2.1. NHỮNG TRƯỜNG HỢP NGƯỜI THỪA KẾ KHÔNG CÓ QUYỀN HƯỞNG DI SẢN HƯỞNG DI SẢN
Theo qui định tại khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2005, người thừa kế sẽ bị tước quyền hưởng di sản khi thực hiện một trong những hành vi sau đây.
2.1.1. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người đó
Hành vi xâm phạm đến tính mạng người để lại di sản của người thừa kế mặc dù không vì động cơ trục lợi, không vì mục đích để hưởng di sản thì họ vẫn bị tước quyền hưởng di sản. Tuy nhiên hành vi đó phải mang lỗi cố ý, nếu người thừa kế vô ý làm thiệt hại đến tính mạng người để lại di sản và đã bị kết án bằng một bản án hình sự đã có hiệu lực thì họ vẫn không bị tước quyền hưởng di sản. Việc xem xét lỗi của người có hành vi xâm phạm đến tính mạng người để lại di sản có ý nghĩa quyết định đến việc người thừa kế có được quyền hưởng di sản không.
Theo Điều 9 Bộ luật Hình sự 1999, cố ý phạm tội là phạm tội trong trường hợp sau:
1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Cố ý giết người là trường hợp trước khi có hành vi tước đoạt tính mạng của người khác, người phạm tội nhận thức rõ hành động của mình tất yếu hoặc có thể gây ra cái chết cho nạn nhân, mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết. Sự hình thành ý thức của người có hành vi giết người được biểu hiện ở những trạng thái khác nhau.
Thứ nhất: Trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tất yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó phát sinh. Ý thức của người phạm tội trong trường hợp này biểu hiện rất rõ nét bằng những hành vi như chuẩn bị hung khí, phương tiện, điều tra, theo dõi mọi hoạt động của người mà người phạm tội định giết… Tuy nhiên cũng có trường hợp trước khi hành động người phạm tội không có thời gian chuẩn bị nhưng họ vẫn thấy trước hậu quả tất yếu sẽ xảy ra và mong muốn cho hậu quả phát sinh.
Thứ hai: Trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra mà không chắc chắn nhất định sẽ xảy ra vì người phạm tội chưa tin vào hành vi của mình sẽ gây ra hậu quả chết người.
Thứ ba: Dạng biểu hiện thứ ba đó là trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Chủ thể của tội giết người là bất kỳ, nhưng phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự qui định người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm mà họ đã gây ra như tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Điều 12 Bộ luật Hình sự).
Ngoài việc thỏa mãn điều kiện về độ tuổi, theo khoản 1 Điều 13 Bộ luật Hình sự một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ tiêu chuẩn y học, có nghĩa họ là người có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Như vậy chỉ khi nào một người mắc bệnh tâm thần tới mức làm mất khả năng nhận thức hành vi của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra thì mới được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi của người mắc bệnh trong trường hợp trên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng họ phải được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Hành vi cố ý giết người để lại di sản là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho người để lại di sản, chấm dứt sự sống của người đó một cách trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người, tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.
Trong trường hợp người thừa kế chỉ bị kết án về hành vi vô ý làm chết người để lại di sản thì người đó vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật nhận di sản của người bị chính người thừa kế đã vô ý gây ra cái chết cho người để lại di sản. Như vậy, chỉ có những người phạm tội cố ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản mới bị tước quyền hưởng di sản, còn vô ý thì không thuộc trường hợp này. Hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác được qui định tại chương XIV Bộ luật Hình sự năm 1999 "Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người" và nạn nhân chính là người để lại di sản.
Đối với tội xâm phạm đến tính mạng, là tội xâm phạm đến quyền sống của con người. Có nhiếu trường hợp xảy ra và có mức độ nguy hiểm cho xã hội ở mức độ khác nhau. Người thừa kế bị tòaán kết án về tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự; tội giết con mới đẻ Điều 94 Bộ luật Hình sự; tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh Điều 95 Bộ luật Hình sự; tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng Điều 96 Bộ luật Hình
sự hoặc cũng có thể xâm phạm một cách gián tiếp như tội bức tử Điều100 Bộ luật Hình sự; tội xúi giục người khác tự sát Điều 101 Bộ luật Hình sự; tội không cứu giúp người ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng Điều 102 Bộ luật Hình sự và chính những hành vi này là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người để lại di sản.
Với tội xâm phạm đến sức khỏe, người phạm tội đã có hành vi tác động đến thân thể của người khác làm cho người này bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe. Hành vi này về hình thức cũng giống hành vi của tội giết người nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn nên nó chỉ làm cho nạn nhân bị thương hoặc bị tổn hại về sức khỏe mà không làm cho nạn nhân bị chết. Hành vi của người phạm tội được thực hiện do cố ý, nhưng so với tội giết người thì sự cố ý trong trường hợp gây thương tích có mức độ nguy hiểm thấp hơn vì người phạm tội chỉ mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại về sức khỏe màkhông mong muốn cho nạn nhân chết. Hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác được qui định cụ thể: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Điều 104 Bộ luật Hình sự; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh Điều 105 Bộ luật Hình sự;Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng… Cũng như tội xâm phạm tính mạng, hành vi xâm phạm đến sức khỏe được thực hiện ở những mức độ khác nhau, trong mỗi trường hợp có những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, mức độ nguy hiểm chênh lệch nhưng điều này chỉ có ý nghĩa trong xét xử hình sự, còn để áp dụng tại Điều 643 thì không vì hành vi xâm phạm đến sức khỏe đều là cố ý nên người phạm tội chỉ cần bị kết án về một trong những hành vi trên thì họ đều bị tước quyền hưởng di sản.
Hành vi ngược đãi, vi phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản là những hành vi đối xử trái pháp luật và vô đạo đức
thường được thực hiện thông qua hành động chửi mắng, nhục mạ, bỏ mặc, bắt ăn đói, mặc rách làm cho người để lại di sản đau đớn về mặt tinh thần, danh dự bị xúc phạm, bị giày vò và khốn khổ về thể xác. Những hành vi trên được qui định tại Điều 110 tội hành hạ người khác; Điều 111, 112 tội hiếp dâm trẻ em; Điều 114-tội cưỡng dâm trẻ em; Điều 115 tội giao cấu với trẻ em; Điều 116 tội dâm ô với trẻ em; Điều 119 tội mua bán phụ nữ; Điều 121 tội làm nhục người khác;Điều122 tội vu khống...
Những hành vi nói trên vi phạm ở mức độ như thế nào thì bị coi là nghiêm trọng, điều này chưađược qui định và giải thích cụ thể bằng văn bản pháp luật. Tuy nhiên theo qui định của pháp luật, khi người được hưởng di sản có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản chỉ bị tước quyền hưởng di sản khi hành vi đó đã bị kết án bằng một bản án đã có hiệu lực của Tòa án. Nghĩa là một hành vi khi thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm và đã bị kết án bằng một bản án hình sự về hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản tự nó đã xác định tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chính là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết việc thừa kế tuyên bố những người có hành vi đó không được quyền hưởng di sản. Tuy nhiên đối với những trường hợp một người mặc dù đã có đủ căn cứ chứng tỏ người đó có hành vi ngược đãi, vi phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng chưa bị kết án hoặc không thể kết án thì họ có được hưởng di sản của người chết để lại không? Về vấn đề này, tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2004 đã khẳng định một nguyên tắc "Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật". Nhưng theo qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2004, một vụ án hình sự phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau từ khởi tố, điều tra, xét xử sơ thẩm, nếu có kháng cáo, kháng nghị còn có thể kéo dài đến phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mới có được bản án cuối
cùng đúng pháp luật. Và thời điểm mở thừa kế chính là thời điểm người có di sản chết, như vậy trong thời gian chưa bị kết án thì những người thừa kế đó vẫn được chia di sản thừa kế vì chưa có đủ căn cứ chính xác xác nhận họ là người có tội.
Khi người phạm tội có hành vi làm trái với qui định của Bộ luật hình sự thì họ sẽ phải gánh chịu hình phạt nghiêm khắc mà Tòa án thay mặt Nhà nước áp dụng đối với hành vi của họ. Nhưng theo qui định tại Điều 12, Điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999 không thể kết án đối với người phạm tội cho dù họ đã thực hiện những hành vi đã liệt kê ở trên:
Thứ nhất: Tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 1999 "Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng", vậy trong trường hợp người phạm tội dưới 14 tuổi hoặc từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi nhưng phạm tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng với lỗi vô ý thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này nếu đánh giá một cách khách quan trên thừa tế thì không hợp lý, như hành vi giết người táo bạo và liều lĩnh với động cơ chiếm đoạt tài sản của một đứa trẻ chưa đủ 14 tuổi nhưng không thể kết án vì đứa trẻ đó chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, pháp luật dân sự cần có qui định về vấn đề này để không quá phụ thuộc vào tiêu chí phải có bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Điều 13 Bộ luật hình sự, về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình. Một người mắc bệnh tâm thần trong khi thực hiện hành vi phạm tội họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên việc mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức như bệnh tâm thần kinh niên, bệnh loạn thần, bệnh si ngốc, các bệnh gây rối loạn tinh thần tạm thời… phải được Hội đồng giám định tâm thần xác định và kết luận. Tuy
nhiên ở nước ta mặc dù ngànhh tâm thần học mới ra đời và đã có những kết quả nhất định nhưng vẫn còn bộc lộ những hạn chế về kiến thức tâm thần học trong đội ngũ cán bộ y tế về việc phòng và chữa bệnh tâm thần cũng như việc xác định năng lực trách nhiệm hình sự đối với người mắc bệnh tâm thần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Có những trường hợp kết quả của việc xác định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự giữa các hội đồng giám định tâm thần lại trái ngược nhau, làm cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội không chính xác, thậm chí có những kết luận của Hội đồng giám định vì thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với trạng thái của người phạm tội nên không được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận kết quả giám định đó.
Thứ hai: Hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể là 5 năm với tội phạm ít nghiêm trọng, 10 năm với tội phạm nghiêm trọng, 15 năm với đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hết thời hạn trên mà người phạm tội không bị kết án thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ ba: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp (Điều 25 Bộ luật hình sự).
+ Nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
+ Trong trường hợp trước khi thực hiện hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã đầu thú, khai rõ sự việc, góp phần hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
+ Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá.
Theo qui định tại Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999, cả 3 trường hợp trên người phạm tội đã thực hiện hành vi trái với qui định của Bộ luật hình sự đã gây ra hoặc đe dọa gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, thông thường trong những trường hợp trên người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng do chuyển biến của tình hình xã hội mà hành vi hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa hoặc khi Nhà nước có quyết định đại xá