Kết quả đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Một phần của tài liệu Báo Cáo Thực Tập Thực trạng đầu tư xây dựng cơ bản ở tỉnh Tuyên Quang (Trang 47 - 52)

5 Kết cấu đề tài

2.3.1.1 Kết quả đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hàng năm đã có rất nhiều công trình xây dựng hoàn thành và được đưa vào khai thác sử dụng, đã mang lại những hiệu quả to lớn cho nền kinh tế, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 2006 – 2010, cùng với sự đổi mới và phát triển kinh tế chung toàn tỉnh, cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng tích cực, các ngành kinh tế quan trọng có tốc độ phát triển khá, ngành xây dựng cơ bản với vai trò quan trọng của mình cũng thu được kết quả khả quan. Qua đó tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông trong tỉnh, cũng như tạo thêm sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Để thấy được kết quả đầu tư XDCB trên địa bàn tỉnh, ta xét các chỉ tiêu kết quả kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2006 – 2010, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng là 24,25%; các ngành dịch vụ là 37,14%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản là 38,62%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, các ngành dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thuỷ sản.

Năm 2010, GDP theo giá hiện hành đạt 9.239 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 12,6 triệu đồng/năm (tương đương 702 USD); Giá trị GDP theo giá cố định tăng 69,34% so với năm 2006.

Trong giai đoạn 2006 – 2010, phần lớn nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được phân bổ cho các ngành, các lĩnh vực mũi nhọn, có tầm quan trọng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội và đã thu được một số kết quả chủ yếu như sau.

Về mạng lưới giao thông

Vốn đầu tư cho giao thông giai đoạn 2006 – 2010 đạt trên 2.803 tỷ đồng. Về cơ bản, đến nay mạng lưới giao thông của tỉnh Tuyên Quang đã được phát triển và phân bổ tương đối hợp lý, từ đông sang tây, từ bắc về nam đảm bảo thuận lợi phục vụ cho sự phát triển chung của tỉnh, giao lưu, đi lại của nhân dân trong và ngoài tỉnh, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Trong 5 năm qua, ngành giao thông vận tải tỉnh đã thực hiện rất nhiều dự án cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông quan trọng như: Mở mới, cải tạo, nâng cấp 426 km quốc lộ và đường tỉnh (trong đó một số tuyến đường quan trọng như Quốc lộ 2, Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 279), 504 km đường huyện, 116 km đường đô thị, 56 km đường nội bộ khu công nghiệp, khu du lịch; xây dựng 133 cầu; cải tạo trên 1.490 km giao thông nông thôn; kết cấu mặt đường bao gồm các loại: cấp phối, thâm nhập nhựa và bê tông. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn, 96,3% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm. Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020.

Hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp

Tổng vốn đầu tư cho nông, lâm, ngư nghiệp là 2339,9 tỷ đồng, bao gồm các dự án xây dựng kè bảo vệ chống sạt lở hai bờ sông Phó Đáy, khu vực thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương với tổng mức đầu tư phê duyệt là 114,3 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ và nguồn vốn ngân sách nhà nước; xây dựng và hoàn thiện tuyến đê Vĩnh Lợi – Lâm Xuyên, đoạn thuộc xã Cấp Tiến dài 5 km thuộc huyện Sơn Dương với tổng mức đầu tư 43 tỷ đồng, nâng cấp 298 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 2.005 km kênh mương, xây dựng 180 công trình đập dâng bằng rọ thép,… các công trình này sẽ góp phần vào việc phòng chống lũ lụt, sạt lở trên địa bàn, giảm thiểu hậu quả của thiên tai, lũ lụt tới sản xuất và đời

sống người dân. Về thủy sản, nâng cấp các trại sản xuất giống thủy sản tại huyện Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng, cung cấp đủ và hiệu quả cho người dân các loại giống có chất lượng tốt với số lượng lớn đúng theo nhu cầu của người dân, nâng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 17 tỷ đồng năm 2005 lên 35 tỷ đồng vào năm 2010.

Hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp

Giai đoạn 2006 – 2010, với tổng vốn đầu tư của các dự án công nghiệp trên 1.250,56 tỷ đồng, đã hoàn thành 18 dự án đưa vào sản xuất, như: Nhà máy luyện Feromangan, nhà máy gạch Tuynel, nhà mát sản xuất Cao lanh – Fenspat, nhà máy luyện Thiếc tại huyện Sơn Dương...Đang triển khai đầu tư 12 dự án, trong đó một số dự án quy mô lớn như: Nhà máy bột và giấy An Hoà, Nhà máy xi măng Tân Quang, Nhà máy luyện gang, Nhà máy sản xuất phôi thép, Nhà máy hợp kim sắt,...Đầu tư các công trình hạ tầng trong khu công nghiệp Long Bình An, quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch.

Mạng lưới điện

Công trình thuỷ điện Tuyên Quang có công suất thiết kế 342 MW với tổng mức vốn đầu tư là 7.500 tỷ đồng, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư và Tổng công ty Sông Đà làm tổng thầu xây dựng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2008 đã làm thay đổi bộ mặt tỉnh, ở các xã vùng sâu, vùng xa 100% số xã và trên 95% số thôn, bản có điện, tỷ lệ hộ sử dụng điện chiếm 94,9%. Đây là công trình trọng điểm của đất nước với công suất lớn thứ 3 của miền Bắc sau nhà máy thuỷ điện Sơn La và Hoà Bình.

Hệ thống cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường

Tuyên Quang đã và đang tổ chức đầu tư xây dựng nhằm tăng số người được sử dụng nước sạch, trong đó tỷ lệ dân ở khu vực thành thị được sử dụng nước sạch là 100%, tỷ lệ dân ở vùng nông thôn được sử dụng nước sạch là 67,5% tính đến năm 2010. Những năm qua, tỉnh đã trú trọng đầu tư xây dựng các công trình

cấp nước trung và cấp nước nhỏ để cho nhân dân miền núi cao và nông thôn sử dụng nhằm đạt trên 75% dân số Tuyên Quang được sử dụng nước sạch.

Trong giai đoạn 2006 – 2010 đã có rất nhiều dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng, những dự án mới như dự án thoát nước và sử lý nước thải thành phố Tuyên Quang với tổng vốn đầu tư 216,3 tỷ đồng, dự án vệ sinh môi trường nông thôn, đã có 13,6 tỷ đồng . Trong đó có 5 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 5 công trình nhà vệ sinh cho trường học, 35 công trình xử lý chất thải và biogas, 347 công trình vệ sinh hộ nghèo.

Các công trình giáo dục và đào tạo

Cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục được đầu tư, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học giai đoạn I, thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên cơ bản đã đảm bảo tiến độ đề ra. Hoàn thành xây dựng 2.193 phòng học, tiếp tục xây dựng 2.800 phòng học, trên 1.100 gian nhà công vụ cho giáo viên, có 52 trường đạt tiêu chuẩn quốc gia. Mạng lưới trường lớp đã được qui hoạch khá hợp lý, đã tạo thuận lợi cho trẻ em đến trường và đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. Các công trình cải tạo, nâng cấp trang thiết bị phòng học, xây dựng các phòng học bộ môn, thư viện cho các trường học trên toàn tỉnh, xây dựng các phòng giáo dục thể chất đa năng cho các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở đã từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Kết quả đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn vừa qua không thể không tính đến việc đầu tư xây dựng các trường cao đẳng, trung cấp kỹ thuật, trường dạy nghề nhằm phục vụ nhu cầu lao động có tay nghề tại chỗ trên địa bàn tỉnh cũng như cung cấp lao động có tay nghề, chất lượng cho các tỉnh lân cận.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 149 trường mầm non phân bố đều cho các huyện và thành phố. Đa số các trường mầm non đã cung cấp đầy đủ các phòng học và các trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồ chơi giành cho trẻ trong và ngoài trời. Tính tới hết năm 2010 trên địa bàn tỉnh có 152 trường tiểu học và 142 trường trung học cơ sở với số học sinh tương ứng là 57.847 học sinh và 48.594

học sinh. Tuy số phòng học mới được xây dựng khá nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng, đảm bảo cho nhu cầu dậy mà học của học sinh và giáo viên trên địa bàn. Tỉnh cũng có 28 trường trung học phổ thông, nhưng do địa bàn rộng nên số một số học sinh khối trung học phổ thông phải đi học xa.

Về y tế

Tỉnh Tuyên Quang có 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 8 bệnh viện tuyến huyện; 100% các xã có trạm y tế và phòng khám đa khoa. Số bác sỹ trên 10.000 dân là 6 bác sỹ, số giường bệnh trên 10.000 dân là 18 giường bệnh.

Tỉnh đã hoàn thành và từng bước triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế. Mạng lưới y tế được củng cố, các bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, triển khai một số kỹ thuật cao trong chuẩn đoán và điều trị, như bệnh viện đa khoa huyện Na Hang, Chiêm Hoá, Yên Sơn, Sơn Dương, bệnh viện khu C – Yên Hoa huyện Na Hang, các phòng khám đa khoa tại các xã. Đội ngũ cán bộ y tế tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm củng cố, hoạt động có hiệu quả hơn.

Về văn hoá, thông tin, thể thao

Hoàn thành đầu tư xây dựng Chương trình phát thanh tiếng dân tộc, tiếp sóng VTV2, tách kênh truyền hình địa phương của Đài Phát thanh truyền hình tỉnh; lắp đặt máy phát sóng chương trình VTV5 tại 2 huyện Na Hang và Chiêm Hoá; tăng kỳ báo Tuyên Quang, Báo Tân Trào và xuất bản báo Tuyên Quang điện tử. Tỷ lệ dân số được phủ sóng phát thanh và truyền hình cơ bản đạt kế hoạch (Tính đến năm 2010, số hộ xem được Đài truyền hình Việt Nam là 151.023 hộ chiếm 87%, số hộ nghe được Đài tiếng nói Việt Nam là 156.321 hộ chiếm 97%). Phong trào văn nghệ quần chúng, phong trào “Toàn dân đoạn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục được đẩy mạnh. Số xã, phường, thị trấn có nhà văn hoá xã là 113 xã, phường.

Công tác phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử, kháng chiến, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc thiểu số, đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá

thiết yếu được chú trọng. Cùng với đẩy mạnh xã hội hoá xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và phát triển phong trào thể dục, thể thao trong nhân dân.

Tóm lại: Kết quả đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 – 2010 là rất to lớn và có ý nghĩa quan trọng. Các đô thị trong tỉnh được đổi mới khang trang sạch đẹp, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, các nhà máy, xí nghiệp được xây dựng với tốc độ khá nhanh, hệ thống giao thông rất thuận lợi. Với kết quả ấy đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế- xã hội của Tuyên Quang từ khi mới tái lập đến nay và đã tạo tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đến năm 2020 Tuyên Quang trở thành tỉnh công nghiệp.

Một phần của tài liệu Báo Cáo Thực Tập Thực trạng đầu tư xây dựng cơ bản ở tỉnh Tuyên Quang (Trang 47 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)