Quế Sơn là một huyện vùng trung du bán sơn địa nằm cách tỉnh lỵ Tam Kỳ 30 km về phía Tây Bắc, cách thành phố Đà Nẵng 40 km về phía Tây Nam. Sau ngày chia tách huyện với Nông Sơn theo Nghị định số 42/2008/NĐ-CP ngày 08/4/2008 của Chính phủ, huyện Quế Sơn hiện nay có tổng diện tích tự nhiên 251,17 km2, dân số trung bình năm 2014 là 83.134 người, bao gồm 13 xã và 01 thị trấn.
Ranh giới hành chính được xác định như sau: - Phía Bắc giáp : huyện Duy Xuyên
- Phía Nam giáp : huyện Hiệp Đức - Phía Đông giáp : huyện Thăng Bình - Phía Tây giáp : huyện Nông Sơn
Toàn huyện có 14 đơn vị hành chính, bao gồm các xã: Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, Hương An, Quế Cường, Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Hiệp, Quế Châu, Quế Minh, Quế An, Quế Long, Quế Phong và thị trấn Đông Phú. Theo Chi Cục Thống kê huyện Quế Sơn cung cấp; dân cư trên địa bàn phân bố như sau: thị trấn Đông Phú chiếm 9,7% dân số toàn huyện, các xã đồng bằng, trung du 83,6%, xã miền núi Quế Phong chiếm 6,7%.
Tổng diện tích tự nhiên của huyện: 25.117,15 ha, trong đó: Đất nông nghiệp: 18.486,38 ha; Đất phi nông nghiệp: 4.329,97 ha; Đất chưa sử dụng: 2.300,8 ha.
chiều dài là 8,5km qua địa phận các xã: Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, Hương An. Đường ĐT chạy qua địa bàn huyện có 02 tuyến: ĐT 611A và ĐT 611B, có tổng chiều dài tuyến 37,5 km, trong đó: có 22km bê tông nhựa và 15,5km thâm nhập nhựa. Đường ĐH: toàn huyện có 18 tuyến ĐH, với tổng chiều dài: 119,29 km. Đường ĐX và đường nội thị: có 65 tuyến, với tổng chiều dài: 113,3km. Đường Dân sinh (thôn, xóm) có tổng chiều dài: 393,66 km.
Hình 2.1: Sơ đồ Hành chính Huyện Quế Sơn – Tỉnh Quảng Nam
Quế Sơn nằm trên Hành lang phát triển Trung Quảng Nam và là điểm kết nối Cụm Trung Tây (bao gồm 3 huyện Hiệp Đức - Nông Sơn - Phước Sơn) với Cụm động lực số 2 (Duy Xuyên - Thăng Bình - Quế Sơn). Với tiềm năng và lợi thế từ vị trí địa lý, nguồn nguyên liệu và lực lượng lao động, Quế Sơn hiện nay vừa là khu vực phát triển công nghiệp quan trọng đồng thời đóng vai trò là một trong những huyện hậu cần công nghiệp của tỉnh Quảng Nam.
Tổng giá trị sản xuất cả năm 2010 ước đạt: 777,89 tỷ đồng trong đó: Giá trị SX Nông – Lâm nghiệp ước đạt: 193,93 tỷ đồng; Gía trị SX CN- TTCN và Xây dựng ước đạt: 345,96 tỷ đồng; Giá trị TM-DV ước đạt: 238 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 11,3 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu ngành kinh tế của huyện về Nông – Lâm nghiệp 30%, CN-TTCN 42%, Thương mại – Dịch vụ 28%. Số lượng hộ đói nghèo trên toàn huyện là 6.313 tỷ lệ 25,03%. Tỷ lệ dùng nước sạch đạt 85%; lao động trong độ tuổi chiếm
62.472 người.
Theo số liệu điều tra tại thời điểm ngày 01.4.2010 của Chi Cục Thống kê huyện Quế Sơn, dân số huyện Quế Sơn năm 2010 là 82.967 người.Trong đó, khu vực đồng bằng, trung du có 77.394 người, chiếm 93,3%, khu vực miền núi có 5.573 người chiếm 6,7%. Mật độ dân số chung toàn huyện là 330 người/km2 (khu vực đồng bằng, trung du là 333 người/km2, cao nhất là xã Quế Xuân 1 với 934 người/km2, khu vực miền núi là 184 người/km2, thấp nhất là xã Quế Hiệp với 86 người/km2). Dân số là nữ có 43.415 người, chiếm khoảng 52,3%, số dân là nam có 39.552 người, chiếm khoảng 47,7%.
Trên địa bàn huyện có các danh lam, thắng cảnh đã và đang kêu gọi thu hút đầu tư vào: Khu du lịch sinh thái Suối Tiên (Quế Hiệp), Khu du lịch sinh thái Suối Nước Mát-Đèo Le (Quế Long), Hồ Giang (Quế Long), Vũng nước nóng Bàn Thạch (Quế Phong). Đến nay đã có một nhà đầu tư vào đầu tư Khu du lịch sinh thái Suối Nước Mát-Đèo Le. Có các khu di tích lịch sử: Tượng đài chiến thắng Cấm Dơi, Đền Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ huyện…, bình quân hằng năm lượng khách đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện ước khoảng 05- 07 ngàn lượt người.
Trên địa bàn huyện có 02 hệ thống sông chính đó là: Sông Ly Ly và Sông Bà Rén. Ngoài 02 hệ thống sông chính trên còn có nhiều hệ thống sông, suối nhỏ khác.
Có các hệ thống kênh kéo dài: Kênh Phú Ninh; Kênh Hồ Việt An…; có các hồ chứa nước như hồ: Suối Tiên, Cây Thông, Hố Giang, An Long, Hố Giếng, Đập Vũng Tôm, Suối Tiên, đập Đá Chồng-Quế Xuân 2,… các hồ chứa này có dung tích và quy mô chứa từ: 0,3-6,5 triệu m3 và các hồ này phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn huyện.
Địa hình Quế Sơn có trên 60% diện tích là vùng đồi núi, phía Tây có các dãy núi cao như: Yang - Brai (1.143 m), Bàn Cờ (1.037 m), Hòn Tàu - Đèo Le (953 m)... Vùng đồng bằng nhỏ hẹp ở phía Đông và xen kẽ giữa các khu vực đồi gò. Phân theo 3 dạng địa hình:
- Địa hình đồi núi cao: Tập trung ở phía Tây, chiếm trên 60% tổng diện tích tự nhiên. Độ cao trung bình 500-1000 m.
- Địa hình gò đồi: Là vùng tiếp giáp giữa núi cao và vùng đồng bằng, độ cao trung bình 50-150 m. Phân bố chủ yếu ở vùng trung, diện tích chiếm khoảng 30% tổng diện tích tự nhiên.
- Vùng đồng bằng: Tập trung ở phía Đông và xen kẽ giữa các vùng gò đồi.
Nhìn chung, địa hình huyện Quế Sơn phân bố thấp dần từ Tây sang Đông, trong đó hơn 60% địa hình đồi núi cao, về mùa mưa sẽ gây ra hiện tượng xói mòn đất và thoái hóa đất. Còn lại địa hình gò đồi và đồng bằng,
với địa hình này luôn được phù sa bồi đắp nên thích hợp cho sản xuất nông nghiệp.
Nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa nên rừng của huyện Quế Sơn xanh tốt quanh năm.
Theo số liệu thống kê 2013, diện tích đất lâm nghiệp của huyện là 11.888,85 ha, chiếm 47% tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện, trong đó đất rừng phòng hộ 4.095,51ha, đất rừng sản xuất 7.793,34ha.
Rừng huyện Quế Sơn chủ yếu là rừng trung bình, rừng nghèo, rừng non. Qua 2 cuộc chiến tranh, rừng Quế Sơn bị tàn phá nặng nề, cộng thêm nạn khai thác rừng quá mức nhiều năm qua đã làm cho rừng ngày càng cạn kiệt. Yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục đẩy mạnh khoanh nuôi, tái sinh, nâng tỷ lệ che phủ rừng; đi đôi với khai thác, sử dụng cần đặc biệt chú trọng bảo vệ, tái tạo tài nguyên rừng để bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Hiện nay vẫn chưa có tài liệu chính thức công bố về khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng một cách đầy đủ. Qua một số tài liệu và đánh giá ban đầu, trên địa bàn huyện hiện có các loại khoáng sản: đá granit ở các xã vùng trung, cao lanh ở các xã như Quế Long, Quế Châu, quặng sắt ở xã Quế Hiệp, silicat ở các xã như Quế Phú, Quế Cường, cát trắng ở Hương An. Ngoài ra là các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phân bố rải rác ở các địa phương gồm: đá xây dựng (Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Hiệp, Quế Phong, Quế An, Đông Phú, Quế Long); sét gạch ngói (Hương An, Quế Cường, Phú Thọ, Quế Minh, Quế Hiệp, Quế An); cát xây dựng (Quế Phú, Hương An, Quế Cường, Quế Châu, Đông Phú); đất san lấp (Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Cường, Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Hiệp, Quế Châu, Đông Phú, Quế An, Quế Long, Quế Xuân 2). Tài nguyên khoáng sản đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế của huyện nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Trong đó, nguồn khoáng sản được khai thác thường xuyên chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường, cung ứng cho nhu cầu xây dựng và sản xuất của nhà máy gạch tuynel. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã đem lại cho người dân có thêm thu nhập, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ phát triển. Nhưng quy mô và trữ lượng khoáng sản hiện có là không nhiều nên cần có sự quản lý khai thác một cách chặt chẽ nhằm tiết kiệm tài nguyên cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.