Thực trạng pháp luật quy định về khái niệm về góp vốn bằng nhãn hiệu

Một phần của tài liệu Pháp luật về góp vốn bằng nhãn hiệu (Trang 85 - 86)

Như đã phân tích về những vấn đề lý luận và đề cập nội dung quy định của khung pháp luật về góp vốn bằng nhãn hiệu tại Chương 2, có thể nhận thấy, hoạt động góp vốn là việc đưa tài sản là nhãn hiệu vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Xét về mặt biểu hiện ra bên ngoài, các định nghĩa này cho thấy góp vốn là việc người đầu tư đổi tài sản thuộc sở hữu của mình để trở thành chủ sở hữu công ty.

LDN 2020 đã có sự điều chỉnh định nghĩa theo một hướng tương đối khác, khi dựa trên góc độ kinh tế để đưa ra định nghĩa tại khoản 13, Điều 4. Theo đó, góp vốn là việc đưa tài sản vào tạo thành vốn điều lệ công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập. Như vậy, vốn góp được xem là tổng giá trị của những tài sản mà nhà đầu tư nào đó góp vào công ty. Do đó, có thể nhận thấy vốn góp sẽ được định lượng bằng tiền. Với việc liệt kê những loại tài sản có thể góp vốn có thể khiến cho quy định không đầy đủ. Mặc dù LDN 2014 và sau này là LDN 2020 đã có quy định mở là những loại tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty cũng được coi là các tài sản có thể được góp vốn. Song việc xác định tài sản là gì, các loại tài sản như thế nào và việc thực hiện góp vốn bằng tài sản, chuyển giao vốn góp như thế nào phải có sự quy dẫn về lại BLDS liên quan đến chế định về tài sản và quyền sở hữu. Tuy nhiên dường như LDN lại được xây dựng tách biệt khỏi BLDS, do đó, không có đường kết nối giữa các đạo luật này.

So sánh với các quy định tương ứng tồn tại trong các đạo luật trước đây có thể nhận thấy sự khác biệt với cách quy định của LDN 2020. Theo đó, LDN 2014 đưa ra định nghĩa về góp vốn xuất phát từ góc độ kinh tế, trong khi các đạo luật như LDN 1999, LDN 2005 lại đưa ra định nghĩa dựa trên góc độ pháp lý. Việc định nghĩa khái niệm góp vốn dưới góc độ kinh tế không thuận tiện cho việc nhận biết các dấu hiệu pháp lý của việc góp vốn và cũng không cho thấy rõ quyền và nghĩa vụ cơ bản của người góp vốn, cũng như người nhận vốn.

Hơn nữa, khái niệm góp vốn mà LDN đưa ra chỉ là một khái niệm hẹp chỉ áp dụng khi thành lập doanh nghiệp hoặc khi doanh nghiệp đã thành lập không thích hợp với việc góp vốn của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, thương mại nói chung cũng như góp vốn đầu tư mà không thành lập doanh nghiệp ví dụ như hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC theo LĐT 2014. Quy định như vậy có sự hạn chế, không phù hợp về mặt thực tế đa dạng của nhu cầu về góp vốn.

Một phần của tài liệu Pháp luật về góp vốn bằng nhãn hiệu (Trang 85 - 86)