Một số nghiên cứu trên thế giới 31

Một phần của tài liệu XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ KHUÔN MẶT HÀI HOÀ CHO NGƯỜI DÂN TỘC KINH ĐỘ TUỔI 18 - 25 (Trang 41 - 43)

Trên thế giới, các nghiên cứu về đặc điểm của khuôn mặt đã xuất hiện từ khá sớm. Tuy nhiên, kết quả của những nghiên cứu này chỉ dừng lại ở một số những chỉ số rất cơ bản trên xương sọ và một số chỉ số về phần mềm vùng mặt. Cho đến thế kỷ XX – thế kỷ của tỉ lệ và phép đo khách quan bắt đầu phát triển mạnh – các nghiên cứu về lĩnh vực này xuất hiện ngày càng nhiều.

Người đầu tiên phải nhắc tới là Jacques Joseph (1865 - 1934) - cha đẻ của ngành tạo hình mũi hiện đại. Trong nghiên cứu, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của mũi khi nhìn nghiêng với thẩm mỹ khuôn mặt. Ông nghiên cứu hướng nghiêng của sống mũi trong mối liên quan với các đường trên mặt nghiêng hơn là với mặt phẳng Frankfort.

Năm 1931, B. Holy Broadbent đã nghiên cứu về sự thay đổi cấu trúc sọ trên phim Xquang [34]. Sau đó, phim sọ mặt từ xa trở thành một phương tiện gián tiếp đo các chỉ số khuôn mặt.

Năm 1993, Raberin M., Laumon B., Martin J. L. khoa chỉnh nha của trường nha Lyon ở Pháp đã nghiên cứu phân tích trên 278 mẫu thạch cao của người Pháp trưởng thành chưa được can thiệp chỉnh nha. Các tác giả đã rút ra kết luận rằng không có sự khác biệt về tỷ lệ các dạng cung răng ở nam cũng như ở nữ và cung răng ở nam lớn hơn cung răng ở nữ cả về chiều rộng và chiều dài.

Năm 1996, Miyajima với nghiên cứu trên nhóm 52 đối tượng nam, nữ người Nhật, so sánh với người châu Âu thấy có sự khác biệt các số đo nhân trắc vùng mặt như góc mũi-môi của nhóm nam nữ Nhật nhỏ hơn nhóm mẫu người Châu Âu, góc trục mặt có hướng thẳng đứng, răng nhô. Nghiên cứu có giá trị giống như nhiều nghiên cứu khác, khẳng định việc áp dụng tiêu chuẩn kích thước của dân tộc này cho dân tộc khác là không phù hợp [35].

Năm 1997, Gunter và Artrobus đã báo cáo một số tiêu chuẩn mắt đẹp ở phái nữ. Đó là: Lông mày là một đường cong nhẹ không tạo thành góc, phần giữa và trung tâm rộng hơn so với phần bên. Đỉnh lông mày nằm trên mặt phẳng thẳng đứng, hơi lệch nhẹ sang bên hoặc chạm vào Limbus ngoài. Trục liên khóe mắt

nghiêng nhẹ lên trên từ khóe mắt giữa đến khóe mắt bên. Độ nhô ra trước của gờ trên ổ mắt tăng lên, lông mày rộng hơn, ít cong hơn và hướng nằm ngang hơn [9].

Năm 2001, Ibrahimagie và V.Jerolimov đã tiến hành nghiên cứu trên người Zenica, Bosnia và Herzegovina với mục đích là đánh giá lại thuyết về hình thái học của Leon Williams và tìm ra mức độ tương quan giữa hình dạng khuôn mặt và hình thể răng cửa [9], [21]. Hơn 1000 đối tượng nghiên cứu ở độ tuổi 17-24, được đo các kích thước theo chiều ngang của mặt để phân loại hình dạng mặt, đó là chiều rộng giữa 2 xương thái dương (ft- ft), chiều rộng giữa 2 xương gò má (zy- zy), và chiều rộng hàm dưới (go- go). Các kích thước theo chiều ngang của 2 răng cửa giữa hàm trên cũng được đo là chiều rộng vùng cổ răng (CW), chiều rộng thân răng giữa 2 điểm tiếp xúc với răng bên cạnh (CPW), và chiều rộng ở vùng rìa cắn (IW), kết quả thu được như sau: 83% khuôn mặt có hình ô van, 10% khuôn mặt có hình vuông, và 7% khuôn mặt có hình tam giác. Về hình dạng răng cửa: 53% dạng hình vuông, 30% dạng hình ô van, 16% dạng hình tam giác. Mức độ tương quan giữa hình dạng khuôn mặt và hình thể răng cửa giữa hàm trên chỉ là 30%.

Đến 2002, Farkas L.G và cộng sự [44] đã đánh giá khuôn mặt của nhóm người Mỹ gốc Á và nhóm người Mỹ gốc Âu bằng 9 số đo đường thẳng và đánh giá giá trị của 6 chuẩn tỷ lệ mặt tân cổ điển ở những nhóm người này. Kết quả cho thấy các kích thước ngang ở khuôn mặt người châu Á lớn hơn người châu Âu một cách có ý nghĩa. Các đặc điểm nổi bật của khuôn mặt người Á là khoảng gian mép mí trong rộng hơn còn khe mí lại ngắn hơn. Phần mềm mũi rộng hơn, chiều rộng miệng nhỏ hơn. Chiều cao mặt dưới nhỏ hơn so với chiều cao trán.

Năm 2003, Bozkir M.G., Karakas P., và Oguz O. nghiên cứu trên 5000 thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ các kích thước: khoảng cách gian mép mí trong, khoảng cách gian mép mí ngoài, khoảng cách gian đồng tử, chiều dài khe mí và chiều cao khe mí... để xác định các giá trị bình thường giúp cho chẩn đoán và điều trị [39], [40].

Năm 2003, Werli và cộng sự đã nghiên cứu một nhóm sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Strasbourg cho thấy: khuôn mặt nam lý tưởng thường thẳng hơn, cằm lồi hơn so với nữ trong khi ở nữ, môi lồi được thu hút nhiều hơn, còn các khuôn mặt quá lồi thì được đánh giá là xấu [45].

Năm 2004, Choe Kyle S sử dụng phương pháp phân tích qua ảnh, nghiên cứu trên 72 người mẫu Hàn Quốc, các kích thước khuôn mặt nhóm người mẫu nữ

Formatted: Line spacing: Multiple 1.4 li

Hàn Quốc, được đánh giá theo chuẩn tân cổ điển và so sánh với người da trắng Bắc Mỹ, kết quả cho thấy tỉ lệ đạt chuẩn tân cổ điển thấp, các so sánh với người da trắng cho thấy, chỉ có 9 trong 26 các số đo nhân trắc có sự khác biệt có ý nghĩa [46].

Năm 2004, Bisson Marcus cũng sử dụng phương pháp phân tích trên ảnh để đánh giá kích thước và sự cân xứng của môi ở một nhóm người mẫu và người bình thường [10], [30]. Các nghiên cứu trên người châu Âu cũng cho thấy rằng rất ít trường hợp đạt theo chuẩn tân cổ điển [47], [48], [38], [49].

Về sự đối xứng của khuôn mặt, theo Mc Coy, sự đối xứng tuyệt đối là một tình trạng bình thường trong đó nửa bên này của khuôn mặt là hình ảnh phản chiếu của nửa kia. Simon cho rằng sự đối xứng hai bên là đặc điểm hình thái rõ ràng hiển nhiên nhất của cơ thể, đặc biệt là phần đầu.Tuy nhiên, trong y văn cũng đã nêu rõ khuôn mặt bình thường cũng có sự không đối xứng ở mức độ nào đó, nó tạo nên điểm khác biệt mang tính chất cả thể ở khuôn mặt thẩm mỹ chứ không làm cho khuôn mặt đó xấu đi [50], [51], [52].

Năm 2010, Farias và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu trên 100 đối tượng gồm 40 nam và 60 nữ cũng kết luận không tìm thấy mối tương quan giữa khuôn mặt và răng cửa giữa hàm trên.

Năm 2011, Shah và cộng sự đã sử dụng ảnh chuẩn hoá và phần mềm chỉnh sửa ảnh, nghiên cứu trên 60 đối tượng cũng kết luận mối tương quan giữa hình dạng khuôn mặt, hình dạng răng cửa giữa và hình dạng cung răng là không đáng kể.

Hầu hết các nghiên cứu trên đã đem lại những kết quả đáng kể và được sử dụng trong phân tích khuôn mặt, kiểm định các số đo, đánh giá các chỉ số vùng mặt có sự so sánh giữa nam và nữ. Các nghiên cứu này được thực hiện trên các chủng tộc khác nhau với các độ tuổi khác nhau. Kết quả này đã đem lại giá trị đặc trưng cho từng dân tộc. Tuy nhiên, kết quả đo đạc của dân tộc này không thể mang áp dụng cho một dân tộc khác bởi sự khác nhau về quan điểm thẩm mỹ khuôn mặt ở mỗi mỗi dân tộc nó phụ thuộc và bị chi phối bởi rất nhiều các yếu tố xã hội.

Một phần của tài liệu XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ KHUÔN MẶT HÀI HOÀ CHO NGƯỜI DÂN TỘC KINH ĐỘ TUỔI 18 - 25 (Trang 41 - 43)