II. QUY TRÌNH HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CỦA CÁN BỘ CÔNG TÁC XÃ HỘI XÃ/PHƯỜNG
2.3.3 Hỗ trợ điều trị methadone
Trong quá trình thực hiện hỗ trợ đối với người nghiện trong chương trình điều trị methaton, vai trò cúa cán bộ CTXH xã/phường là tham vấn hỗ trợ tâm lý xã hội nhằm mục đích tăng cường ý thức trách nhiệm, tuân thủ điều trị, dự phòng tái nghiện, hướng tới lối sống lành mạnh và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
- Tham vấn hỗ trợ tâm lý xã hội
Các hoạt động tham vấn hỗ trợ tâm lý xã hội của cán bộ CTXH bao gồm: tham vấn cá nhân; tham vấn và giáo dục nhóm; tham vấn cho gia đình và nhóm hỗ trợ đồng đẳng trước, trong và sau quá trình điều trị. Tham vấn hỗ trợ tâm lý xã hội cần dựa trên cơ sở tự nguyện. Muốn tiến hành hoạt động tham vấn cán bộ công tác xã hội phải được đào tạo về tham vấn điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone.
- Làm việc với gia đình để tăng cường sự hỗ trợ trong điều trị nghiện ma tuý
Sự kết nối thường xuyên giữa cán bộ công tác xã hội, dịch vụ điều trị nghiện với gia đình thân chủ mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng xét trên hai khía cạnh: Cải thiện
mối quan hệ gia đình, hướng đến xây dựng một gia đình lành mạnh: Tham vấn viên cung cấp kiến thức về điều trị nghiện và cập nhật thông tin của thân chủ nhằm giúp gia đình hiểu những khó khăn mà thân chủ đã trải qua cũng như những nỗ lực mà họ đang thực hiện trong quá trình điều trị nghiện đi đến phục hồi. Bằng cách đó, mối quan hệ và niềm tin gia đình dành cho thân chủ có thể được cải thiện hơn, hàn gắn các rạn nứt (nếu có); Tăng cường giao tiếp hiệu quả và tin tưởng lẫn nhau giữa thân chủ và các thành viên trong gia đình.
Khi làm việc với gia đình để tăng cường sự hỗ trợ trong điều trị nghiện ma tuý, tham vấn viên cần nhấn mạnh bốn nội dung cơ bản sau:
+ Phác đồ điều trị nghiện và các ảnh hưởng từ quá trình điều trị nghiện đối với thân chủ;
+ Chế độ ăn, ngủ, nghỉ và làm việc cho thân chủ trong quá trình điều trị và phục hồi;
+ Phát hiện sớm các dấu hiệu tái nghiện để kịp thời giúp cho người nghiện từ bỏ tái nghiện ngay ở giai đoạn đầu tái sử dụng ma tuý. Cán bộ CTXH cần lưu ý nghiện là bệnh mãn tính của não bộ, do vậy việc tái nghiện là hiện tượng bình thường dễ xảy ra với người mới cai. Vì vậy cán bộ CTXH cần kiên trì cộng tác cùng với gia đình người nghiện giúp họ củng cố động lực sau cai;
+ Cần hỗ trợ các thành viên trong gia đình nhận biết: Các biểu hiện khi xuất hiện cơn thèm nhớ và cách thức hỗ trợ người nghiện có kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy cơ tái nghiện.
- Hỗ trợ dạy nghề và tìm kiếm việc làm cho người điều trị nghiện ma túy
Đây là một bước vô cùng quan trọng trong công tác xã hội đối với người nghiện ma túy để người nghiện ma túy không tái nghiện và ổn định cuộc sống cùng với cộng đồng. Ở Việt Nam, trong quá trình cai nghiện người nghiện ma túy đã được quan tâm học nghề phù hợp với điều kiện và khả năng của họ. Nhưng sau đó, khi tái hòa nhập cộng đồng, thì số người có việc làm lại rất ít. Một phần do chính bản thân họ chưa có quyết tâm cao, vẫn còn mặc cảm, tự ti, đôi khi còn có tư tưởng ngại lao động, dựa dẫm. Nhưng phần lớn là do chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị sản xuất còn né tránh, ngại nhận họ vào làm việc. Từ đó tạo cho người nghiện tâm lý chán chường, bất cần, buông xuôi và dễ tái nghiện. Vì vậy, trong bước này vai trò của công tác xã hội là rất lớn. Nhân viên công tác xã hội phải là cầu nối tích cực giữa người nghiện ma túy và chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị sản xuất.