2.1.1.1. Hoa Kỳ
Cơ quan chịu trách nhiệm thực thi các biện pháp đảm bảo công bằng
trong thương mại quốc tế (trade remedies) của Hoa Kỳ gồm có Bộ thương
mại (Department of Commerce - DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế (International Trade Commission – ITC).
DOC là cơ quan hành pháp có trách nhiệm và vai trò điều tra, xem xét là hàng hóa nhập khẩu có bị bán phá giá và nếu có biên độ phá giá (trong các vụ chống bán phá giá) là bao nhiêu. ITC là một cơ quan độc lập được Quốc hội thành lập năm 1916 dưới tên gọi Ủy ban thuế quan Hoa Kỳ. Sau đó luật thuế năm 1974 đã đổi tên cơ quan này thành Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ như hiện nay. ITC có nhiệm vụ điều tra, xem xét, phân tích về việc hàng nhập khẩu bị bán phá giá có phải là nguyên nhân gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước hay không.
Với lịch sử hình thành và phát triển gần 100 năm, Hoa Kỳ cũng là nước khởi kiện các vụ chống bán phá giá nhiều nhất từ trước đến nay. Đặc biệt khi tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập ngày 01/01/1995, các vụ kiện thương mại hầu như chỉ là vũ khí của các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Canada, Úc,… Trong giai đoạn 1995-2005, các nước đang phát triển đã tăng cường việc sử dụng công cụ bảo hộ hiệu quả này, tuy nhiên với kinh nghiệm hoạt động của mình, Hoa Kỳ vẫn là nước đi đầu trong việc vận dụng
các biện pháp này và là nơi tiên phong trong việc đưa ra những quy tắc mới giúp cho thứ vũ khí này càng thêm sắc bén (ví dụ quy tắc “Zeroing – đưa về 0” hay Tu chính Byrd) [2].
Trong Bộ Thương mại Hoa Kỳ có Vụ nhập khẩu phụ trách thực thi giải quyết các công việc cụ thể cho áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp. Vụ nhập khẩu có các chức năng nhiệm vụ sau: Điều tra về vụ việc chống bán phá giá; Ra quyết định chính thức về việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá; Ra quyết định về thỏa thuận đình chỉ; Rà soát hành chính để xác định mức thuế chống bán phá giá chính thức; Thực hiện các thủ tục rà soát khi có sự thay đổi hoàn cảnh.
Trong quá trình điều tra chống bán phá giá ITC chịu trách nhiệm: Điều tra thiệt hại; Tham gia vào quá trình điều tra trong thủ tục rà soát khi có sự thay đổi hoàn cảnh. ITC không có trách nhiệm trong rà soát hành chính. Mỗi khi có sự việc chống bán phá giá xảy ra, ITC sẽ thành lập một nhóm đặc trách vụ việc (task force) gồm đại diện từ các phòng dưới đây:
+ Phòng điều tra (Office of Investigation) + Phòng kế toán (Office of Economics) + Phòng kế toán (Office of Accounting) + Phòng công nghiệp (Office of Industry)
+ Phòng Luật sư trưởng (Office of General Counsel)
Nhóm đặc trách này có nhiệm vụ theo dõi vụ việc, gửi câu hỏi cho các bên và chuẩn bị một bản báo cáo tóm tắt thông tin để hỗ trợ cho việc phân tích của cá Ủy viên Hội đồng. Ngoài ra, mỗi Ủy viên sẽ có chuyên viên hỗ trợ phân tích thông tin và bằng chứng để đưa ra quyết định sơ bộ.
Ngoài ra, ITC còn có trách nhiệm giải quyết các vấn đề tự vệ toàn cầu và điều tra các hành vi nhằm phá vỡ thị trường theo Luật thương mại 1974. Theo Điều luật về Tự vệ toàn cầu (Điều 201 Luật thương mại Hoa Kỳ 1974),
khi ITC xác định được một hàng hóa đang nhập khẩu vào Hoa Kỳ với số lượng lớn và chắc chắn là nguyên nhân gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành cho ngành sản xuất nội địa, họ sẽ kiến nghị lên Tổng thống các biện pháp ngăn chặn hành vi đó. Tổng thống sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về hình thức và thời hạn áp dụng các biện pháp như tăng thuế nhập khẩu, ấn định hạn ngạch, các biện pháp điều chỉnh.
Theo quy định của luật Hoa Kỳ, Ủy ban thương mại quốc tế thường có 6 ủy viên được phân chia đều cho hai Đảng lớn nhất của nước này là Đảng Cộng hòa và Đảng dân chủ, một Đảng sẽ có 3 ủy viên. Mục đích của việc phân chia đều này nhằm đảm bảo được tính đối trọng trong Ủy ban khi xem xét và đưa ra quyết định về một vấn đề nào đó được khách quan và công bằng. Hơn nữa vị trí và vai trò của Ủy ban được coi là một cơ quan tư pháp và hoạt động hoàn toàn độc lập với cơ quan hành pháp. Vì là cơ quan bán tư pháp nên trong toàn bộ quá trình xem xét và giải quyết các vụ việc chống bán phá giá, Tổng thống – người đứng đầu cơ quan hành pháp – cũng không thể can thiệp vào công việc của cơ quan mang tính chất tư pháp như vậy. Điều này có thể lý giải được tại sao, các chuyên gia tư vấn pháp lý thường khuyên các nước xuất khẩu không nên quá tập trung vấn đề vận động hành lang vào ITC, điều đó gần như không thể, đặc biệt đối với những quốc gia có sự phân chia quyền lực đối trọng tam quyền phân lập mà thay vào đó nên tập trung việc vận động hành lang vào cơ qua hành pháp của Hoa Kỳ.
Hai cơ quan này sử dụng những chứng cứ được cung cấp hoặc tiến hành những hoạt động nghiệp vụ độc lập để thu thập và xử lý thông tin nhằm đưa ra những quyết định thuộc thẩm quyền một cách đúng đắn. Kết luận cuối cùng về kết quả điều tra của mỗi cơ quan sẽ quyết định đến việc tiếp tục điều tra và việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ chỉ được áp dụng khi DOC và ITC cùng đưa ra kết luận khẳng định
có bán phá giá và có thiệt hại cũng như mối quan hệ nhân quả giữa chúng; một khi kết luận của ITC là không tồn tại thiệt hại thì tiến trình điều tra ở cả hai cơ quan đều chấm dứt. Cách phân chia quyền hạn trong quá trình điều tra theo kiểu của Hoa Kỳ làm cho quá trình điều tra các vụ việc chống bán phá giá có vẻ rất khách quan và đảm bảo sự đúng đắn trong các quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2.1.1.2. Việt Nam
Theo Pháp lệnh chống bán phá giá, cơ quan điều tra trực thuộc Bộ Công thương có nhiệm vụ điều tra, rà soát vụ việc chống bán phá giá và trong trường hợp cần thiết kiến nghị Bộ trưởng ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời [41, Điều 7, khoản 2, điểm a].
Nghị định 06/2006/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 09 tháng 01 năm 2006 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh (viết tắt là VCAD) quy định:
Cục Quản lý cạnh tranh là tổ chức trực thuộc Bộ Công thương có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp với các DN, hiệp hội ngành hàng trong việc đối phó với các vụ kiện trong thương mại quốc tế liên quan đến bán phá giá,trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ. Cục Quản lý cạnh tranh có tư cách pháp nhân,có con dấu hình Quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, được sử dụng con dấu riêng để giao dịch theo quy định của pháp luật. Kinh phí hoạt động của Cục Quản lý cạnh tranh do ngân sách nhà nước cấp [ 10, Điều 1, Khoản 1, 2].
Các quy định hiện hành về vị trí pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của VCAD liên quan đến vụ việc chống bán phá giá còn khá đơn
giản, chủ yếu đề cập đến các vấn đề sau:
Thứ nhất, pháp luật đã ghi nhận một số nhiệm vụ và quyền hạn của
VCAD là:
Tiến hành điều tra để áp dụng các biện pháp chống bán phá giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Pháp lệnh chống bán phá giá. Khi thực hiện nhiệm vụ điều tra, cơ quan này có quyền yêu cầu các bên liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến vụ việc; tổ chức tham vấn với các bên; công bố các kết luận điều tra; kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét, quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời, xem xét chấp nhận, không chấp nhận hoặc điều chỉnh nội dung cam kết; tiến hành rà soát việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá theo quyết định của Bộ trưởng [10].
Ngoài ra, VCAD còn có nhiệm vụ:
Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách có liên quan đến các lĩnh vực cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ [10].
Như vậy, liên quan đến chống bán phá giá, VCAD có thẩm quyền điều tra
đồng thời việc bán phá giá của hàng hoá nhập khẩu cũng như xác định thiệt hại
cho ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ giữa hai yếu tố này. Cách thức trao quyền điều tra cho một cơ quan duy nhất theo PLVN giống với các nước