3- HÌNH CẮT VÀ MẶT CẮT
3.1- KHÁI NIỆM VỀ HÌNH CẮT VÀ MẶT CẮT
Đối với những vật thể có hình dạng bên trong phức tạp, nếu dùng nét khuất để thể hiện thì hình vẽ sẽ không được rõ ràng. Vì vậy trong bản vẽ kỹ thuật, thường dùng loại hình biểu diễn khác gọi là hình cắt và mặt cắt.
Nội dung của phương pháp hình cắt và mặt cắt như sau:
Để biểu diễn hình dạng bên trong của một vật thể, giả sử rằng dùng mặt phẳng tưởng tượng cắt qua phần cấu tạo bên trong như lỗ, rãnh ….của vật thể, vật thể bị cắt làm hai phần, bỏ đi phần vật thể giữa người quan sát và mặt phẳng cắt tưởng tưởng, chiếu vuông góc phần vật thể còn lại lên mặt phẳng hình chiếu song song với mặt phẳng cắt ta được một hình biểu diễn gọi là hình cắt (Hình 3.1.1a). Nếu chỉ vẽ các đường bao của vật thể nằm trên mặt phẳng cắt mà không vẽ các đường bao của vật thể ở phía sau mặt phẳng cắt thì hình biểu diễn đó gọi là mặt cắt ( Hình Hình 3.1.1b)
Hình 3.1.1 - Hình cắt và mặt cắt
TCVN 8-40 : 2003 quy định các quy tắc về biểu diễn hình cắt và mặt cắt dùng cho tất cả các loại bản bản vẽ kỹ thuật nói chung và TCVN 8-44 : 2003 quy định các quy tắc về biểu diễn hình cắt và mặt cắt dùng cho bản vẽ cơ khí nói riêng. TCVN 8-40 : 2003 và TCVN 8-44 : 2003 được chuyển đổi từ ISO 128-40 : 2001 và ISO 128-44 : 2001.
Như vậy hình cắt là hình biểu diễn các đường bao của vật thể nằm trên và nằm sau mặt phẳng cắt.
Cần chú ý rằng mặt phẳng cắt chỉ là mặt phẳng tưởng tượng. Việc cắt đó chỉ có tác dụng đối với một hình cắt hay mặt cắt nào đó, còn các hình biểu diễn khác không bị ảnh hưởng gì đối với việc cắt đó.
Để phân biệt phần vật thể nằm trên mặt phẳng cắt và phần vật thể ở phía sau mặt phẳng cắt, tiêu chuẩn quy định vẽ mặt cắt bằng ký hiệu vật liệu trên mặt cắt theo TCVN 7 : 1993.