a.Dự báo nhu cầu sản xuất
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, mọi hoạt động thiết kế, hoạch định và tổ chức điều hành hệ thống sản xuất đều phải căn cứ vào kết quả dự báo nhu cầu sản xuất.
Đây là hoạt động giúp doanh nghiệp trả lời câu hỏi cần sản xuất sản phẩm gì? Số lượng bao nhiêu? Vào thời gian nào? Những đặc điểm kinh tế kỹ thuật cần có của sản phẩ, là gì? Do đó đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch các nguồn lực sản xuất cần có
b.Thiết kế sản phẩm và quy trình công nghệ
Thiết kế sản phẩm nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường và phù hợp với khả năng sản xuất của doanh nghiệp.
Thiết kế quy trình công nghệ là việc xác định những yếu tố đầu vào cần thiết như máy móc, thiết bị, trình tự các bước công việc và những yêu cầu kỹ thuật để có khả năng tạo ra những đặc điểm sản phẩm đã thiết kế. Mỗi loại sản phẩm đòi hỏi phương pháp và quy trình công nghệ sản xuất tương ứng.
Mục tiêu chủ yếu là tìm kiếm các ý tưởng về sản phẩm và công nghệ có thể sử dụng và khai thác trong tương lai. Nó có thể bắt đầu ngay từ khi một sản phẩm/công nghệ mới khác
bắt đầu được đưa ra thị trường, nhưng cũng có thể chỉ xuất hiện khi các sản phẩm đang được sử dụng đã tỏ rõ những ưu điểm và nhược điểm của chúng. Những ý tưởng mới này có thể được thu thập qua công tác nghiên cứu của bản thân doanh nghiệp, qua các thông tin chuyên ngành, qua các quan sát của cán bộ, nhân viên công ty, qua các hoạt động nghiên cứu của các bộ phận có liên quan của doanh nghiệp và qua các nguồn thông tin khác.
Trong giai đoạn thiết kế chi tiết sản phẩm và công nghệ, các ý tưởng về sản phẩm và công nghệ mới sẽ được lần lượt cụ thể hoá bằng các thiết kế cụ thể (về kiểu dáng, kết cấu, tính năng tác dụng, vật liệu, kỹ thuật sản xuất, khả năng sử dụng...) và kiểm định trên tất cả các mặt này. Sản xuất thử là giai đoạn bắt buộc phải có trong hầu hết các hoạt động nghiên cứu, thiết kế sản phẩm và công nghệ mới. Mục đích của việc này không chỉ là kiểm tra, đánh giá lại khả năng sản xuất ra sản phẩm hoặc khả năng sử dụng, vận hành công nghệ, nhằm kiểm tra, đánh giá hiệu quả của việc sản xuất, sử dụng đó mà nó giúp các nhà thiết kế phát hiện những bất hợp lý trong kết cấu của sản phẩm/công nghệ.
c.Hoạch định năng lực sản xuất của doanh nghiệp
Năng lực sản xuất là khả năng tạo ra lượng sản phẩm tính trong một đơn vị thời gian, được đo bằng Công suất sản xuất.
Ví dụ: số tấn than trong một ngày, số thuê bao điện thoại trong một tháng, số bom bia trong một quý, bệnh viện sử dụng đơn vị là giường bệnh sẵn sàng trong một tháng, sức chứa của một rạp chiếu bóng trong một buổi chiếu…
Những quyết định về công suất vừa mang tính chiến lược dài hạn vừa mang tính tác nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng duy trì hoạt động và phương hướng phát triển của từng doanh nghiệp.
Có nhiều loại công suất khác nhau. Nghiên cứu đồng thời các loại công suất đó cho phép đánh giá trình độ quản lý, sử dụng công suất một cách chính xác và toàn diện hơn.
Công suất lý thuyết: Là công suất tối đa có thể đạt được của một máy móc thiết bị nào đó theo các điều kiện lý thuyết được xác định trước. Điều kiện lý thuyết này được đặc trưng bởi: Máy móc hoạt động 24 giờ/ngày và 365 ngày/năm.
- Công suất thiết kế: Là công suất có thể đạt được trong các điều kiện sản xuất bình thường. Điều kiện bình thường này được đặc trưng bởi:
+ Máy móc thiết bị hoạt động bình thường không gặp phải bất cứ một gián đoạn nào mà không được dự tính trước như mất điện, hỏng hóc đột xuất,…
+ Các yếu tố đầu vào được đảm bảo đầy đủ.
+ Thời gian làm việc trong năm phù hợp với chế độ làm việc quy định trước công suất thiết kế do nhà sản xuất đưa ra, nó được tính dựa vào công suất thiết kế của máy móc thiết bị chủ yếu trong một giờ và số giờ làm việc trong năm
- Công suất mong đợi: Là tổng đầu ra tối đa mà doanh nghiệp mong muốn có thể đạt được khi tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình công nghệ, khả năng điều hành sản xuất, kế hoạch duy trì, bảo dưỡng, cân đối các hoạt động
- Công suất thực tế: là mức sản lượng (đầu ra) thực tế mà doanh nghiệp đạt được trong những điều kiện thực tế trong một đơn vị thời gian
Doanh nghiệp cần cân đối giữa công suất và nhu cầu, tránh lãng phí do công suất thừa, muốn vậy doanh nghiệp cần: Đánh giá công suất hiện có, Ước tính nhu cầu công suất, Xác định công suất bổ xung, Xác định các phương án công suất, Chọn phương án công suất thích hợp, Đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của phương án
d.Xác định vị trí đặt doanh nghiệp (Định vị doanh nghiệp)
Định vị doanh nghiệp là quá trình lựa chọn vùng và địa điểm bố trí doanh nghiệp, nhằm đảm bảo thực hiện những mục tiêu chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đã lựa chọn.
❖ Vai trò:
- Tạo ra lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ thoả mãn tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn các sản phẩm và dịch vụ mà không cần phải đầu tư thêm
- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, nâng cao khả năng thu hút khách hàng, thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tăng doanh thu và lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp.
- Định vị hợp lý doanh nghiệp làm cho cơ cấu chi phí sản xuất hợp lý hơn, giảm những lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
- Ảnh hưởng trực tiếp tới công tác tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau này.
- Cho phép doanh nghiệp xác định, lựa chọn những khu vực có điều kiện tài nguyên và môi trường kinh doanh thuận lợi, khai thác các lợi thế của môi trường nhằm tận dụng, phát huy tốt nhất tiềm năng bên trong
e. Bố trí sản xuất trong doanh nghiệp
Bố trí sản xuất trong doanh nghiệp là việc tổ chức, sắp xếp, định dạng về mặt không gian các phương tiện vật chất được sử dụng để sản xuất ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường. Kết quả của bố trí sản xuất là hình thành các nơi làm việc, các phân xưởng, các bộ phận phục vụ sản xuất hoặc dịch vụ và dây chuyền sản xuất.
❖ Vai trò:
- Tối thiểu hoá chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm - Giảm thiểu sự di chuyển dư thừa giữa các bộ phận, các nhân viên
- Thuận tiện cho việc tiếp nhận, vận chuyển nguyên vật liệu, đóng gói, dự trữ và giao hàng
- Giảm thiểu những công đoạn làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ
- Tạo sự dễ dàng, thuận tiện cho kiểm tra, kiểm soát các hoạt động - Tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch và liên lạc;
❖ Các hình thức bố trí mặt bằng sản xuất
- Bố trí theo sản phẩm: Sắp theo một dòng liên tục những việc cần thực hiện để hoàn thành một công việc cụ thể. Thích hợp với trường hợp sản xuất một hay một số ít loại sản phẩm với số lượng lớn trong một thời gian tương đối ngắn: lắp ráp ôtô, tủ lạnh, máy giặt, nước đóng chai...Dòng di chuyển của sản phẩm có thể là theo một đường thằng, đường gấp khúc hoặc có dạng chữ U, chữ L, W, M hay xương cá
- Bố trí theo quá trình: Nhóm những công việc tương tự nhau thành những bộ phận có cùng quá trình hoặc chức năng thực hiện. Quá trình chế tạo di chuyển từ bộ phận này sang bộ phận khác theo trình tự các công đoạn phải thực hiện trên đó. Phù hợp với hình thức sản xuất gián đoạn, chủng loại và mẫu mã đa dạng, thể tích của mỗi sản phẩm tương đối nhỏ, đơn hàng thường xuyên thay đổi, cần sử dụng một máy cho hai hay nhiều công đoạn
- Bố trí theo vị trí cố định:sản phẩm được đặt cố định tại một địa điểm và người ta sẽ mang máy móc thiết bị, công nhân và nguyên vật liệu đến để thực hiện các công việc tại chỗ. Hình thức này phù hợp với các sản phẩm dễ vỡ, cồng kềnh hoặc nặng nề: sản xuất máy bay, chế tạo tàu thủy, các những công trình xây dựng, xây lắp...
- Bố trí hỗn hợp
+ Tế bào sản xuất: máy móc thiết bị được nhóm vào một tế bào mà ở đó có thể chế biến các sản phẩm, chi tiết có cùng những đòi hỏi về mặt chế biến.
+ Bố trí theo nhóm công nghệ bao gồm việc xác định các chi tiết bộ phận giống nhau và nhóm chúng thành các bộ phận cùng họ.
f. Lập kế hoạch các nguồn lực
Lập kế hoạch các nguồn lực bao gồm việc xác định kế hoạch tổng hợp về nhu cầu sản xuất, trên cơ sở đó lập kế hoạch về nguồn lực sản xuất nói chung và kế hoạch về bố trí lao động, sử dụng máy móc thiết bị, kế hoạch chi tiết về mua sắm nguyên vật liệu... nhằm đảm bảo sản xuất diễn ra liên tục, với chi phí thấp nhất
Mục tiêu Lập kế hoạch các nguồn lực: phát triển kế hoạch sản xuất có tính hiện thực và tối ưu.
g. Điều độ sản xuất
- Khái niệm: Điều độ sản xuất là phân bổ nguồn lực theo thời gian để thực hiện các công việc sản xuất.
- Bản chất: là toàn bộ các hoạt động xây dựng lịch trình sản xuất, điều phối, phân giao công việc cho từng người, từng nhóm người, từng máy và sắp xếp thứ tự các công việc ở từng nơi làm việc nhằm đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đã xác định trong lịch trình sản xuất trên cơ sở sử dụng có hiệu quả khả năng sản xuất hiện có của doanh nghiệp
- Nhiệm vụ: Cực tiểu thời gian hoàn thành. Cực đại độ sử dụng máy móc.
Cực tiểu lựơng công việc đang thực hiện. Cực tiểu thời gian trễ hạn.
- Lợi ích: Điều tiết, cân đối cung cầu trong phạm vi doanh nghiệp. Tạo sự tương thích trong chuỗi cung ứng.
h. Kiểm soát hệ thống sản xuất
Kiểm soát hệ thống sản xuất bao gồm kiểm tra kiểm soát chất lượng và quản trị hàng tồn kho
Quản trị hàng tồn kho cần đảm bảo tính hiệu quả và tính đáp ứng
Quản trị chất lượng chính là nâng cao chất lượng của công tác quản lý các yếu tố, bộ phận toàn bộ quá trình sản xuất của mỗi doanh nghiệp.
DANH MỤC THUẬT NGỮ QUAN TRỌNG
Định vị doanh nghiệp Điều độ sản xuất
Hoạch định năng lực sản xuất Sản xuất chế tạo
Sản xuất không chế tạo
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Phân loại sản xuất theo một số tiêu chí: số lượng sản xuất, hình thức tổ chức sản xuất, quá trình hình thành sản phẩm.
2. Trình bày nội dung của công tác quản trị sản xuất trong chuỗi cung ứng.
THẢO LUẬN
1. Tìm hiểu về phương pháp quản trị chất lượng 6 sigma. Lấy ví dụ về các công ty đã thành công nhờ vào việc áp dụng 6 sigma.
2. Trình bày hệ thống sản xuất tinh gọn (Lean) và sự kết hợp giữa Lean và 6 sigma. Minh họa bằng ví dụ tại một vài DN