trình căng thẳng của Pearlin và cộng sự (1990)
Các nghiên cứu dựa trên cơ sở lý thuyết căng thẳng nhận thức của Lazarus và Forman (1984) chưa đề cập đến tác động trực tiếp của các yếu tố tới tự chủ chăm sóc, nhưng có để cập tới một số các kết quả chăm sóc tích cực như sự tự tin vào năng lực bản thân của người chăm sóc (Sahai và cộng sự, 2018; Huang và cộng sự , 2009, Tan và cộng sự, 2020); chất lượng cuộc sống, sức khỏe, mức độ thành thạo (the mastery) của người chăm sóc (Boele và cộng sự, 2013; Shirai, Silverberg, Kenyon, 2009; Plata, 2006); mức độ hạnh phúc của người chăm sóc (Gates & Akabas, 2012) và bao gồm cả kết quả chăm sóc tiêu cực liên quan tới gánh nặng chăm sóc (Han và cộng sự, 2014).
Thứ nhất, một số nghiên cứu tập trung vào đánh giá tác động của các tác nhân gây căng thẳng chính tới kết quả chăm sóc bao gồm tình trạng sức khỏe của người được chăm sóc, nhu cầu chăm sóc. Chẳng hạn, Sahai và cộng sự (2018) đã thực hiện nghiên cứu về đánh giá giữa trạng thái sức khoẻ của những người mắc bệnh tâm thần phân liệt và gánh nặng và sự tự tin vào năng lực bản thân (self-efficacy) của người chăm sóc. Tự tin vào năng lực bản thân đối với người chăm sóc được định nghĩa như niềm tin của họ về khả năng của chính bản thân có thể hoàn thành tốt công việc chăm sóc. Kết quả nghiên cứu tại Ấn Độ cho thấy khi tình trạng sức khoẻ của người bệnh cải thiện đồng nghĩa với việc tăng sự tự tin vào năng lực bản thân của người chăm sóc.
Tương tự, Huang và cộng sự (2009) cũng cho thấy mối liên hệ giữa tình trạng sức khoẻ người bệnh mất trí nhớ và mức độ tự tin vào năng lực bản thân của người chăm sóc. Với những người già ít gặp phải các vấn đề hành vi tấn công hay ảnh hưởng tới người khác thì sự tự tin vào khả năng chăm sóc của người chăm sóc cũng tốt hơn. Ngoài
ra, nhóm tác giả này còn khẳng định sự tự tin vào năng lực bản thân còn bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác như trình độ giáo dục của người chăm sóc và thời gian chăm sóc. Trong khi trình độ giáo dục tác động thuận chiều tới sự tự tin của người chăm sóc thì độ dài thời gian chăm sóc lại tác động nghịch chiều. Cũng trong một nghiên cứu tương tự, Tan và cộng sự (2020) tại Malaysia cũng xem xét tác động của tình trạng hôn nhân, tuổi, học vấn của người chăm sóc và thời gian chăm sóc tới mức độ tự tin vào năng lực bản thân của người chăm sóc. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này không tìm thấy mối liên hệ giữa tình trạng hôn nhân, trình độ giáo dục và độ dài thời gian chăm sóc với sự tự tin của NCS nhưng lại chứng minh được mối liên hệ giữa độ tuổi của người chăm sóc và mức độ tự tin vào việc có thể hoàn thành tốt công việc chăm sóc của họ.
Cũng tập trung vào các tác nhân gây căng thẳng chính nhưng nghiên cứu của Boele và cộng sự (2013) đề cập đến kết quả chăm sóc liên quan tới chất lượng cuộc sống và mức độ thành thạo (the mastery) của người chăm sóc tại gia đình. Trong đó mức độ thành thạo của người chăm sóc có thể được xem như một khía cạnh thể hiện sự tự chủ về hiểu biết của người chăm sóc đối với công việc chăm sóc. Kết quả nghiên cứu này cho thấy mức độ thành thạo tự nhận thấy của người chăm sóc có mối liên hệ với tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân. Cụ thể, mức độ rối loạn ngôn ngữ của bệnh nhân càng tăng thì mức độ thành thạo tự nhận thấy của người chăm sóc đối với công việc chăm sóc càng giảm.
Thứ hai, một số ít nghiên cứu tập trung vào nhóm tác nhân gây căng thẳng thứ cấp, ảnh hưởng của nó tới kết quả chăm sóc, tuy nhiên đối tượng nghiên cứu tập trung vào cha mẹ chăm sóc con cái trong gia đình. Điển hình như nghiên cứu của Gates & Akabas (2012) nghiên cứu tác động của xung đột công việc – gia đình và xung đột gia đình – công việc tới mức độ hài lòng hạnh phúc của người chăm sóc (caregiver well- being). Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả khẳng định công việc có xu hướng xung đột với công việc chăm sóc gia đình nhiều hơn so với tác động của gia đình tới công việc. Hơn nữa, việc giảm thiểu xung đột công việc – gia đình sẽ làm tăng mức độ hài lòng, hạnh phúc của người chăm sóc.
Thứ ba, với một góc nhìn lý thuyết khác, một số tác giả tập trung vào các yếu tố trung gian trong mô hình lý thuyết quá trình căng thẳng của Pearlin và cộng sự (1990). Các yếu tố trung gian được đề cập đến như chiến lược đối mặt (…) hay hỗ trợ xã hội (Han và cộng sự, 2014, Shirai và cộng sự, 2009, Plata, 2006).
Theo Han và cộng sự (2014), nhóm tác giả đã nghiên cứu những loại hỗ trợ xã hội có thể làm giảm gánh nặng tâm lý và phi tâm lý của những người chăm sóc chứng mất trí, và khám phá cơ chế tác động của hỗ trợ xã hội tới gánh nặng chăm sóc. Nghiên cứu đã đánh giá thông qua 731 bệnh nhân sa sút trí tuệ và người thân chăm sóc họ qua năm loại hỗ trợ xã hội (hỗ trợ cảm xúc, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ hữu hình, tương tác xã hội tích cực, hỗ trợ tình cảm) qua thang đo. Kết quả cho thấy rằng tương tác xã hội tích cực và hỗ trợ tình cảm trực tiếp và gián tiếp làm giảm gánh nặng tâm lý của NCS. Hỗ trợ hữu hình làm giảm bớt gánh nặng phi tâm lý thông qua cả con đường trực tiếp lẫn gián tiếp. Hỗ trợ thông tin và hỗ trợ tâm lý không có tác dụng giảm bớt gánh nặng tâm lý hay phi tâm lý và hỗ trợ thông tin và hỗ trợ cảm xúc cũng không hữu ích gì lắm trong việc làm giảm gánh nặng cho người chăm sóc hay bất kể loại gánh nặng nào của người chăm sóc. Một số tác giả nghiên cứu hướng đến tác động của hỗ trợ xã hội tới kết quả chăm sóc tích cực như Shirai và cộng sự (2009), Shirai, Silverberg, và Kenyon (2009), Plata (2006). Nghiên cứu của Shirai và cộng sự (2009) chứng minh mối quan hệ giữa sự hỗ trợ từ gia đình và kết quả chăm sóc tích cực. Xuất phát từ lý thuyết quá trình căng thẳng của Pearlin và cộng sự (1990) và lý thuyết nhận thức xã hội của Bandura, nghiên cứu được tiến hành dựa trên với quy mô là 63 người chăm sóc gia đình tại phía Nam Arizona. Nhóm tác giả đã cho thấy sự hỗ trợ tình cảm xã hội từ những thành viên gia đình là một nguồn lực quan trọng trong cảm giác đạt được của người chăm sóc. Ngoài ra, tác động trực tiếp của hỗ trợ xã hội tới kết quả chăm sóc tích cực xét trên các khía cạnh như sức khoẻ hay chất lượng cuộc sống (life quality) cũng được chứng minh qua các nghiên cứu của Shirai, Silverberg, và Kenyon (2009), Plata (2006).
Cũng dựa trên lý thuyết này nhưng Chen và cộng sự (2015)thì tập trung vào yếu tố trung gian thứ hai xuất phát từ nguồn lực cá nhân, đó là chiến lược đối mặt tập trung vấn đề. Nghiên cứu đánh giá tác động của chiến lược này tới giảm thiểu gánh nặng đối với người chăm sóc. Nghiên cứu này được thực hiện trên 57 người chăm sóc cho bệnh nhân mất trí nhớ. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy sự can thiệp về tâm lý sẽ giúp người chăm sóc tiếp cận chiến lược đối mặt tập trung vấn đề và tìm kiếm sự hỗ trợ xã hội, và chính điều này sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng người chăm sóc.
Lý thuyết của Pearlin và cộng sự (1990) đề cập đến khá nhiều yếu tố tham gia vào quá trình căng thẳng, nhưng các nghiên cứu sử dụng lý thuyết này phần lớn tập trung vào tác động của các biến tác nhân gây căng thẳng chính (tình trạng sức khỏe người được chăm sóc, nhu cầu chăm sóc) tới các kết quả chăm sóc cả tích cực và tiêu
cực. Một số nghiên cứu về tác nhân gây căng thẳng thứ cấp (xung đột công việc – gia đình) mới chỉ dừng lại nghiên cứu trong bối cảnh cha mẹ chăm sóc con cái trong gia đình, rất ít nghiên cứu đề cập tới việc chăm sóc cha mẹ gặp các vấn đề về sức khỏe, dù đối với nhóm chăm sóc này thì mức độ xung đột có sự khác biệt đáng kể. Với góc nhìn lý thuyết khác thì một số nghiên cứu cũng đề cập tới tác động của các nguồn lực cá nhân (chiến lược đối mặt) và nguồn lực xã hội (sự hỗ trợ xã hội) tới kết quả chăm sóc, tuy chưa có nghiên cứu nào đề cập trực tiếp tới kết quả liên quan tới mức độ tự chủ chăm sóc. Chẳng hạn, đối với các nghiên cứu về sự hỗ trợ xã hội, đã có các nghiên cứu cho thấy đem lại kết quả chăm sóc tích cực như chất lượng cuộc sống hay sức khỏe của người chăm sóc. Tuy nhiên liệu rằng ngoài những kết quả tích cực đó, thì sự hỗ trợ xã hội có giúp cải thiện sức mạnh nội tại liên quan tới việc thực hiện các công việc của người chăm sóc, giúp họ làm chủ được công việc chăm sóc hay không thì chưa nghiên cứu nào đề cập đến.