Tổ chức quản lý và công tác quy hoạch

Một phần của tài liệu Luan van chinh sua theo hoi dong (Trang 63 - 67)

7. Kết cấu của đề tài

2.3.6. Tổ chức quản lý và công tác quy hoạch

Bộ máy tổ chức quản lý du lịch Ba Vì

UBND HUYỆN BA VÌ (CHỦ TỊCH)

PHÕNG VĂN HÓA – THÔNG TIN

(TRƯỞNG PHÕNG)

PHÓ PHÒNG PHÓ PHÒNG

Ban thông tin Ban văn hóa Ban thể dục, thể thao Ban du lịch

UBND huyện Ba Vì là cơ quan cao nhất của huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành du lịch huyện, đại diện là chủ tịch UBND. Cấp dưới của UBND là phòng Văn hóa – Thông tin, đại diện là trưởng phòng Văn hóa – Thông tin. Phòng văn hóa thông tin có chức năng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, có chức năng tham mưu, giúp UBND huyện quản lý nhà nước về các vấn đề: Văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch, báo chí, xuất bản, bưu chính và chuyển phát, viễn thông và internet, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin, phát thanh trên địa bàn huyện. Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin có hai phó phòng thực hiện quản lý các ban riêng biệt trong đó có du lịch. Ban du lịch có nhiệm vụ rất quan trọng, là đơn vị theo dõi và quản lý một cách sâu sát nhất về tình hình hoạt động của ngành du lịch. Từ đó đơn vị này tham mưu lên cấp trên để nhằm thay đổi và đưa ra những chính sách phù hợp với việc phát triển ngành du lịch của huyện.

Công tác quản lý nhà nước về du lịch được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, các đơn vị kinh doanh du lịch luôn chấp hành tốt các quy định của nhà nước về hoạt động du lịch. Hiện nay trên địa bàn huyện có 15 đơn vị kinh doanh du lịch với các sản phẩm chủ yếu như: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng. Trong đó sản phẩm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng đang là những loại hình du lịch có hiệu quả nhất, thu hút nhiều du khách tham gia. Điển hình một số đơn vị đang hoạt động có hiệu quả cao như: Du lịch Ao Vua, Du lịch Khoang Xanh, Khu Du lịch Thiên Sơn Suối Ngà, Khu

du lịch Tản Đà Resort, Ba Vì Resort, Family Resort, Yên Bài Top Hill Resort. Một số đơn vị đạt hiệu quả khá là khu du lịch Đầm Long. Khu du lịch Hồ Tiên Sa năm 2014 vừa qua lượng khách du lịch tới đây giảm đáng kể, do một số hạng mục công trình xuống cấp và đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất. Cụ thể là, năm 2013 lượng khách tới Hồ Tiên Sa là 18.350 khách, tới năm 2014 lượng khách tới đây chỉ đạt 15.670 khách (số liệu phòng Văn hóa & Thông tin huyện Ba Vì). Một số đơn vị du lịch hoạt động hiệu quả chưa cao như: Nhà nghỉ Công Đoàn Suối Hai, Du lịch Cao Sơn, có hai đơn vị ngừng hoạt động: Công ty du lịch Suối Mơ, Công ty du lịch Thác Đa. Trung tâm dịch vụ du lịch Suối Hai ( trực thuộc công ty thủy lợi Sông Tích) do làm ăn không hiệu quả nên trên thực tế đã giao cho công ty tư nhân đấu thầu khai thác. Dự án khu du lịch cao cấp Tản Viên tại hồ Suối Hai của tập đoàn Dầu Khí Việt Nam gặp nhiều khó khăn về vốn, công tác GPMB…, nên chưa được triển khai xây dựng và khai thác.

Các hoạt động kinh doanh du lịch của các đơn vị du lịch đã góp phần tạo việc làm cho người lao động, giảm các tệ nạn xã hội, khôi phục và phát triển nhiều ngành nghề truyền thống của địa phương, nâng cao dân trí. Đặc biệt góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.

Năm 2013, UBND huyện Ba Vì đã ký văn bản về việc đề nghị thỏa thuận đề cương nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển khu du lịch Ba Vì – Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội.

Tháng 2 năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã có văn bản đồng ý cho UBND Thành phố Hà Nội xây dựng quy hoạch phát triển khu du lịch Ba Vì – Suối Hai thành khu du lịch Quốc Gia đến năm 2020, định hướng 2030.

Ngày 23/4/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã phê duyệt đề cương, nhiệm vụ dự án “ Quy hoạch phát triển khu du lịch Ba Vì – Suối Hai thành khu du lịch Quốc Gia đến năm 2020, định hướng 2030”.

Thực hiện chương trình số 04 – CTr/TU ngày 18/10/2011của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 – 2015, trong chương trình đề án phát triển văn hóa – xã hội có nhiệm vụ “hoàn thiện hạ tầng cơ sở khu du lịch Suối Hai – Tây Ba Vì”. Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Ba Vì xem xét kỹ điều kiện địa hình, địa vật và các yếu tố liên quan đến định hướng phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Ba Vì và thống nhất danh mục 5 tuyến đường nhằm hoàn thiện mạng lưới

cơ sở hạ tầng khu du lịch quốc gia Ba Vì – hồ Suối Hai, báo cáo UBND Thành phố xem xét chấp nhận.

Trong khi đó một số các khu du lịch và khu nghỉ dưỡng đã quy hoạch và đang trong giai đoạn hoạt động đã thể hiện rõ một số những hạn chế. Quy hoạch tại các khu du lịch và khu nghỉ dưỡng không có tầm nhìn xa và thiếu tính tổng thể. Theo công tác quy hoạch cũ của khu du lịch thì hiện tại các hệ thống đường ống cấp thoát nước bị cắt xẻ bởi những công trình xây dựng mới. Nhiều công trình thoát nước đã bị lỗi thời và không thể sử dụng được. Hiện tượng ngập và ứ nước trong các khu du lịch vào mùa mưa là hiện tượng diễn ra phổ biến như khu du lịch Đầm Long, Family Resort, Yên Bài Top Hill Resort.. do một phần diện tích của các khu du lịch này là thung lũng thấp. Những công trình xây dựng mới mọc lên không theo dự án quy hoạch ban đầu nên nhiều khu du lịch và nghỉ dưỡng đã phá vỡ cảnh quan và hệ sinh thái như công trình xây dựng khu Spa tại khu du lịch Tản Đà Resort, toàn bộ 12 phòng khu dịch vụ Spa này được xây dựng trên mặt hồ, làm mất cân bằng không gian và cảnh quan hồ. Hay các khu vui chơi giải trí tại khu du lịch Đầm Long, Ao Vua… trong quá trình xây dựng thêm khu dịch vụ, khu vui chơi giải trí, hồ bơi…các khu du lịch này đã phá hủy một phần hệ sinh thái thực vật không nhỏ. Nhiều nhà dịch vụ, nhà hàng, xây dựng không theo tính toán và quy hoạch khi xây dựng xong bị bỏ hoang và thất thoát kinh tế như khu nhà dịch vụ tại khu du lịch Khoang Xanh…

Tiểu kết chương 2

Trong chương 2 đã giải quyết toàn bộ các cơ sở lý luận khoa học đưa ra ở chương 1 bằng các nghiên cứu, phân tích và đánh giá thực tế qua điều kiện và thực trạng du lịch nghỉ dưỡng huyện Ba Vì. Qua đó chỉ ra những hạn chế và tồn tại của du lịch nghỉ dưỡng Ba Vì để đưa ra các giải pháp phát triển và kiến nghị trong chương 3.

Ba vì là một huyện miền núi của thủ đô Hà Nội, đây là huyện có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và đăc biệt là loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Thiên nhiên ưu đãi đã tạo cho du lịch Ba Vì có nhiều cảnh đẹp, thời tiết mát mẻ, động thực vật phong phú đa dạng rất phù hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Hiện nay, tại Ba Vì có nhiều khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên như: Ba Vì Resort, Family Resort, Tản Đà Resort và Yên Bài Top Hill Resort là khu nghỉ dưỡng mới đưa vào khai thác từ tháng 3/2015. Các khu nghỉ dưỡng này trong một vài năm qua kinh doanh khá hiệu quả.Một số khu du lịch rất thu hút khách trong những năm gần đây như: Khu du lịch Đầm Long, khu du lịch Ao Vua, khu du lịch Khoang Xanh – Suối Tiên, Thiên Sơn – Suối Ngà…

Sau hội nghị 9 của UBND huyện Ba Vì năm 2011, huyện Ủy đã đặt ra định hướng phát triển du lịch thân thiện, bền vững và hướng ngành du lịch trong đó có du lịch nghỉ dưỡng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong 4 năm qua hoạt động du lịch huyện Ba Vì đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng đã có nhiều chuyển biến tích cực và trở thành ngành kinh tế quan trọng. Hàng năm UBND huyện Ba Vì đã dành nguồn kinh phí lớn nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, y tế, hệ thống cấp thoát nước phục vụ ngành du lịch.

Du lịch Ba Vì trong vài năm gần đây đã có nhiều thay đổi rõ rệt, có những thành tựu về lượng khách đến và doanh số. Tốc độ tăng trưởng bình quân về doanh thu hàng năm là 12,8%, tốc độ tăng trưởng về lượng khách bình quân hàng năm là 3,3%. Tuy nhiên, ngành du lịch Ba Vì vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch của huyện. Trong những năm qua du lịch nghỉ dưỡng của huyện vẫn còn nhiều hạn chế như; công tác quy hoạch chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất kỹ thuật xuống cấp và lạc hậu đang là nguy cơ hàng đầu, lao động trong ngành du lịch chưa chuyên nghiệp, kỹ năng nghề còn nhiều hạn chế, dịch vụ bổ sung chưa được đầu tư đúng mức, thiếu vốn, công tác môi trường, quảng bá du lịch còn bỏ ngỏ...

Để du lịch nghỉ dưỡng Ba Vì trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút không chỉ du khách nội địa mà còn hấp dẫn khách du lịch quốc tế, huyện Ba Vì cần đưa ra những định hướng, giải pháp kịp thời, hiệu quả nhằm phát triển du lịch Ba Vì và loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Căn cứ vào thực trạng du lịch và du lịch nghỉ dưỡng huyện Ba Vì trong những năm gần đây, luận văn này sẽ đưa ra một số đề xuất nhằm đưa du lịch nghỉ dưỡng của huyện Ba Vì trở thành điểm đến bền vững trong tương lai…

Chương 3. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH NGHỈ DƯỠNG TẠI HUYỆN BA VÌ

Một phần của tài liệu Luan van chinh sua theo hoi dong (Trang 63 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(92 trang)
w