Nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Tran-Thi-Ngoc-Bich-VH1802 (Trang 34 - 36)

Tính đến năm 2017, dân số tỉnh Thừa Thiên – Huế có 1.154.310 người, trong đó: nam có 575.388 người, nữ có 578.922 người. Mật độ dân số là 230 người/ km2. Về phân bố dân cư, có 563.404 người sinh sống ở thành thị và 590.906 người sinh sống ở vùng nông thôn. Tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên là 632.086 người (trong đó lao động nữ là 299.037 người) [24].

Các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn của địa bàn tỉnh, có vị trí địa lý gần với trung tâm thành phố, thuận lợi để phát triển theo hướng phục vụ các dịch vụ du lịch cho khách du lịch khi đến Huế, cụ thể: trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 2.380 cơ sở sản xuất hoạt động tại 25 làng nghề truyền thống phục vụ du lịch khác nhau, với 5.980 người lao động tham gia lao động thường xuyên và 3.760 người lao động tham gia theo mùa vụ; phân bố chủ yếu ở 3 huyện Quảng Điền, Hương Thủy và Phú Vang với các tỷ lệ lao động tương ứng là 32,3%, 22,5% và 28,2%. Còn ở huyện Phong Điền, huyện Hương Trà và thành phố Huế thì số lượng làng nghề phân bổ ít hơn, với các tỷ lệ lao động tương ứng là 6,2%, 7,1% và 3,7% [9]. Điều này chứng tỏ hoạt động của các cơ sở sản xuất trong các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch mang tính thời vụ cao do ảnh hưởng của nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan như thời tiết, điều kiện sản xuất của từng cơ sở, thị trường đầu vào, thị trường đầu ra, lễ hội.

Tỉnh có một lực lượng lao động có tay nghề cao trong các làng nghề truyền thống với sự kế thừa qua nhiều thế hệ, theo thống kê sơ bộ của Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế có khoảng 1.000 thợ giỏi bậc cao và nghệ nhân [9]. Lực lượng lao động tại các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch có độ tuổi khác nhau, với trình độ tay nghề ở các mức độ khác nhau gồm: nghệ nhân, thợ bậc cao, thợ có tay nghề và đang học việc. Lực lượng lao động chủ yếu hiện nay tại các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch ở tỉnh Thừa Thiên - Huế là thợ có tay nghề với độ tuổi phổ biến là từ 18 tuổi đến 49 tuổi [9]. Đây là điều kiện thuận lợi để làng nghề truyền thống phục vụ du lịch gìn giữ được nét độc đáo, riêng có của mình, thể hiện qua bảng như sau.

Bảng 1: Phân loại lao động theo độ tuổi và trình độ tay nghề của làng nghề truyền thống phục vụ du lịch ở tỉnh Thừa Thiên - Huế

Nghệ nhân Thợ bậc cao Thợ có tay nghề Đang học việc

Độ tuổi SL TL SL TL SL TL SL TL

(người) (%) (người) (%) (người) (%) (người) (%)

Trên 65t 28 0,325 62 0,73 95 1,13 0 0

Từ 50t -64t 84 0,975 735 8,75 874 10,4 0 0

Từ 18t - 49t 0 0 59 0,7 3.907 46,7 1324 15,8

Nguồn: Báo cáo về phát triển nghề và làng nghề tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Như vậy, đội ngũ thợ có tay nghề tham gia hoạt động sản xuất ở các cơ sở sản xuất phân bố tương đối đồng đều, chiếm tỷ lệ lớn (61,7%), đây là nguồn lực khá dồi dào để phát triển công tác đào tạo nghề tại chỗ và phát triển các hoạt động du lịch tại làng nghề. Trong khi đó, số lượng nghệ nhân chiếm tỷ lệ quá thấp đồng thời lại có độ tuổi cao (trên 50 tuổi), số thợ bậc cao đang ngày càng tăng, hầu hết là các thợ có tay nghề đang tham gia lao động ở làng gốm Phước Tích, làng tranh giấy Sình, các làng nón lá truyền thống…

Là địa phương đạt tiêu chuẩn phổ cập trung học cơ sở 100% xã, phường, nhờ vậy mà trình độ văn hóa của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ (dưới 30 tuổi) khá cao. Đây là yếu tổ thuận lợi cho việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các ngành nghề nói chung và nguồn nhân lực cho việc phát triển các làng nghề truyền thống ở tỉnh nói riêng.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế có hệ thống đào tạo đại học và trên đại học với quy mô lớn. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 7 trường đại học và 5 trung tâm nghiên cứu khoa học tự nhiên – xã hội. Hệ thống các trường dạy nghề phát triển khá với 5 trường trung học chuyên nghiệp, 70 cơ sở dạy nghề, 14 trung tâm ngoại ngữ, tin học và hơn 100 cơ sở đào tạo ở quy mô nhỏ do tư nhân tự tổ chức [24]. Điển hình là trường Cao đẳng Du lịch đã trở thành nơi đào tạo chính cho nguồn nhân lực du lịch, cung cấp các lao động có tay nghề khá cao không những cho tỉnh mà còn cho khu vực các tỉnh miền Trung. Tại các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch, lực lượng lao động phải đáp ứng được yêu cầu cụ thể, đặc trưng là: ngoài khả năng và trình độ tay nghề của mình thì đồng thời phải có kỹ năng làm du lịch tại chỗ. Chính vì điều này mà đội ngũ nghệ nhân và thợ có tay nghề cao giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện thuần

thục các thao tác độc đáo của từng nghề cho du khách xem và hướng dẫn họ làm lại các sản phẩm của làng nghề trong thời gian họ tham quan và trải nghiệm tại làng nghề truyền thống.

Có thể thấy, sự phát triển của các làng nghề truyền thống và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nói chung và của làng nghề truyền thống phục vụ du lịch nói riêng đã và đang thu hút và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có việc làm ổn định và tăng thu nhập cho các hộ gia đình ở địa phương.

Một phần của tài liệu Tran-Thi-Ngoc-Bich-VH1802 (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w