Khái quát tình hình phân cấp quản lý đầu tưở Việt Nam

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ ĐẦU TƯ CÔNG TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CỦA HUYỆN QUẾ SƠN TỈNH QUẢNG NAM. (Trang 39 - 41)

Phân cấp quản lý đầu tư gắn với phân cấp về nguồn tài chính. Có hai nguồn, một là nguồn từ Trung ương, hai là nguồn khai thác tại chỗ ở địa phương. Hiện nay, các văn bản quản lý Nhà nước hiện hành quy định phân cấp quản lý đầu tư gắn liền với chủ trương tái cơ cấu đầu tư công được đề cập tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI và được thể chế hóa bằng một số Luật, Nghị định hướng dẫn trong thời gian từ năm 2014 đến nay (Luật Đầu tư công và 07 Nghị định hướng dẫn; Luật Xây dựng và 04 Nghị định hướng dẫn; Luật Đấu thầu và 02 Nghị định hướng dẫn…). Cụ thể, chẳng hạn, bàn phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng, có Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nghị định số 59 quy định chi tiết một số nội dung thi hành Luật Xây dựng năm 2014 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, bao gồm: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án; thực hiện dự án; kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng; hình thức và nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài được thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật về quản lý sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Về khái quát, trong việc phân cấp quản lý đầu tư, xét một cách tương đối nhất quán, chính quyền cấp tỉnh được quyền quyết gần như hoàn toàn đối với các dự án đầu tư từ ngân sách địa phương. Vốn đầu tư công được phân bổ theo hai cấp ngân sách là ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Phần lớn nguồn lực đầu tư đều được phân cấp cho ngành và địa phương quản lý. Và hệ quả tất yếu là việc quyết định đầu tư công đã tách rời việc bố trí vốn. Các ngành và địa phương quyết định về dự án đầu tư, nhưng nguồn

vốn đều được ghi là “xin vốn từ ngân sách trung ương”.

Nguyên tắc phân cấp đầu tư từ Trung ương xuống địa phương vẫn được thực hiện theo quy mô và tầm quan trọng của dự án, được chia thành các dự án quan trọng của quốc gia là nhóm A, nhóm B, và nhóm C. Đây là nguyên tắc phân cấp theo kiểu “những gì ở cấp trên không cần làm thì cấp dưới sẽ thực hiện” và cấp trên thì luôn “nắm to, buông nhỏ” dẫn đến hiện tượng cấp dưới luôn cảm thấy bị gò bó còn cấp trên luôn ở trong tình trạng quá tải, không thể kiểm soát được tình hình. Cách làm này cũng hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc phổ biến trên thế giới là “những gì cấp dưới không làm được thì cấp trên mới phải làm” (từ dưới lên). Phần vốn đầu tư được cấp theo cơ chế “xin - cho” thì mạnh ai người đó “chạy”, nếu xin được sẽ triển khai, chưa xin được thì sẵn sàng bỏ dở công trình… Từ chỗ “xin - cho”, các vận trù đầu tư trở nên thiếu kế hoạch đồng bộ, cái cần thì không được làm, cái không cần thì cố gắng “chạy” để làm. Mục đích lớn nhất của việc “chạy xin” hầu như không phải là giải quyết hệ thống cơ sở hạ tầng đang cần thiết và bức bách mà chủ yếu là triển khai những công trình có thể tạo ra nhiều địa lợi cho các chủ đầu tư và nhà thầu.

Trong nguồn tài chính khai thác tại địa phương, ngoài hình thức huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng từ người dân, một hình thức khá phổ biến là khai thác từ tài nguyên mà chủ yếu là từ quỹ đất đai. Vào thời kỳ thị trường bất động sản đang sôi động, nhiều địa phương đã thu những khoản tiền rất lớn từ nguồn này, đặc biệt là đất tại những khu vực đô thị. Địa phương nào thu càng lớn thì đầu tư càng nhiều, từ đó nảy sinh vấn đề xây dựng tràn lan, không có kế hoạch và không có sự liên kết đấu nối.

Bên cạnh đó, mặc dù phân cấp quản lý đầu tư công từ NSNN mạnh nhưng vẫn còn thiếu sự kiểm tra, hướng dẫn từ cấp có thẩm quyền phân cấp dẫn tới việc cấp dưới được phân cấp có thể làm những việc vượt thẩm quyền,

quyết định dự án đầu tư nhưng nguồn vốn lại đề nghị cấp trên cân đối; hoặc để tự cân đối ngân sách tại chỗ thì các cấp dưới được phân cấp phải chật vật tìm cách tăng thu, dẫn đến việc thu hút đầu tư bằng mọi giá, làm trầm trọng thêm tình trạng phát triển tự phát, không theo quy hoạch.

Có thể nói, chính những yếu kém, hạn chế trong công tác phân cấp quản lý đầu tư từ NSNN là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, chồng chéo, công trình thi công chậm, thiếu đồng bộ, sản phẩm dở dang nhiều dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Bản thân, Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/20/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ cũng đã thừa nhận “do phân cấp quá rộng lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán và lãng phí nguồn lực của nhà nước”.

Luật Đầu tư năm 2014 đã có sự thay đổi trong phân cấp quyết định chủ trương đầu tư cũng như thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn… kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng yếu kém trước đây.

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ ĐẦU TƯ CÔNG TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CỦA HUYỆN QUẾ SƠN TỈNH QUẢNG NAM. (Trang 39 - 41)