Hiện nay quy chế kiểm sát việc tạm giữ tạm giam và thi hành án hình sự ban hành kèm theo quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSNDTC thay thế quy chế ban hành kèm theo quyết định số 35/QĐ-VKSTC-V4 ngày 29/01/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã sửa đổi, bổ sung căn bản, toàn bộ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi, đối tượng, nội dung của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
Tuy nhiên một số nội dung trong quy chế vẫn chỉ mang tính chất tổng hợp, định hướng cho hoạt động kiểm sát mà chưa đi sâu vào việc hướng dẫn trình tự tiến hành đối với từng hoạt động kiểm sát thi hành án hình sự.
Thứ nhất: Theo khoản 2, Điều 41 quy chế ban hành kèm theo quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSNDTC quy định: Theo yêu cầu của cấp ủy, Hội đồng nhân dân hoặc khi xét thấy cần thiết, Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát đột xuất trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự. Chúng tôi thấy rằng quy định như trên rất chung chung và không phát huy hiệu quả trong thực tiễn kiểm sát, thực tế rất ít khi kiểm sát đột xuất. Vì mục đích của kiểm sát đột xuất là nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm của các chủ thể được kiểm sát. Do đó cần quy định bắt buộc phải kiểm sát đột xuất và ấn định số lần kiểm sát đột xuất trong tuần hoặc trong tháng như vậy mới phát huy hiệu quả của hoạt động kiểm sát này.
Thứ hai: Điều 42, 43 quy chế ban hành kèm theo quyết định số 501/QĐ- VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSNDTC quy định về thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị cũng chưa chỉ rõ được vi phạm nào là vi phạm nghiêm trọng để kháng nghị, vi phạm nào là vi phạm ít nghiêm trọng để kiến nghị, việc quy định chung chung dẫn đến trên thực tiễn gặp nhiều khó khăn. Do đó cần sớm sửa đổi quy chế, quy định chi tiết các vi phạm nào thì kháng nghị, vi phạm nào thì kiến nghị.
Thứ ba: Cần bổ sung vào quy chế nội dung cơ quan có thẩm quyền kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân đang chấp hành án tại Nhà tạm giữ là VKSND cấp tỉnh, nơi phạm nhân đang chấp hành án. Vì thực tiễn hiện nay vẫn còn vướng mắc. Nghiên cứu bổ sung VKSND cấp huyện có trách nhiệm báo cáo các trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại nhà tạm giữ đủ điều kiện tha tù trước thời hạn để VKSND cấp tỉnh chủ động yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ.
2..2. Giải pháp khác
- Cần bố trí Kiểm sát viên, cán bộ có kinh nghiệm làm công tác thi hành án hình sự.
- Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, kiểm sát viên VKSND trong công tác THAHS.
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các ngành liên quan trong hoạt động kiểm sát THAHS của VKSND.
- Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và chế độ chính sách đối với kiểm sát viên trong công tác thi hành án hình sự.
- Xây dựng mối quan hệ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền với nhau và mối quan hệ phối hợp với Viện kiểm sát trong việc thực hiện các quy định của pháp luật và chức năng nhiệm vụ của mỗi ngành, mỗi đơn vị trong việc thi hành án hình sự.
Tiểu kết chương 2
Công tác thi hành án hình sự đóng vai trò quan trọng trong việc đưa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực được thi hành trên thực tế. Trong thời gian qua công tác kiểm sát thi hành án hình sự đã có những kết quả đáng ghi nhận, chất lượng khâu công tác này từng bước được tăng cường, góp phần đảm bảo quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, đồng thời thực hiện tốt cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực xâm phạm hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, công tác này có lúc, có nơi chất lượng, hiệu quả còn hạn chế, chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu; một số vụ việc vi phạm của Trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ trong đó có vụ việc vi phạm nghiêm trọng nhưng chưa được Viện kiểm sát phát hiện kịp thời. Những hạn chế này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo, kiểm sát viên, công chức đối với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này chưa đầy đủ, lực lượng kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án hình sự còn thiếu và yếu nhưng chưa được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ. Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác kiểm sát thi hành án hình sự, trong thời gian qua VKSNDTC đã có nhiều chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng khâu công tác này, đồng thời sửa đổi, bổ sung quy chế kiểm sát nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động kiểm sát.
Các cơ quan Tòa án, Cơ quan thi hành án hình sự, Trại tạm giam, Trại giam, Ủy ban nhân dân cấp xã còn nhiều vi phạm trong việc thực hiện các quy định về thi hành án hình sự. Mặc dù Viện kiểm sát đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm nhưng những vi phạm vẫn không giảm và lặp đi lặp lại.
Mặc dù BLTTHS 2015, Luật THAHS có hiệu lực có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến công tác thi hành án hình sự nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Nhiều quy định của BLTTHS 2015 vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát dẫn đến thực tiễn áp dụng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến công tác kiểm sát thi hành án hình sự của Viện kiểm sát. Việc sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về thi hành án hình sự là yêu cầu cấp thiết đặt ra.
KẾT LUẬN CHUNG
Thi hành án hình sự thực chất là sự tiếp tục của quá trình tố tụng hình sự nhằm đảm bảo thực thi có hiệu quả những bản án, quyết định hình phạt của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Hoạt động này vừa phải đảm bảo tính tổ chức cao, vừa mang tính chấp hành, điều hành rõ rệt và được thực thi trên thực tiễn.
Hoạt động của VKS trong việc kiểm sát thi hành án hình sự có vai trò quan trọng đã được chứng minh qua thực tiễn, trước yêu cầu cấp bách hiện nay vai trò của Viện kiểm sát ngày càng quan trọng.
Luận văn Thạc sỹ: “Hoạt động của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc thi hành án hình sự từ thực tiễn tỉnh Tuyên Quang” gồm 2 chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận và quy định của pháp luật về hoạt động của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc thi hành án hình sự.
Chương 2: Thực tiễn hoạt động của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc Thi hành án hình sự tại tỉnh Tuyên Quang và một số giải pháp nâng cao hiệu quả.
Luận văn đã giải quyết tốt mục đích: Bổ sung hệ thống lý luận về thi hành án hình sự ở nước ta hiện nay; đánh giá thực tiễn hoạt động của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc thi hành án hình sự tại tỉnh Tuyên Quang; chỉ ra những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập đó; đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành án hình sự.
Do trình độ và thời gian nghiên cứu có hạn, mặt khác thi hành án hình sự là một lĩnh vực khó; mặc dù tác giả đã có nhiều cố gắng nhưng chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, kính mong được các thầy cô giáo và các nhà khoa học góp ý bổ sung để nội dung của luận văn được hoàn thiện.