Mayer và Salovey (1997) đã chứng minh rằng, các năng lực này không chỉ có quan hệ về mặt cấu trúc tâm lý mà hơn nữa chúng còn có quan hệ về qui trình thứ tự hình thành theo thứ bậc của quá trình tâm lý. Mô hình EI 97 bao gồm các năng lực:
(1) Năng lực nhận biết các cảm xúc: gồm một phức hợp các kỹ năng cho phép một cá nhân biết cách cảm nhận, thấu hiểu và biểu lộ các cảm xúc. Các năng lực cụ thể ở đây bao gồm nhận dạng những cảm xúc của mình và của người khác, bày tỏ cảm xúc của mình và phân biệt được những dạng cảm xúc mà người khác biểu lộ - thông qua những thông tin được truyền tải, tiếp nhận qua nét mặt,
giọng nói, cử chỉ, tư thế cơ thể, màu sắc và các dấu hiệu khác (như qua những câu chuyện người đó kể, sở thích âm nhạc, nghệ thuật, hoăc những điều làm người đó phấn khích…)
(2) Năng lực sử dụng các cảm xúc: năng lực này được hiểu là khả năng của một cá nhân trong việc sử dụng cảm xúc để hỗ trợ óc phán xét và tư duy; cảm xúc với những cách thức nhìn nhận mang lại các hình thái giải quyết trong nhiệm vụ của công việc khác nhau.
(3) Năng lực thấu hiểu các cảm xúc và qui luật của cảm xúc: năng lực này được hiểu là khả năng của một cá nhân trong việc hiểu rõ về cảm xúc và nguyên nhân, tiến trình phát triển của cảm xúc, bao gồm các khả năng như định nghĩa và phân biệt được các loại cảm xúc khác nhau (ví dụ sự khác biệt giữa yêu và ghét), hiểu được sự pha trộn phức tạp của các loại tình cảm và đề ra các quy luật về tình cảm: chẳng hạn sự tức giận loại bỏ được sự e thẹn, sự mất mát thường kéo theo sự buồn chán
(4) Năng lực quản lý các cảm xúc: năng lực này được hiểu là khả năng của một cá nhân trong việc kiểm soát, tự điều khiển các cảm xúc của bản thân, sắp đặt các cảm xúc nhằm hỗ trợ một mục tiêu xã hội nào đó, điều khiển cảm xúc của người khác. Ở mức độ phức tạp này năng lực cảm xúc gồm các kỹ năng cho phép cá nhân tham gia có chọn lọc vào các loại cảm xúc nào đó hoặc thoát ra khỏi những loại cảm xúc nào đó, để điều khiển, kiểm soát các cảm xúc của mình và của người khác.