Kính thưa Quốc hội,
Tôi trao đổi với đồng chí Bộ trưởng, mặc dù đang còn thời gian nhưng vì hôm nay là thứ bảy cho nên xin phép Quốc hội cho tôi được gút lại một số vấn đề để rồi chúng ta nghỉ sớm.
Báo cáo Quốc hội,
Đây là dự án luật trình ra Quốc hội lần đầu để Quốc hội thảo luận cho ý kiến, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tiếp thu và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới. Cho đến lúc này đã có 19 đại biểu Quốc hội đăng ký và phát biểu tại hội trường, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội rất phong phú, toàn diện và có nhiều ý kiến rất cụ thể, đề cập đến cả nội dung và kỹ thuật lập pháp của văn bản.
Vấn đề thứ hai là đại biểu Quốc hội nhất trí cao với việc cần thiết phải ban hành luật này để phòng, chống tình trạng mua bán người hiện nay ở nước ta. Về cơ bản đồng ý với phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Tuy nhiên có ý kiến nói rằng có xung đột với các luật khác không, ví dụ đại biểu Hồ Trọng Ngũ đã phát biểu. Đây không phải là luật đầu tiên mà chúng ta đã có thực tiễn trong luật pháp của chúng ta như Luật phòng, chống tham nhũng; Luật phòng, chống ma túy; Luật phòng, chống mại dâm v.v.... trong những đạo luật đó cũng quy định những hành vi liên quan đến Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự.
Vấn đề thứ ba, về khái niệm và thuật ngữ. Tôi xin phép không nhắc lại, nhưng ý chung là phải chuẩn xác lại khái niệm các thuật ngữ trong dự án luật này, nhất là hành vi mua bán người, hành vi liên quan đến việc mua bán người để bảo đảm sự thống nhất giữa Luật hình sự và tố tụng hình cùng với đạo luật này để dễ dàng và thuận lợi khi chúng ta áp dụng pháp luật.
Vấn đề thứ tư, cần phải rà soát lại các điều khoản để bảo đảm tính thống nhất của các điều trong luật này với các luật khác đã được Quốc hội ban hành, như Điều 6 về miễn giảm trách nhiệm hình sự. Điều 15: trách nhiệm của nhà trường liên quan đến Luật giáo dục. Điều 16 liên quan đến Luật doanh nghiệp v.v...Ở đây muốn rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Vấn đề thứ năm, đề nghị phải quan tâm đến các quy định của luật này để bảo đảm tính khả thi phải phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, hoàn cảnh, đặc điểm của đất nước ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và các chính sách kinh tế - xã hội đối với các đối tượng khác nữa. Cho nên, một loạt các quyền, nghĩa vụ, chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân ở trong các chương của luật này cần phải rà soát thêm, chỉnh lý lại cho chính xác.
Vấn đề thứ sáu, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, chính quyền địa phương, mặt trận Tổ quốc cũng có nhiều ý kiến đề cập đến chương này. Ở đây có vấn đề đề nghị cần phải bổ sung thêm nghĩa vụ, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp
nữa. Ở đây chúng ta chỉ nói đến trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thôi. Hội đồng nhân dân là khi mà ra các nghị quyết về kinh tế - xã hội, về các chính sách, vấn đề chức năng giám sát thì chúng ta chưa đề cập đến trong luật này và đại biểu đề nghị rất xác đáng.
Về vấn đề hợp tác quốc tế, tính tương thích của dự thảo luật này với các công ước, điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên thì cũng đề nghị rà soát thêm và nhất là chương về hợp tác quốc tế thì quy định như trong dự thảo còn đang chung, đang còn mang tính nguyên tắc, nên nêu ra những nội dung hợp tác cụ thể. Ví dụ như trong việc giải cứu, trong việc bảo vệ, trong việc hỗ trợ v.v... và thực hiện việc chuyển giao v.v... thì hợp tác tương trợ tư pháp, chỗ này đề nghị quy định rõ hơn, cụ thể hơn.
Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội nêu rất nhiều các ý kiến cụ thể liên quan đến những vấn đề cụ thể của các nội dung trong các điều luật của luật này. Ví dụ, vấn đề cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, những vấn đề giả mạo nạn nhân để hưởng các chế độ chính sách, các điều cấm v.v... Tất cả những chỗ này chúng tôi sẽ chỉ đạo Đoàn thư ký tập hợp đầy đủ và sẽ có báo cáo giải trình trước Quốc hội khi xem xét thông qua dự án luật này. Xin cảm ơn ơn Quốc hội.