Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 95%). Thế nên, có thể thấy ngay rằng nguồn lực xuất phát từ nội tại doanh nghiệp là không lớn. Nhưng cơ bản vẫn có thể chia các dạng nguồn lực này như sau:
- Nguồn lực mang tính kỹ thuật:
Nguồn lực này cơ bản gồm có 2 loại chính đó là hệ thống văn bản, quy định có liên quan tới CSR đã có trong doanh nghiệp (1) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho CSR (2).
Hệ thống văn bản, quy định liên quan tới CSR: còn thiếu và yếu.
Người ta dễ thấy được nổi bật nhất số này là “Bộ quy tắc ứng xử - Code of Conduct” của doanh nghiệp. Theo ý kiến của tiến sĩ Cao Thu Hằng10, hiện Việt Nam chưa có bộ quy tắc ửng xử riêng cho cả tầm quốc gia lẫn doanh nghiệp. Hiện nay, việc thực hiện các bộ quy tắc ứng xử của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các bộ quy tắc ứng xử của các doanh nghiệp hay các tổ chức nước ngoài khi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường xuất khẩu. Với khoảng 1000 bộ quy tắc
10
ứng xử trên thế giới11, doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực thi và hay gặp phải kiện tụng từ đối thủ cạnh tranh về vấn đề này. Hiện có rất ít doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được cho mình bộ quy tắc ứng xử như Vinamilk.
Hạ tầng kỹ thuật cho CSR: còn yếu và chưa được quan tâm.
Tuy nhiên, mỗi loại hình doanh nghiệp, khả năng về hạ tầng kỹ thuật là khác nhau và đòi hỏi về CSR cũng không giống nhau. Do đó, mỗi doanh nghiệp sẽ tùy biến theo khả năng về hạ tầng kỹ thuật cũng như chiến lược của mình để xây dựng chiến lược CSR phù hợp.
- Nguồn lực về con người: không được đánh giá cao.
Nhìn chung, nhận thức về CSR đối với doanh nghiệp và xã hội Việt Nam là chưa cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể đào tạo được những đội ngũ dẫn dắt CSR như của Toyota, sau đó là nâng cao nhận thức của người lao động về CSR. Từ đó, có thể tin rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực về con người để hiện thực hóa những chính sách CSR.
Một điểm đáng chú ý trong nguồn lực con người và CSR đó là “Người lãnh đạo” của doanh nghiệp. Thật thú vị khi thấy rằng, các doanh nghiệp Việt Nam khá thành công với CSR như Vinamilk, Mai Linh, FPT đều có những người lãnh đạo có uy tín và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong tổ chức. Dĩ nhiên, các vị lãnh đạo này đều là những con người có quan điểm nhất quán và quyết tâm thực hiện CSR. Nhưng những vị lãnh đạo như thế này trong giới doanh nghiệp Việt Nam là chưa nhiều, cho nên đây sẽ là một khó khăn cho việc thực hiện CSR tại Việt Nam.
- Nguồn lực về tài chính: Hạn chế
Như đã nói, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô nhỏ và vừa. Vì thế tài chính không phải là điểm mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực hiện CSR. Vẫn biết không phải chỉ thực hiện CSR khi doanh nghiệp đã “giàu” nhưng một doanh nghiệp “nghèo” sẽ gặp vô vàn khó khăn nếu thực hiện CSR đúng nghĩa. Và trên thực tế, khó khăn về nguồn tài chính vẫn là rào cản lớn nhất ngăn cản doanh nghiệp Việt Nam đến với CSR một cách rầm rộ.