhằm bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển KCHT nông thôn.

Chương 3

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 74 - 78)