Một số nghiên cứu khác có liên quan tới tự chủ chăm sóc

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của giá trị gia đình và hỗ trợ xã hội tới tự chủ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình. (Trang 42 - 43)

Một số nghiên cứu khác kết hợp hai dòng lý thuyết quá trình căng thẳng và lý thuyết căng thẳng nhận thức tập trung vào khai thác biến trung gian đánh giá về công việc chăm sóc, ảnh hưởng của hỗ trợ xã hội và giá trị văn hóa tới đánh giá về công việc chăm sóc, từ đó ảnh hưởng tới kết quả chăm sóc, bao gồm cả kết quả trên khía cạnh tự chủ chăm sóc.

Jones và cộng sự (2011) đã phát triển mô hình nghiên cứu về các yếu tố thúc đẩy tự chủ chăm sóc (Caregiver Empowerment Model -CEM) dựa trên mẫu nghiên cứu là những người phụ nữ gốc Á đang chăm sóc cho cha mẹ già tại gia đình. Nghiên cứu xuất phát từ lý thuyết quá trình chăm sóc của Pearlin và cộng sự (1990) và lý thuyết căng thẳng nhận thức của Lazarus và Forman (1984). Kết quả khẳng định giá trị đạo đức con cái (filial values) có mối liên hệ với các khía cạnh liên quan tới tự chủ chăm sóc. Giá trị đạo đức con cái khuyến khích người chăm sóc đánh giá trải nghiệm chăm sóc là một thử thách vượt qua thay vì là một yếu tố gây căng thẳng, do vậy nó trở thành động lực tốt hơn cho người chăm sóc để giữ thái độ tích cực và kiểm soát tốt hơn công việc chăm sóc cha mẹ của họ. Ngoài ra, một số các yếu tố nền tảng khác liên quan tới sự hỗ trợ gia đình, việc sử dụng các nguồn lực cộng đồng hay nhu cầu chăm sóc đều có tác động trực tiếp và gián tiếp tới kết quả chăm sóc tích cực, thúc đẩy tự chủ chăm sóc của NCS.

Dựa trên khung phân tích về tự chủ chăm sóc của Jones và cộng sự (2011), Saxena (2013) đã xem xét ảnh hưởng của sự hỗ trợ xã hội và nhu cầu chăm sóc (cụ thể

là nghề nghiệp của người chăm sóc, tình trạng sức khỏe của người được chăm sóc và thời gian chăm sóc) tới tự chủ chăm sóc. Mẫu nghiên cứu dựa trên 350 người hiện đang chăm sóc cho anh chị em gặp phải các khuyết tật nhận thức như bệnh down, tự kỷ, rối loạn cảm xúc, ngôn ngữ hay khuyết tật về cơ thể. Kết quả nghiên cứu cho thấy hỗ trợ xã hội có tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới tự chủ chăm sóc thông qua đánh giá nhận thức chủ quan về công việc chăm sóc.

Có thể thấy các nghiên cứu sử dụng kết hợp hai dòng lý thuyết quá trình căng thẳng của Pearlin và cộng sự (1990) và lý thuyết căng thẳng nhận thức của Lazarus và Forman (1984) đã đề cập tới kết quả chăm sóc liên quan tới việc đạt được sự kiểm soát đối với công việc chăm sóc hay nghiên cứu của Saxena (2013) đánh giá tác động trực tiếp của các yếu tố tới tự chủ chăm sóc. Đối với các yếu tố văn hóa trong nghiên cứu của John và cộng sự (2011), thì mới đề cập đến giá trị đạo đức con cái mà chưa đề cập tới khía cạnh yếu tố văn hóa khác là giá trị gia đình. Đối với biến hỗ trợ xã hội tuy được đề cập trong nghiên cứu của Saxena (2013) nhưng lại chỉ đánh giá sự hỗ trợ nói chung mà chưa đánh giá được cụ thể về mức độ hỗ trợ đối với từng nhóm nguồn lực khác nhau tới mức độ tự chủ của người chăm sóc, và tác động của hỗ trợ xã hội tới từng khía cạnh của tự chủ chăm sóc. Bối cảnh chăm sóc trong nghiên cứu này cũng có sự khác biệt so với bối cảnh nghiên cứu của luận án. Ngoài ra, các nghiên cứu này vì kết hợp giữa hai dòng lý thuyết kể trên do vậy biến trung gian được nghiên cứu khi xem xét tác động của các yếu tố văn hóa tới kết quả chăm sóc chủ yếu tập trung vào biến đánh giá về công việc chăm sóc.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của giá trị gia đình và hỗ trợ xã hội tới tự chủ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình. (Trang 42 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(144 trang)
w