Trần Khắc Tâm Sóc Trăng

Một phần của tài liệu BienBan1-11s (Trang 33 - 35)

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp, Kính thưa Quốc hội,

Qua các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp tổ chúng ta đều cảm nhận được tình hình khó khăn của nền kinh tế và đòi hỏi cấp bách của việc đổi mới thể chế và tái cơ cấu nền kinh tế mới giúp chúng ta không tụt hâu xa hơn nữa so với các nước trong khu vực. Thời gian có hạn tôi xin tập trung phát biểu về việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thưa Quốc hội, cho đến nay Việt Nam vẫn còn 48% lao động làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp, hơn 60% dân số sống ở nông thôn. Mỗi khi kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn, suy thoái thì nông nghiệp lại trở thành phao cứu sinh cho đất nước. Lần này cũng thế khi hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, khiến nhiều ngàn lao động mất việc làm, thất nghiệp thì họ lại trở về thôn quê cuốc đất trồng lúa, trồng rau nương tựa vào vườn. Sự phát triển ổn định của ngành nông nghiệp trong hơn hai thập kỷ qua đã giúp chúng ta không bị chới với trong cơn suy thoái kinh tế khi đang tập tễnh bước vào kinh tế thị

trường. Ngành nông nghiệp giữ vai trò lớn như vậy nhưng thật nghịch lý là những người nông dân cuốc bẫm, cày sâu cuộc sống lại khốn khó, chưa thể giàu lên được và nền nông nghiệp vẫn kém tính cạnh tranh, có nguy cơ bị các nước sản xuất nông nghiệp trong khu vực bỏ xa, tăng trưởng nông nghiệp bắt đầu chững lại trong thời gian gần đây. Giai đoạn 1995 - 2000 tăng trưởng đạt 4,5% thì đến năm 2012 còn 2,7%.

Về khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong báo cáo tình hình thực hiện kinh tế - xã hội của Chính phủ đã chỉ rõ quá trình xây dựng và phát triển quan hệ sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, huy động nguồn lực từ các nguồn ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn còn thấp. Trong khi nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, sự phối hợp công tác giữa cấp Trung ương và các địa phương còn chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả cao ở trang 48, 49 Báo cáo của Chính phủ. Mặc dù Chính phủ đã ghi nhận đóng góp lớn của lĩnh vực nông nghiệp cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng các giải pháp nêu ra thực hiện đến năm 2015 còn đơn giản, chỉ tập trung mạnh về công nghiệp và các ngành khác, còn nông nghiệp chỉ có 12 dòng nêu quyết tâm động viên mà chưa có các chương trình cụ thể khắc phục tồn tại mà bản thân Chính phủ đã chỉ ra ở trang 68, Báo cáo của Chính phủ.

Ngay trong các nước ASEAN, Chính phủ của các nước cũng dành những khoản đầu tư rất lớn cho lĩnh vực nông nghiệp như Thái Lan đã sử dụng tới 3,5% GDP cho riêng chương trình trợ giá gạo. Philipin năm 2014 tăng 22% ngân sách cho nông nghiệp nhằm tăng cường mạng lưới giao thông và hệ thống tưới tiêu.

Kính thưa Quốc hội, trước thực trạng của nước ta như Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội và kinh nghiệm của các nước trong khu vực, tôi đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá và làm rõ câu trả lời chiến lược phát triển nông nghiệp nước ta trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới nhưng nông dân không được hưởng lợi như đánh giá của Chính phủ hay phải đổi mới việc đầu tư và định hướng phát triển trong nông nghiệp, nông thôn.

Để tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng ta không thể để người nông dân và các doanh nghiệp còn nhỏ yếu của Việt Nam tự bơi trong bể kinh tế thị trường thế giới rộng lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng người nông dân trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu hên xui và tình trạng Chính phủ phải áp dụng các chính sách tạm thời để cứu nông dân như chương trình mua tạm trữ lúa gạo mỗi khi thị trường ế ẩm, các chính sách căn cơ, dài hơi, mang tầm chiến lược đã trở thành bà đỡ cho nông dân. Chúng ta không thể hô hào tái cơ cấu nhưng lại để người nông dân tự loay hoay trên cánh đồng của mình, muốn chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng bắp, trồng cỏ, nuôi cá thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải cùng các địa phương quy hoạch cụ thể, cùng các chính sách hỗ trợ thiết thực để giúp bà con chuyển đổi mô hình sản xuất. Tôi xin nhấn mạnh ở đây vai trò Chính phủ trong việc cung cấp các thông tin phân tích, dự báo thị trường cho các doanh nghiệp và bà con nông dân chứ không phải Chính phủ tự làm. Tôi kiến nghị Quốc hội và Chính phủ một số vấn đề cụ thể để hỗ trợ nông nghiệp và nông thôn như sau. Cần điều chỉnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ trong 2 năm 2014 và 2015 một tỷ lệ thích hợp cho nông nghiệp để xử lý dứt điểm các dự án thủy lợi ở vùng trồng lúa, vùng nuôi thủy sản, tránh tình trạng hiểu nghị

quyết của Đảng về kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ là hệ thống đường giao thông như hiện nay.

Thứ hai là tăng cường sự phối hợp giữa cấp trung ương và cấp tỉnh để các bộ làm tốt công tác xây dựng, chỉ đạo và giám sát công tác quy hoạch. Chính phủ giao vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho các địa phương thực hiện trên cơ sở đề án nông thôn mới được phê duyệt và làm dứt điểm từng địa phương, từ xã tới huyện và toàn tỉnh để đảm bảo hiệu quả sử dụng đồng vốn của nhân dân. Bởi vì thực tế sản xuất đã chỉ rõ hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất trồng lúa khác với thủy lợi cho người nuôi tôm hay nuôi cá, nếu đầu tư theo cung cách hiện nay thì không thể áp dụng khoa học công nghệ mới vào vấn đề sản xuất sản phẩm sạch phù hợp với yêu cầu của thị trường, tạo ra sản phẩm mới mang giá trị gia tăng cho sản phẩm, năng suất cạnh tranh cho nông sản ở Việt Nam.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo toàn bộ hệ thống xây dựng quan hệ sản xuất mới ở lĩnh vực nông nghiệp trên cơ sở các kinh nghiệm thành công của mô hình cánh đồng mẫu lớn trong trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, mô hình công ty nuôi bò sữa ở Sóc Trăng, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Sơn La và coi đây là bước đột phá quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, không phải là dùng đồng vốn nhà nước để đầu tư như hiện hay.

Cuối cùng, đối với Tờ trình của Chính phủ về phương án phát hành và sử dụng trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016. Tôi thống nhất và ủng hộ Chính phủ, tôi thống nhất bổ sung để thúc đẩy thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng dự án luồng tàu biển cho tải trọng lớn vào sông Hậu, thúc đẩy kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Tôi ủng hộ và đồng ý ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã phân tích trước tôi về dự án này tôi mong Quốc hội ủng hộ cho dự án này. Xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu BienBan1-11s (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w