Đối với người thừa kế có quyền hưởng di sản theo khi thỏa mãn các điều kiện của người được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo qui định của pháp luật và không nằm trong một số trường hợp như từ chối nhận di sản, nhường quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản, không có quyền hưởng di sản…thì người thừa kế hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý để được hưởng di sản.
Khi người thừa kế có hành vi vi phạm khoản 1 và không thuộc khoản 2 Điều 643: "Những người qui định tại khoản 1điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó nhưng vẫn cho họ hưởng di sản" thì bất kể người có quyền hưởng di sản nào trong đó có những người được hưởng thừa kế theo di chúc hay theo qui định của pháp luật cũng bị tước quyền thừa kế.
Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp người được hưởng di sản khác nhưng chưa có qui định cụ thể:
Trường hợp một:
Về vấn đề thừa kế thế vị theo qui định của Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005, điều kiện để cháu được hưởng thừa kế thế vị phụ thuộc vào sự kiện cha hoặc mẹ cháu hoặc chắt chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà nội ngoại hoặc các cụ nội, ngoại là điều kiện để cháu được hưởng thừa kế thế vị. Điều 677 còn qui định cháu hoặc chắt được hưởng phần di sản mà cha mẹ
cháu được hưởng nếu còn sống, như vậy theo qui định tại Điều 677 thì cháu hoặc chắt không được hưởng thừa kế thế vị nếu cha hoặc mẹ chắt khi còn sống mà không có quyền hưởng di sản, cho dù cha mẹ của cháu hoặc chắt chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản là ông bà nội, ngoại, các cụ nội, ngoại.
Liên quan đến vấn đề thừa kế thế vị đối với con của người bị tuyên bố không có quyền hưởng di sản có ý kiến cho rằng nếu cha mẹ bị tuyên bố không có quyền hưởng di sản theo qui định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì đương nhiên họ không có quyền hưởng phần di sản mà lẽ ra họ có quyền được hưởng nên không thể để cho con cháu thế vị của họ được hưởng thừa kế tài sản của người để lại di sản. Tuy nhiên ý kiến này chưa hợp lý bởi xét về bản chất của thừa kế thế vị là nhằm đảm bảo quyền thừa kế của cháu, chắt cùng như nghĩa vụ của ông bà với cháu. Để bảo vệ quyền lợi của cháu chắt khi bản thân họ không bị Tòaán tước quyền, họ không bị người để lại di sản truất quyền thừa kế thì nên cho họ hưởng thừa kế thế vị thay cho cha mẹ họ đã bị tước quyền thừa kế khi còn sống, đặc biệt là trong trường hợp cháu, chắt chưa thành niên. Điều 47 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 qui định:
Ông bà nội, ngoại có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho cháu. Trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu[26].
Như vậy qui định về người thừa kế không được quyền hưởng di sản chỉ nên áp dụng với bản thân của người đó, còn con cháu của những người đó quyền thừa kế một cách bình thường theo pháp luật bởi ngay tại khoản 2 Điều 643 khi người thừa kế phạm tội tày đình, bất xứng nhưng nếu như người để lại di sản bỏ qua, tha thứ cho lỗi lầm thì họ vẫn được hưởng thừa kế. Đây
là một khoảng trống cần được bổ sung, tránh trường hợp con cháu phải gánh chịu hậu quả bất lợi về tài sản xuất phát từ hành vi sai trái của ông bà, cha mẹ, hơn nữa với một qui định chưa rõ ràngsẽ dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật một cách sai lầm trong việc phân chia di sản thừa kế thế vị cho các cháu trong trường hợp cha mẹ cháu bị kết án về một trong những hành vi qui định tại khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2005. Để tránh sự hiểu lầm và áp dụng sai pháp luật, theo tác giả Phùng Trung Tập trong "Luật thừa kế Việt Nam"Điều 677 nên bỏ cụm từ "thì cháu, chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ cháu, chắt được hưởng nếu còn sống". Theo ý kiến của tác giả thì Điều 677 nên được sửa như sau: "Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì cháu thay thế vị trí của cha hoặc mẹ hưởng di sản của ông, bà; nếu cháu cũng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt thay thế vị trí của cha hoặc mẹ hưởng di sản của các cụ" [30]. Quan điểm trên là hoàn toàn chính xác, phù hợp với phong tục tập quán, quan niệm của trong nhân dân và phù hợp với bản chất của pháp luật thừa kế đó là bảo vệ khối di sản của thế hệ trước cho thế hệ sau.
Khác với pháp luật thừa kế ở Việt Nam, Điều 725-1 Bộ luật Dân sự Pháp qui định:
Các con của người không xứng đáng hưởng thừa kế, đến lượt họ được hưởng thừa kế mà không dựa vào thừa kế thế vị, không bị truất quyền thừa kế do lỗi của người cha; trong bất cứ trường hợp nào người cha không thể đòi hỏi được quyền thu hoa lợi đối với sản phẩm, quyền thu hoa lợi mà pháp luật công nhận cho cha mẹ đối với tài sản của các con[6].
Đối với người thế vị theo qui định của Bộ luật Dân sự Pháp phải là người có đầy đủ khả năng thừa kế đối với người có di sản, họ phải là người có quyền hưởng di sản của người chết. Nếu họ ở trong tình trạng không có quyền
hưởng di sản thì họ không thể thế vị người chết trước để nhận lấy phần mà người chết được hưởng khi còn sống. Như vậy người thế vị chỉ mượn thứ bậc của người được thế vị để thực hiện quyền thừa kế theo pháp luật của mình. Người thừa kế thế vị trong Bộ luật Dân sự Pháp được hưởng các quyền lợi của họ từ pháp luật chứ không phải từ người được thế vị. Khi các điều kiện của thừa kế thế vị hội đủ họ sẽ thế vào chỗ của người được thế vị để nhận di sản với tư cách chính mình.
Điều 1607 Bộ luật Dân sự Thái Lan cũng qui định: Hiệu lực của việc loại trừ khỏi việc thừa kế là mang tính cá nhân. Nhưng con cháu của người thừa kế bị loại trừ vẫn được thừa kế như thể người thừa kế đó đã chết nhưng đối với tài sản để lại như vậy thì người thừa kế bị loại trừ không có quyền quản lý và thu hoa lợi" [8].
Hay tại Điều 887 Bộ luật Dân sự Nhật Bản: "Nếu đứa trẻ hoặc những đứa trẻ của người để lại di sản chết hoặc mất quyền thừa kế theo qui định của Điều 891 hoặc qui định của Tòa án thì con cái của những người đó sẽ trở thành người thừa kế thế vị. Điều này không áp dụng đối với bất kỳ đứa trẻ nào không phải là con cháu trực hệ của người để lại thừa kế".
Như vậy, theo qui định pháp luật của các nước trên cho thấy người được hưởng thừa kế thế vị không những được hưởng từ người đã chết, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản mà cả trong trường hợp người không có quyền hưởng di sản hoặc bị truất quyền hưởng di sản thì con cháu của người bị loại trừ vẫn có quyền hưởng thừa kế thế vị.
Trường hợp thứ hai, đối với trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc qui định tại Điều 669 Bộ luật Dân sự năm 2005 gồm cha mẹ, vợ chồng, con chưa thành niên và con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Đây là những người thừa kế không thể bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 của một suất theo luật, theo qui định của pháp luật những người được
hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được hưởng phần di sản của mối người tối thiểu bằng 2/3 của một suất thừa kế nếu di sản được chia theo pháp luật. Tuy nhiên những người thừa kế theo qui định tại Điều 669 Bộ luật Dân sự không được hưởng di sản nếu từ chối nhận di sản (theo qui định tại Điều 642 Bộ luật Dân sự) hoặc họ là người không có quyền hưởng di sản (theo qui định tại khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự). Ví dụ: Ông A có các con là C, D, E, trong đó E chưa thành niên. C, D đã kết hôn nên ông A chung sống cùng con út là E. E nghiện ma túy nên thường xuyên đánh đập, chửi mắng ông A để lấy tiền chích hút. Khi lập di chúc ông A đã truất quyền hưởng di sản của E và dành toàn bộ di sản cho hai con là C và D, theo Điều 669 thì E là con chưa thành niên E là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nên E được hưởng 2/3 của một suất thừa kế theo luật. Nhưng theo qui định tại khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự, E là người không có quyền hưởng di sản do đã có hành vi vi phạm điểm a của điều luật trên, kể cả 2/3 một suất thừa kế theo luật từ di sản để lại của ông A, E cũng không có quyền được hưởng. E không được hưởng di sản trong trường hợp trên không phải do di chúc quyết định mà do pháp luật qui định. Mặc dù không có qui định cụ thể nhưng đối với những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc tại Điều 669 Bộ luật Dân sự nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật qui định tại khoản 1 Điều 643 thì họ không có quyền được hưởng di sản của người chết để lại.
Trường hợp thứ ba, người được hưởng di sản thừa kế có thể là cơ quan, tổ chức hoặc người được hưởng di sản là Nhà nước trong trường hợp người để lại di sản không có người thừa kế. Tuy nhiên Điều 643 chỉ áp dụng được với người thừa kế không có quyền hưởng di sản là cá nhân, còn đối với chủ thể có quyền hưởng di sản là cơ quan hoặc tổ chức thì điều luật chưa đề cập tới.
Chương 3
THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN NHỮNG QUI ĐỊNH VỀ NGƯỜI KHÔNG CÓ QUYỀN HƯỞNG DI SẢN