CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Xem xét "Phạm vi và mức độ ảnh hưởng" của một hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất là xét đến những nội dung sau: (1) Nghĩa vụ của người thụ trái trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất; (2) Khi có tranh chấp về các điều khoản trong hợp đồng thì phải giải thích nghĩa vụ của từng người như thế nào; (3) nghĩa vụ từ hợp đồng đó ràng buộc những ai ngoài người thụ trái, nhất là khi hợp đồng bị hủy bỏ (đây là vấn đề hiệu lực tương đối của nghĩa vụ).
2.3.1. Về "nghĩa vụ của người thụ trái" trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất quyền sử dụng đất
Pháp luật Việt Nam quy định người thụ trái trong hợp đồng nói chung, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất nói riêng có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ xuất phát từ hợp đồng đã ký kết theo các nguyên tắc:
1. Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức thanh toán và các thỏa thuận khác; 2. Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau; 3. Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác[7,Điều 412].
Tuy nhiên, Điều 405 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: "Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do pháp luật có quy định khác" và Điều 692 Bộ luật Dân sự 2005 quy định "Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai". Như vậy, theo quy định của pháp luật nước ta thì mặc dù người thụ trái có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng đã ký kết (Điều 4120, nhưng khi họ vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng thì họ sẽ chỉ bị xử lý khi hợp đồng đó được ký kết hợp pháp (nếu là một hợp đồng nói chung) hoặc là khi hợp đồng đó phải tiến đến bước cuối cùng là đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (nếu là hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất).