Nguyễn Thị Thanh Hòa Bắc Ninh

Một phần của tài liệu 13-11c (Trang 31 - 32)

Kính thưa Quốc hội,

Tôi đồng tình với tên gọi của luật là Luật phòng, chống mua bán người. Mặc dù tên gọi như vậy nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng đối tượng bị mua bán phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 130 của Chính phủ cho thấy trong 5 năm thực hiện Chương trình 130 thì cả nước có 4008 nạn nhân bị lừa bán, trong đó phụ nữ là 3019, trẻ em là 491, khoảng 70 - 80% và dự đoán sắp tới nạn nhân là phụ nữ, trẻ em, đặc biệt trẻ em gái chưa có khả năng giảm, mấy lý do như sau:

Thứ nhất, trong tình trạng chúng ta đang tiến gần tới vấn đề mất cân bằng giới tính về phát triển dân số thì chắc chắn thiếu phụ nữ.

Thứ hai, tiếp cận từ góc độ giới cho thấy phụ nữ thường có trình độ văn hóa thấp hơn nam giới, cơ hội tìm việc làm cũng khó khăn hơn là nam giới, mà thủ đoạn phổ biến mà bọn tội phạm thường sử dụng lại là lợi dụng phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có văn hóa thấp và những người này thì lại sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận thông tin.

Thứ ba, những nạn nhân bị buôn bán là phụ nữ thì sẽ khó khăn hơn khi tái hòa nhập cộng đồng nếu như họ bị lừa bán để làm vợ hoặc làm gái mại dâm.

Thứ tư, tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài cũng có xu hướng tăng, đặc biệt chúng ta đều biết khi mà gia đình gặp khó khăn thường là phụ nữ lại là hy sinh thân mình để mà cứu giúp gia đình. Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em thì cũng chỉ ra tình trạng phụ nữ Việt Nam bị lừa dưới dạng kết hôn với người nước ngoài xảy ra nhiều ở các tỉnh, thành phố phía Nam.

Từ tình hình thực tế nêu trên và để thực hiện đúng như Khoản 1, Điều 5 về chính sách Nhà nước về phòng, chống mua bán người, đó là kết hợp phòng, chống mua bán người với lại thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, rồi với bình đẳng giới, với phòng, chống bạo lực gia đình, tôi có hai đề nghị như thế này.

Một là đề nghị Ban soạn thảo cần tổ chức đánh giá tác động của dự án Luật phòng, chống mua bán người đối với vấn đề bình đẳng giới. Mặc dù chúng tôi đọc, chúng tôi thấy Ban soạn thảo có đánh giá tác động tới 5 vấn đề, nhưng vấn đề bình đẳng giới không được đưa vào trong việc đánh giá tác động.

Ý kiến thứ hai, đề nghị trên cơ sở đánh giá tác động của luật trong bình đẳng giới để có các quy định mang tính nhạy cảm giới mà nó phù hợp với thực tế diễn ra của mua bán người tức là phụ nữ, trẻ em vẫn là nạn nhân chính nên có các quy định về quyền, nghĩa vụ của nạn nhân, phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, bao gồm cả quy định trách nhiệm cụ thể của Mặt trận, các đoàn thể, trong đó có Hội liên hiệp phụ nữ. Chỗ này chúng tôi đề nghị tham khảo thêm Luật phòng, chống bạo lực gia đình, chúng tôi thấy quy định như vậy cũng rất phù hợp.

Tôi thấy trong dự thảo dùng nhiều từ trung tính về giới, nhất là người, nạn nhân, thành viên và như đại biểu Độ đã phát biểu trước chúng ta thấy tình cảnh phụ nữ bị bán đi, bán lại 4 lần, chắc là ít khi có các ông chồng bị rơi vào tình trạng vợ bi bán như vậy. Cho nên các biện pháp đặt ra ở trong luật nên cụ thể hơn và nó thể hiện sát với thực tế là nạn nhân chủ yếu vẫn là phụ nữ và trẻ em. Tôi xin hết ý kiến.

Một phần của tài liệu 13-11c (Trang 31 - 32)