Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu

Một phần của tài liệu Bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay. (Trang 34 - 38)

Thông qua việc khảo sát tình hình nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài có thể nhận thấy, nguyên tắc suy đoán vô tội, vấn đề bảo đảm thực hiện nguyên tắc này cũng như một số nguyên tắc khác trong tố tụng hình nói chung đã được nhiều tác giả nghiên cứu, tiếp cận dưới các góc độ và phạm vi khác nhau. Sự đa dạng, phong phú của các công trình nghiên cứu giúp nghiên cứu sinh có điều kiện được tiếp thu, kế thừa những kết quả đã được giới khoa học cũng như những người làm công tác thực tiễn thừa nhận, nhưng đồng thời đòi hỏi nghiên cứu sinh phải có những nghiên cứu thực sự chuyên sâu, độc lập, bảo đảm sự kế thừa có chọn lọc và tính mới cho công trình luận án của mình.

Nhìn chung các công trình có liên quan đến luận án đều đề cập đến sự cần thiết phải quy định suy đoán vô tội là nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, nội dung, ý nghĩa của nguyên tắc và đưa ra một số ý kiến nhằm bảo đảm nguyên tắc này được thực hiện trên thực tế. Một số công trình khác tuy không trực tiếp nghiên cứu về nguyên tắc suy đoán vô tội nhưng đã tạo được tiền đề về mặt lý luận cho việc nghiên cứu các nguyên tắc trong tố tụng hình sự nói chung. Có thể nói, mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về các vấn đề có liên quan đến đề tài luận án nhưng chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách chuyên sâu, toàn diện, đầy đủ về việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội. Các công trình đã công bố mới chỉ đề cập đến một hoặc một số nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội, một số công trình nghiên cứu về thực tiễn đã được thực hiện rất lâu nên không bảo đảm tính cập nhật, không thể hiện hết được tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Do đó, tác giả lựa chọn đề tài “Bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay” để nghiên cứu là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp cũng như hội nhập quốc tế.

1.3.1. Những nội dung nghiên cứu đã sáng tỏ và được luận án kế thừa

Các công trình nghiên cứu đã công bố do rất nhiều nhà khoa học thực hiện và được nghiên cứu trong thời gian dài, qua các giai đoạn khác nhau. Do đó, có nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ và được thừa nhận rộng rãi. Nghiên cứu sinh sẽ kế thừa, tiếp thu những kết quả nghiên cứu đó, làm tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo.

Về mặt lý luận, các công trình khi nghiên cứu về các nguyên tắc trong tố tụng hình sự đều khẳng định nguyên tắc trong tố tụng hình sự là những phương châm, định hướng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Nguyên tắc suy đoán vô tội mới được chính thức ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, nguyên tắc này chưa được ghi nhận thực sự đầy đủ. Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định nguyên tắc “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật” mới chỉ thể hiện được một phần nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội. Đến thời điểm hiện tại, các công trình nghiên cứu đều khẳng định suy đoán vô tội là một nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.

Về thực tiễn lập pháp và thực tiễn áp dụng pháp luật: nhiều công trình nghiên cứu đã thể hiện một cách rất đầy đủ thực tiễn lập pháp về nguyên tắc suy đoán vô tội cũng như việc áp dụng nguyên tắc này trên thực tiễn. Từ đó, các nghiên cứu đề xuất ý kiến, sửa đổi quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, nêu giải pháp bảo đảm thực hiện nguyên tắc. Với những giải pháp có tính chiến lược, lâu dài, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trên thực tế, tác giả vẫn tiếp tục kế thừa trong luận án. Những nội dung đã được thừa nhận rộng rãi:

- Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử và kết tội;

- Thời điểm một người bị coi là có tội là khi bản án kết tội họ của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

- Mọi nghi ngờ trong quá trình giải quyết vụ án phải được giải thích theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo.

- Khi không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo quy định của pháp luật, cơ quan, người có thẩm quyền phải kết luận người đó không có tội.

1.3.2. Những vấn đề liên quan đến luận án nhưng chưa được giải quyết thấu đáo

Về mặt lý luận, trong số các công trình nghiên cứu về nguyên tắc trong tố tụng hình sự mới chỉ tiếp cận nguyên tắc này trong phạm vi nhất định. Đa số các công trình đều tập trung làm rõ nội dung, ý nghĩa của nguyên tắc, tuy nhiên trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nội dung nguyên tắc mới được ghi nhận một cách chính thức và đầy đủ, do đó các công trình nghiên cứu đã công bố chưa thể có cái nhìn toàn diện về tất cả các nội dung của nguyên tắc. Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đưa ra chủ thể của nguyên tắc là “không ai”, Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lại quy định chủ thể của nguyên tắc suy đoán vô tội là “người bị buộc tội”. Vậy phạm vi hai chủ thể rộng hẹp, khác nhau như thế nào, “người bị buộc tội” là những người nào vẫn còn nhiều quan điểm tranh cãi và chưa được làm sáng tỏ. Đối với việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc tố tụng hình sự: có rất ít công trình nghiên cứu về vấn đề này và cũng chưa làm rõ được thế nào là bảo đảm thực hiện nguyên tắc, cơ chế bảo đảm cũng như các biện pháp bảo đảm. Suy đoán vô tội là một nguyên tắc trong tố tụng hình sự, bảo đảm thực hiện nguyên tắc này cũng chính là bảo đảm quyền con người, một vấn đề đang được cả thế giới quan

tâm và còn nhiều vấn đề cần bàn luận. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có công trình nghiên nào đề cập được mối liên hệ mật thiết giữa hai nội dung này.

Về mặt thực tiễn, qua nghiên cứu thực tiễn các quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội cho thấy, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định quyền được suy đoán vô tội của người bị buộc tội và Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 qui định nguyên tắc suy đoán vô tội; trên đây là hai văn bản ghi nhận cụ thể về nguyên tắc suy đoán vô tội; còn Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chưa có sự ghi nhận chính thức. Các công trình chủ yếu nghiên cứu quy định, Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nên chưa thể hiện được hết nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội. Đồng thời, trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung thêm nhiều điều luật cụ thể hóa nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội. Do đó cần thiết phải nghiên cứu, làm rõ hơn để bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội của pháp luật tố tụng hiện nay tại Việt Nam. Xuất phát từ hạn chế trong quy định của pháp luật nên thực tiễn áp dụng nguyên tắc như thế nào và thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội còn chưa thực sự hiệu quả. Sự cần thiết phải bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, do đó, các công trình nghiên cứu đã công bố mới chỉ nghiên cứu được nội dung thực trạng áp dụng nguyên tắc theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, hơn nữa Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có hiệu lực, nguyên tắc suy đoán vô tội đã được ghi nhận tại Điều 13; nên cần thiết nghiên cứu sao cho nguyên tắc này được bảo đảm thực hiện trong thực tiễn của hoạt động tố tụng.

Về các giải pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự năm2003 chưa ghi nhận nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội một cách đầy đủ, do đó các kiến nghị trong các công trình nghiên cứu khoa học trước đây chủ yếu tập trung đưa ra đề xuất nhằm hoàn thiện nguyên tắc về mặt nội dung. Trong khi đó, về cơ bản, những thiếu sót trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 khắc phục. Do đó, các giải pháp này đã không còn tính cập nhật. Ngoài ra, các công trình khoa học khác có nghiên cứu về việc đưa ra giải pháp bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội không nhiều và cũng chưa thể hiện được hết đòi hỏi của thực tiễn.

1.3.3. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu

Qua việc khảo cứu và đánh giá tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án, tác giả tiếp thu, kế thừa những kết quả đã được làm sáng tỏ và thừa nhận, đồng thời tiếp tục nghiên cứu những vấn đề sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ khái niệm, đặc điểm, nội dung, ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội, các vấn đề lý luận về bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự trên thực tế theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thực trạng các quy định pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự ở Việt Nam.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu và khảo sát toàn diện, tổng kết thực tiễn dưới góc độ khoa học về việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự Việt Nam để đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân của nó.

Bốn là, nghiên cứu, làm rõ các yêu cầu mới đặt, và xây dựng các giải pháp có tính chiến lược, phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu bảo vệ quyền con người nói chung và quyền con người trong tố tụng hình sự nói riêng đối với việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội.

Một phần của tài liệu Bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay. (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w