II. QUY TRÌNH HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CỦA CÁN BỘ CÔNG TÁC XÃ HỘI XÃ/PHƯỜNG
2.1 Tiếp cận và đánh giá vấn đề
Tiếp cận và đánh giá vấn đề là giai đoạn đầu tiên cán bộ CTXH bắt đầu tiến trình hỗ trợ. Trong quá trình tiếp cận người nghiện và gia đình, cán bộ CTXH cần tạo dựng niềm tin với thân chủ và làm rõ vai trò hỗ trợ của mình. Tiếp đến cán bộ CTXH tập trung vào thu thập thông tin và đánh giá vấn đề. Cần chú ý khai thác các khía cạnh về tâm lý, thể chất, tâm thần, kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nghiện.
Trong giai đoạn này, cán bộ CTXH cần:
- Nắm chắc những thông tin về nhân khẩu học; Mối quan hệ với gia đình và bạn tình; Học vấn và việc làm; Vấn đề liên quan tới luật pháp; Điều kiện sống;
- Thảo luận về tình trạng sức khỏe tâm thần và điều trị y tế của người nghiện: Cán bộ CTXH phải xác định được dịch vụ y tế và dịch vụ tâm lý nào người nghiện cần được giới thiệu tới để được can thiệp kịp thời, hiệu quả và toàn diện;
- Tìm hiểu những thông tin về quá trình sử dụng ma túy trước đây và hiện tại là rất cần thiết để đánh giá tình hình thực tại của người nghiện;
- Tìm hiểu những nguy cơ liên quan đến hành vi tình dục của người nghiện để có thể giúp cho họ đưa ra được quyết định một cách có cơ sở làm thế nào để giảm các tác hại liên quan đến những hành vi nguy cơ của họ;
- Tìm hiểu những vấn đề bệnh tật hiện nay thân chủ đang gặp phải ví dụ như nhiễm HIV, mắc phải những bệnh lây truyền khác như viêm gan B, C, ...;
- Đánh giá những khó khăn mà người nghiện và gia đình họ đang phải đối mặt; - Đánh giá nhu cầu cần sự trợ giúp của người nghiện ví dụ như nhu cầu chăm sóc sức
khoẻ, nhu cầu điều trị y tế, nhu cầu các dịch vụ xã hội hỗ trợ như tham vấn tâm lý.