Kính thưa Quốc hội.
Chúng tôi rất ủng hộ việc ban hành luật này là đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong điều kiện hiện nay, đặc biệt trong những năm gần đây tình hình mua bán người xảy ra phổ biến và gây ra nhiều hậu quả rất nghiêm trọng. Tuy nhiên để cho luật tốt hơn chúng tôi có đóng góp một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về giải thích từ ngữ, chúng tôi thấy thực ra dùng từ mua bán người thì không sát lắm, nhưng chúng tôi thấy trong vốn từ vựng tiếng Việt thì khó tìm ra một từ nào, thuật ngữ nào để diễn đạt tốt hơn vấn đề này. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng Ban soạn thảo vẫn còn lúng túng trong việc giải thích từ ngữ tại Điều 2 và qui định của Điều 3. Khái niệm này theo chúng tôi nghĩ cần phải làm thế nào để nó đảm bảo tính thống nhất với công ước quốc tế về phòng, chống mua bán người. Ngay Điều 2 cũng thế thôi, Ban soạn thảo cho rằng là gì? mua bán người là hành vi chuyển giao rồi tiếp nhận, nhưng mà chuyển giao là mua bán. Nhưng cuối cùng đoạn dưới thì "tuyển mộ" là hành vi v.v... để mua bán hoặc chuyển giao, rồi Khoản 3 cũng thế, Khoản 4 cũng thế.
Thứ hai, ở Điều 3, cũng nói mua bán người gồm có 3 loại hành vi: thứ nhất là mua bán, thứ hai là chuyển giao tiếp nhận, trong khái niệm ở Điều 1 mua bán là hành vi chuyển giao tiếp nhận rồi, như vậy Khoản 2, Khoản 1 thực ra là một. Khoản 3 là tuyển mộ, vận chuyển v.v..., tôi nghĩ tất cả những cái này, tuyển mộ, vận chuyển, môi giới, chứa chấp. Đó là những hành vi, những thể hiện khách quan của hành vi đồng phạm hoặc thể hiện khác của hành vi mua bán người thôi.
Thứ tư, về chuyển giao, tuyển mộ ở đây là trái pháp luật hay trái ý muốn. Chúng tôi cho rằng ở đây là trái ý pháp luật, thực ra trái ý muốn thì lúc nãy đại biểu ở tỉnh Lai Châu đã nói rồi. Do lạc hậu nên nhiều trường hợp nạn nhân bị mua bán không phải trái ý muốn mà là đồng ý, thậm chí có trường hợp hoàn toàn đồng tình. Trong một số năm trước đây chúng tôi có xử một vụ án là vợ chồng đồng ý bàn bạc với nhau là chồng cứ bán vợ sang Trung Quốc lấy 4.000 tệ, bán được 2 ngày vợ lại trốn về rồi bán chỗ khác, bán đi bán lại 4 lần thì bị phát hiện và bị bắt về tội buôn bán người. Rõ ràng trong trường hợp này không thể gọi là trái ý muốn được, bán chỗ này rồi trốn về lại bán chỗ khác đến 4 lần, trong trường hợp này phải gọi là trái pháp luật mới đúng. Chúng tôi cho rằng đề nghị hoàn thiện Khoản 1, Điều 2 và bỏ Điều 3 với tinh thần mua bán người là hành vi chuyển giao, tiếp nhận người trái pháp luật vì mục đích tư lợi hoặc mục đích cá nhân khác. Từ đây cơ quan sẽ có thẩm quyền sẽ có nghị định, thông tư hướng dẫn thế nào là chuyển giao, thế nào là tiếp nhận và các thể hiện khác nhau của hành vi này. Đó là vấn đề thứ nhất.
Vấn đề thứ hai, về phòng ngừa mua bán người, chúng tôi cho rằng cũng như phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật hoặc tội phạm khác, trước tiên phải là các biện pháp kinh tế - xã hội, sau đó mới là các biện pháp chuyên biệt. Báo cáo với Quốc hội, chúng tôi thường nói chủ yếu là phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra công an, viện kiểm sát, tòa án khi xử lý một vụ việc chẳng
qua là ngắt lá héo, lá sâu trên cây cho cây nó đẹp thôi. Thực ra cây đó để không bị sâu, không bị héo thì phải chăm sóc, dưỡng từ giống, từ gốc, mà ở giống, ở gốc chính là biện pháp kinh tế - xã hội chứ không phải do các cơ quan pháp luật làm không tốt, dẫn đến vi phạm, tội phạm nhiều. Tôi cho rằng vấn đề đầu tiên phải là vấn đề kinh tế - xã hội vì thế Điều 12 phải viết đầu tiên, chúng tôi cũng cho rằng không thể lồng ghép nội dung phòng, chống này vào mà phải thực tiện tốt các biện pháp kinh tế - xã hội để chống đói nghèo, để chống lạc hậu, đó chính là biện pháp tốt nhất, phòng ngừa tốt nhất để không xảy ra tình trạng buôn bán người, không bị lợi dụng để xin việc làm, không bị lợi dụng để mua bán, không bị lợi dụng để việc này, việc khác. Từ đó, về trách nhiệm tương ứng của các cơ quan, trước hết là cơ quan lao động, thương binh và xã hội, sau đó thì mới tuyên truyền và sau đó mới các biện pháp chuyên biệt, đó là vấn đề thứ hai về phòng ngừa chúng tôi cho là như vậy.
Vấn đề thứ ba, về bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân chúng tôi cho rằng phải có 3 điểm: điểm thứ nhất nên xác định nạn nhân của hành vi mua bán người cũng như các nạn nhân của xã hội khác, nạn nhân của tội phạm, nạn nhân của thiên tai, địch họa, nạn nhân của các dịch bệnh v.v...Có như vậy thì chúng ta mới có một biện pháp thống nhất, hoàn chỉnh để hỗ trợ các nạn nhân xã hội. Chứ không nên như trong luật này là chúng ta xác định nạn nhân của mua bán người thành phần riêng, dẫn đến có những biện pháp riêng, những tổ chức riêng là không đúng. Ngoài nạn nhân của mua bán người thì chúng ta còn nhiều nạn nhân khác mà chúng ta cần phải quan tâm, chúng ta cần phải giúp đỡ, chúng ta cần phải hỗ trợ, đó là vấn đề thứ nhất.
Vấn đề thứ hai về tính khả thi của các biện pháp bảo vệ hỗ trợ nạn nhân theo dự thảo quy định thì rất đẹp, nhưng chúng tôi cho rằng rất khó tính khả thi, vấn đề này nhiều đại biểu đã phân tích nên tôi không phân tích thêm. Nhưng đề nghị làm thế nào có giải pháp để đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh kinh tế - xã hội, bối cảnh điều kiện của Việt Nam chúng ta.
Vấn đề thứ ba, cũng vì thế đề nghị xem xét lại việc hình thành các cơ sở bảo trợ, các cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Theo chúng tôi các vấn đề này nên để các cơ sở bảo trợ xã hội khác để thực hiện như đối với tất cả các nạn nhân khác.
Báo cáo với Quốc hội, chúng tôi có một số vấn đề góp ý để hoàn thiện dự thảo luật này. Xin cảm ơn Quốc hội.